Các ông bố nên giúp các bà mẹ trong việc chăm sóc con, đồng hành học tập cùng trẻ, giúp trẻ xem bài tập về nhà… Mỗi tháng nên sắp xếp một lần để cha con ở cùng nhau, dành thời gian nghỉ ngơi cho mẹ, mà quan trọng nhất chính là lắng nghe những điều vợ muốn nói.

Trên bảng xếp hạng, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, các quốc gia Bắc Âu… là “quốc gia nuôi con thoải mái nhất”, “quốc gia thân thiện nhất đối với gia đình có trẻ em”.

Đồng thời, Bắc Âu cũng đứng đầu thế giới về năng lực học tập của trẻ em. Người ta thậm chí gọi Bắc Âu là “nơi nuôi dạy con thoải mái nhất trên thế giới”.

Vậy lý do là gì?

Lý do thành công của nền giáo dục Thụy Điển chính là: Các ông bố sẵn sàng cùng tham gia vào việc giữ con

Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính là từ sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. Nhưng nguyên nhân lớn nhất nằm ở việc các ông bố sẽ sẵn sàng tham gia vào các việc chăm sóc trẻ.

Vợ chồng Thụy Điển quan điểm rằng, vợ chồng cùng nhau làm các việc là điều đương nhiên. Do đó, giữ trẻ cũng nên là việc của cả hai vợ chồng. Cách nghĩ này đã ăn sâu vào văn hóa người Thụy Điển. Khi các ông bố tham gia vào các việc chăm sóc trẻ, sẽ giảm bớt gánh nặng và áp lực cho các bà mẹ. Vì vậy mà Thụy Điển trở thành quốc gia nuôi dạy con thoải mái nhất.

Trên thực tế, có tới 80% các ông bố Thụy Điển nghỉ việc để chăm sóc con mới chào đời. Hơn nữa, nếu ông bố Bắc Âu này không xin nghỉ phép để chăm sóc con mình thì còn có thể không được những người xung quanh tôn trọng.

Lý do thành công của nền giáo dục Thụy Điển chính là các ông bố sẵn sàng cùng tham gia vào việc giữ con. (Ảnh minh họa: time.com)

Dành cho các bà mẹ một không gian nghỉ ngơi, mới có thể bồi dưỡng trẻ nhỏ kiện toàn nhân cách

Vậy thì vì sao nói các ông bố tham gia giữ trẻ sẽ tốt hơn?

Lý do đã được đề cập ở trên, đó là để giảm bớt áp lực cho các bà mẹ.

Trẻ từ 0 – 4 tuổi, mẹ và trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc mật thiết với nhau hơn, quan hệ giữa mẹ con sẽ là nền tảng hình thành tâm lý, tính cách của trẻ.

Nếu như người mẹ bởi vì phải chịu áp lực quá lớn trong việc giữ con, luôn buồn bực phiền não và nóng nảy thì không thể nuôi dạy con thật tốt được.

Một khi buồn bực, các bà mẹ sẽ khó kiềm chế hành động, có thể dễ dàng nói ra những câu mệnh lệnh nóng giận với trẻ, “Làm nhanh lên!”, “Không được làm vậy!” và thậm chí là những từ bị cấm.

Làm như vậy sẽ khiến nội tâm của trẻ càng ngày càng không thoải mái. Không chỉ như vậy, khi mẹ tiếp tục chịu áp lực khủng khiếp, cũng sẽ không ngừng thúc giục trẻ “Nhanh lên!”, “Làm nhanh lên!”. Như vậy sẽ làm tăng kinh nghiệm thất bại cho trẻ.

Khi mẹ kiệt sức, thật dễ để nói ra những ngôn từ tiêu cực: “Để nói sau”, “Đừng cố tình gây sự”… Điều này sẽ khiến lòng tự trọng của trẻ bị thương tổn, mang lại kết cục tồi tệ nhất.

Nhưng đây cũng không phải là lỗi của các bà mẹ. Rất nhiều bà mẹ vì phải chăm con, làm việc nhà, còn phải chịu áp lực xung quanh, đến mức cảm thấy nghẹt thở.

Nếu muốn mẹ có thái độ tốt với trẻ, thì sự trợ giúp từ cha là không thể thiếu. Nếu muốn mẹ có thể nở nụ cười, đối đãi một cách vui vẻ với trẻ, vậy thì, sự hỗ trợ từ cha chính là không thể thiếu được.

Các ông bố nên giúp các bà mẹ trong việc chăm sóc con, đồng hành học tập cùng trẻ, giúp trẻ xem bài tập về nhà… Mỗi tháng nên sắp xếp một lần để cha con ở cùng nhau, dành thời gian nghỉ ngơi cho mẹ, mà quan trọng nhất chính là lắng nghe những điều vợ muốn nói. Nếu như làm một người chồng mà không thể thông cảm và ân cần giúp đỡ vợ, sẽ rất khó để giáo dục con trẻ một cách suôn sẻ, thuận lợi.

Để mẹ có thái độ tốt với trẻ, thì sự trợ giúp từ cha là không thể thiếu. (Ảnh: viafriss.com)

Mẹ đóng vai trò chủ yếu trước khi trẻ lên 6 tuổi. Vai trò của cha tăng dần lên khi trẻ sau 7 tuổi

Có thể nói rằng, quan điểm cho rằng các ông bố phải ra ngoài lo sự nghiệp, nên việc chăm sóc và dạy dỗ con cái là trách nhiệm của các bà mẹ thực sự đã ăn sâu vào xã hội hiện đại.

Trong các gia đình ngày xưa, dạy con học văn và học võ đều là trách nhiệm của người cha. Đó là bởi vì thời đó, có thể dưỡng dục nên một người con xuất sắc hay không sẽ chính là đại sự ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả một gia tộc.

Người cha không chỉ có thể dạy con học vấn, thậm chí còn có thể dạy con lễ tiết và thư pháp.

Vậy thì, cha mẹ hiện đại làm sao để chia sẻ việc giáo dục trẻ?

Đầu tiên, trước 6 tuổi là thời kỳ hình thành cơ sở tâm lý (khuynh hướng tình cảm và tính cách), lúc này, mẹ đóng vai trò chính trong việc nuôi dạy trẻ. Giai đoạn này, cần cho trẻ cảm nhận thấy cảm giác an toàn, cho trẻ cảm nhận được cảm giác được yêu thương, từ đó kiến lập sự tự tin cho trẻ.

Lúc này, công việc của các ông bố là trợ giúp các bà mẹ. Ví dụ như đi mua sắm, dọn dẹp, rửa chén, đổ rác, đưa đón con… thì các ông bố có thể tham gia vào giúp đỡ được.

Và khi đứa trẻ càng lớn lên thì vai trò của các ông bố càng trở nên quan trọng.

Ví dụ như cùng trẻ ra ngoài hoạt động thể chất, hòa mình vào thiên nhiên, giúp trẻ có cơ hội tiếp xúc với những người khác. Những việc này các ông bố đảm nhiệm thì vẫn là phù hợp hơn cả.

Khi đứa trẻ càng lớn lên thì vai trò của các ông bố càng trở nên quan trọng. (Ảnh: istockphoto.com)

Trẻ từ nhỏ ở với bố càng nhiều, sự hài lòng đối với công việc càng cao

Vai trò của các bố rất quan trọng trong việc dạy dỗ trẻ lớn lên có thể trở thành một người có năng lực và độc lập. Trong đó bao gồm: dạy con các chuẩn mực xã hội, hiểu được sự trọng yếu của việc nỗ lực hoàn thành công việc, làm sao để sống hòa hợp với người khác…

Theo một nghiên cứu của trường Đại học Newcastle, vương quốc Anh: có tên “Vai trò của người cha trong giáo dục” đã chỉ ra rằng: Trẻ ở bên cạnh bố thời gian dài, chỉ số IQ càng cao, kỹ năng xã giao tốt, năng lực phát triển nghề nghiệp tốt hơn hẳn.

Ngoài ra, một nghiên cứu khác vào năm 2015 cũng chỉ ra rằng, trẻ từ bé ở bên cạnh cha thời gian càng lâu, mức độ hài lòng với công việc khi đứa trẻ trưởng thành càng cao.

Các bậc cha mẹ đương nhiên cũng sẽ có những lúc rất bận rộn với công việc, nhưng hãy cố gắng dành thời gian để ở bên cạnh con nhiều hơn nữa.

“Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”, cả việc chăm sóc con cái cũng vậy, hy vọng rằng bạn có thể cùng nửa kia của mình chăm sóc con trẻ tốt nhất.

Theo Cmoney
Mây Trắng biên dịch