Biết xin lỗi là một phẩm chất đạo đức tốt đẹp thiết yếu, tuy nhiên trong nhà trường ngày nay hầu như không có dạy.

Một người đến ngay cả việc xin lỗi cũng không biết thật sự rất đáng chê cười, bởi vì trong mắt họ chỉ có bản thân mình. Họ cảm thấy tôn nghiêm của mình giống như một con đê, chỉ cần nói một tiếng “xin lỗi” con đê sẽ bị vỡ và tôn nghiêm của họ sẽ bị nhấn chìm trong nước.

Học cách xin lỗi giáo viên

Trong trường “Kai Ping Culinary School” hầu như các hoạt động lớn nhỏ đều giao cho học sinh tổ chức. Thậm chí ngày lễ quan trọng nhất như lễ kỷ niệm thành lập trường cũng không ngoại lệ. Trong quá trình đảm nhiệm trọng trách này, học sinh phải tự mình hợp thành đoàn đội, phân công công việc, viết kế hoạch. Thách thức cực hạn của tâm lý và sinh lý trong một thời gian giới hạn, sẽ phạm sai lầm, sẽ trì trệ. Trong quá trình hợp tác sẽ dễ gặp vô số chướng ngại, lúc nói chuyện cũng thường ông nói gà bà nói vịt.

Trong thời gian tổ chức lễ kỷ niệm thành lập trường, học sinh phải vào phòng làm việc của giáo viên để trình bày bản thảo của việc tổ chức với giáo viên. Tôi là giáo viên phụ trách của buổi lễ này, thế mà mãi cho đến đêm trước ngày làm lễ mới biết được những gì mà chúng đã trải qua thông qua một cuộc họp đong đầy cảm xúc. Sáng sớm ngày hôm sau, các giáo viên đều đã chuẩn bị xong, mong chờ bản thuyết trình của các em học sinh, giới thiệu sơ lược về kế hoạch tổ chức. Tôi chỉ thất thần một chút chúng đã bắt đầu tiến hành giới thiệu, trong lòng tôi thật sự thấp thỏm không yên.

Bởi vì không chuẩn bị tốt nên học sinh cúi người xin lỗi giáo viên

Học sinh đều mặc đồng phục chính thức, nỗ lực phát biểu những gì mà chúng đã chuẩn bị trong hai tuần qua. Mặc dù vậy, bản thuyết trình của chúng thể hiện rõ sự thiếu sót và không đủ sức thuyết phục. Nhưng điều làm tôi kinh ngạc chính là sau khi báo cáo kết thúc, học sinh đã cúi người 90 độ nhận lỗi với giáo viên, thừa nhận bản thân đã không chuẩn bị đầy đủ, bởi vì còn một bộ phận chưa đạt được ý kiến chung. Hy vọng giáo viên có thể cho chúng thêm một cơ hội. Hình ảnh này làm cho tôi được an ủi và yên tâm hơn. Mặc dù hoạt động này gấp gáp, học sinh vẫn khiêm tốn, ổn định, thể hiện rõ ràng sự sẵn sàng học hỏi và cải thiện, thậm chí hiểu được khắc chế tính hiếu thắng. Chỉ cần sẵn sàng cúi đầu thì khi ngẩng đầu một lần nữa, thứ chúng ta nhìn thấy sẽ càng nhiều hơn.

Khắc chế cái hiếu thắng và tự cao cho học sinh bằng việc xin lỗi thực từ trong tâm. (Ảnh: edu.vn)

Hình thức xin lỗi hài hước trong khuôn viên trường học

Tôi vẫn luôn cảm thấy, lời xin lỗi là một liên kết quan trọng trong việc phát triển nhân cách, nếu như thiếu đi nó, con người sẽ có bao nhiêu ngu muội và tự cao tự đại. Xin lỗi vốn là một việc nên cẩn trọng, cũng là một hành động tương đối nặng nề. Mỗi lần chúng ta nói “xin lỗi”, thì phải nói một cách to rõ và chân thành, chứ không phải chậm chạp mà lơ là.

Tuy nhiên, trong khuôn viên trường học ngày nay, dẫn dắt học sinh học cách xin lỗi là một điều rất khó. Bởi vì trong tin tức, phim ảnh và sách báo quá nhiều điều tùy tiện, hư ảo. Khiến cho người khác lầm tưởng rằng, khi phạm sai lầm và xúc phạm bất cứ ai, chỉ cần phủ nhận, nói đen thành trắng là được.

Có nhiều người luôn đặt lời xin lỗi bên miệng, nói ra một cách rất nhẹ nhàng và bâng quơ, trong lòng lại không chút thành ý.

Khi bắt buộc phải xin lỗi, chỉ cần cúi đầu diễn một màn đáng thương, dùng nước mắt để làm người khác đồng tình cho qua là được.

Cuối cùng “xin lỗi” trở thành một công thức: Làm sai – nói không lại người khác – chỉ có thể nói: “Được, tôi xin lỗi” – sau đó tiếp tục làm sai.

Vì vậy, trong trường học thường diễn nhiều nhất chính là vở kịch: “xin lỗi”. Chính là hai bên sau khi cãi nhau hoặc đánh nhau, không cam tâm tình nguyện bị giáo viên gọi lên văn phòng. Sau đó càng không tình nguyện nói xin lỗi đối phương. Cuối cùng vô cùng không tình nguyện bắt tay làm hòa. Người bị hại tiếp tục bị hại, người làm tổn hại người khác, tiếp tục làm tổn hại người khác, không có gì thay đổi cả.

Giáo dục cách chấp nhận lỗi lầm của bản thân và dám đối diện với việc phạm lỗi. (Ảnh: Facebook.com)

9 cách suy nghĩ và kiến nghị về việc xin lỗi

Nguyện ý xin lỗi là một điều đáng khen, nhưng chúng ta đều biết có những lời xin lỗi chỉ làm mọi thứ càng tồi tệ hơn, chi bằng không nên xin lỗi. Xin lỗi không phải là một vở độc diễn, tự diễn, tự quan tâm. Xin lỗi là một vở kịch hai người, bắt buộc phải có qua có lại.

Nếu như lời xin lỗi của bạn không truyền đạt được cho đối phương, vậy thì tại sao chúng ta phải xin lỗi? Nói xin lỗi như thế nào mới có thể khiến người ta thoải mái, cũng khiến cho bản thân thoải mái? Tôi cho rằng chỉ có lời xin lỗi thành thật, bao gồm 9 điểm đáng chú ý sau:

1. Vĩnh viễn không nói những lời xin lỗi giả dối

Xin lỗi không phải chỉ nói bằng miệng, chỉ cần mở miệng là được, nó bắt buộc phải xuất phát từ trái tim. Đừng xem đối phương là một tên ngốc, nếu như họ để ý, họ sẽ phân biệt được lời xin lỗi của bạn là thật lòng hay giả dối. Nếu như bạn không thật lòng, thì không nên xin lỗi. Bởi vì lời xin lỗi giả dối đối với người bị hại chỉ càng khiến cho họ cảm thấy bị sỉ nhục và làm tăng thêm nỗi đau.

2. Lời xin lỗi là biểu hiện của sự đồng cảm

Lời xin lỗi thể hiện cách lý giải sự việc của một người. Nghe nhiều phiên bản khác nhau của cùng một câu chuyện từ miệng của nhiều người, tôn trọng người bị tổn thương, cảm nhận cảm xúc của họ, sau đó lý giải thế giới quan của tất cả những người mà bạn đã làm tổn thương. Ngay cả khi đó là một người bạn cảm thấy xa lạ, cũng cần phải bỏ ra thời gian để nghiền ngẫm về thế giới quan của họ.  

3. Xin lỗi không có nghĩa là từ đó về sau bạn không cần phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào

Đừng để lời xin lỗi trở thành một biểu hiện không biết xấu hổ. Sau khi làm điều gì sai, chỉ cần giơ tay và nhún vai, nhưng không chút nào muốn sửa đổi, giống như mọi chuyện không liên quan gì đến bản thân. Như thể nói rằng: “Đúng vậy, tôi thật sự xin lỗi bạn, sau đó thì sao?”

Đó là một hành động vô cùng ấu trĩ và lưu manh.

Lời xin lỗi là biểu hiện của sự đồng cảm. (Ảnh: Tapetus.pl)

4. Đi theo sau lời xin lỗi chính là một loại lời hứa

Hứa rằng bạn sẽ thay đổi, thay đổi thái độ, thay đổi khẩu khí, thay đổi hành vi. Nếu như bạn không muốn thay đổi thì tốt hơn hết là không cần nói lời xin lỗi. Lời xin lỗi như vậy là những lời nói lạnh lùng và trống rỗng. Dễ dàng tiêu tan trong không khí và không có trọng lượng.

5. Sau khi nói lời xin lỗi, không cần nói thêm “nhưng…”

Xin lỗi không có “nhưng”, không phải sau khi cúi người xin lỗi liền có thể lập tức đứng thẳng người, chỉ vào mũi người khác nói: “Nhưng không phải vì bạn…. tôi sẽ không….”

Xin lỗi không phải là biện pháp ra điều kiện, dường như xin lỗi chứng tỏ bạn thật giỏi giang, sau khi xin lỗi xong bạn đã có thể đàm phán một cách đường hoàng để đòi lại những tổn thất trước đó.

6. Xin lỗi không phải là làm màu, không cần bày binh bố trận

Có liên quan đến người nào thì xin lỗi người đó, bạn muốn xin lỗi một người không cần phải nói trước mặt nhiều người. Bởi vì đó là làm màu, nó chỉ khiến bạn thể hiện rõ ràng bản thân đạo đức giả, tự khoe khoang bản thân có bao nhiêu giả dối.

7. Xin lỗi không chỉ là ngôn ngữ hay từ ngữ

Khi bạn xin lỗi, đối phương không chỉ nghe được nội dung vốn có của hai từ này, mà đối phương có thể nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy thái độ, khí tức, âm điệu, biểu tình trên gương mặt và tất cả động tác nhỏ nhặt của bạn. Trong miệng bạn là lời xin lỗi, nhưng hành động trên cơ thể của bạn lại không cho thấy điều đó. Đừng để hành động của bạn phản bội lại lời nói.

Một lời xin lỗi phải bắt nguồn từ trong tâm. (Ảnh: laodong.com.vn)

8. Xin lỗi không cần thiết phải cúi đầu hạ mình, ủy khuất bản thân

Xin lỗi không có nghĩa là không thể giữ được tôn nghiêm. Do đó, không cần cầu xin và van nài sự tha thứ của người khác. Khiến cho nhân cách của bạn trở thành một chiếc chai trên đường, mặc kệ cho xe cộ qua lại công kích. Bạn không thể buộc mọi người chấp nhận lời xin lỗi của bạn. Vì vậy, không nên ép buộc bản thân phải hạ mình. Chỉ cần thể hiện sự chân thành với nỗ lực tối đa, thật lòng nói xin lỗi. Sau đó chấp nhận và tôn trọng phản ứng của nhau. Có lẽ đối phương cần có thêm thời gian, thậm chí có lẽ anh ta cũng không thể tha thứ được.

9. Xin lỗi không phải là sự sỉ nhục, mà là khởi đầu của sự học hỏi

Xin lỗi đại biểu rằng bạn có năng lực phản tỉnh, có thể cúi đầu, cũng có thể chịu trách nhiệm. Có thể đối mặt với căng thẳng và có thể thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh. Có thể nhận thức được vai trò của bản thân trong một nhóm người. Tất cả những điều này là những khả năng chính mà các nhà lãnh đạo phải học.

Học cách nói xin lỗi với học sinh

Tôi là một giáo viên thường xin lỗi học sinh. Tôi nghĩ rằng đó là bình thường khi bản thân phạm sai lầm. Bởi vì tôi là một người có quá nhiều điểm không hoàn hảo. Những người không phạm sai lầm là đáng nghi, những người phạm phải sai lầm là đáng buồn. Vào học kỳ thứ nhất, tôi đã phạm sai lầm trong việc chấm thành tích cho học sinh. Mặc dù sau đó đã giải quyết xong, nhưng nút thắt với học sinh cũng không vì vậy mà nới lỏng.

Trong tiết học cuối, tôi mang theo tâm trạng nặng nề, từng câu từng chữ, nhẹ nhàng nói rõ với bọn trẻ: “Trong chuyện này, thầy nghĩ chưa thấu đáo mới phạm phải sai lầm, vì vậy, mang lại cho các em một số ảnh hưởng tâm lý. Thầy thật lòng cảm thấy có lỗi, mong các em có thể tha thứ cho thầy”.

Sau khi nghe tôi nói xong, tôi để ý đến ánh mắt của học sinh, không khí đóng băng 30 giây. Vào lúc đó, tôi cảm thấy rằng tôi đã giao tiếp thật sự với bọn trẻ. Tôi cảm thấy được tha thứ, khoảng cách giữa chúng tôi thậm chí còn gần hơn.

Thầy thật lòng cảm thấy có lỗi, mong các em có thể tha thứ cho thầy. (Ảnh: beritaprinting.com)

Đối mặt với bản thân, băng qua những ngọn núi trong trái tim

Tôi là một người coi trọng sĩ diện như mạng và tự xem trọng bản thân mình. Nhưng kinh nghiệm thất bại trong mối quan hệ với mọi người nói cho tôi biết:

“Làm sai thì phải xin lỗi, phạm phải lỗi lầm thì phải hối cải”.

Điều này không hề phức tạp hay khó khăn như tưởng tượng, không cần tìm đường vòng để giải quyết. Cũng không cần dùng thủ đoạn hay tâm cơ. Đối mặt với nguyên nhân trực tiếp, đối mặt với nỗi sợ hãi sâu sắc và nặng nề, mới là cách hiệu quả nhất.

Những ngọn núi tưởng tượng luôn cao hơn những ngọn núi thực sự. Lời xin lỗi giống như một sự cứu rỗi thể hiện một tấm lòng khoan dung. Lời xin lỗi thực sự không phải là bàn giao quyền chủ đạo, mà là lấy lại quyền chủ đạo, giải quyết rối loạn trong lòng và rửa sạch bản thân lần nữa.

Hãy để bạn tiếp tục sống vững vàng và an ổn

Những câu chuyện hay không chỉ dừng lại ở đây. Cuộc sống của tôi, sự lựa chọn của tôi… Những câu chuyện hàng ngày của những nhân vật xuất sắc ở mọi giai tầng xã hội… Và mỗi một người chăm chỉ trên thế giới này… Tôi hy vọng bài viết này có thể khiến bạn đối diện với thất bại, lấy lại sức mạnh của chính mình.

Theo cmoney.tw
Khải Phong biên dịch

Từ Khóa: