Một đứa trẻ đang vui thì học bất cứ cái gì cũng dễ dàng. Còn khi trẻ không vui thì trí lực và tiềm năng của chúng sẽ bị giảm sút. Vì thế, cha mẹ cần tạo cho con một không khí học tập vui vẻ để trẻ tự tin, vượt qua mọi khó khăn tiếp nhận tri thức tiến đến thành công.

Nhà giáo dục (cha mẹ) vui vẻ

Trong giáo dục, vui vẻ và khổ sở là hai cảm xúc không chỉ tồn tại ở một phía là cha mẹ hay con cái. Nếu cha mẹ thấy việc giáo dục con làm mình khổ tâm thì trẻ cũng có cảm giác đó, cha mẹ vui vẻ thì trẻ cũng vui vẻ theo. Do đó, muốn trẻ trưởng thành trong vui vẻ thì điều cha mẹ cần làm đầu tiên chính là bản thân phải vui vẻ.

Rất nhiều cha mẹ luôn so sánh con mình với những đứa trẻ khác, nhất là với anh chị em họ hoặc những đứa trẻ hàng xóm. Cha mẹ nghĩ so sánh sẽ giúp trẻ nỗ lực hơn nhưng thực chất đây lại là suy nghĩ nông cạn. Vì trẻ dù có toàn diện đến mấy cũng không tránh khỏi những sai sót. Những khuyết điểm bị đem ra so sánh với ưu điểm của người khác sẽ tạo cho trẻ tâm lý không vui và thiếu công bằng với trẻ.

Thực tế, mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập. Sự phát triển của trẻ cũng là một quá trình độc lập và khác biệt những trẻ khác. Những cá tính của trẻ ngày hôm nay sẽ quyết định sự thành công của trẻ trong tương lai. Vì vậy, cha mẹ hãy là những nhà giáo dục thông minh thuận theo thiên tính của trẻ, tôn trọng cá tính của trẻ, tôn trọng cả những khuyết điểm của trẻ. Cha mẹ không nên so sánh trẻ với ai khác mà hãy đem trẻ của ngày hôm qua so sánh với trẻ của ngày hôm nay. Làm như vậy, cả cha mẹ và con sẽ nhận ra được sự tiến bộ của mình.

Cha mẹ vui vẻ giống như một người chăn cừu vậy. Khi chăn cừu, họ sẽ chỉ đưa cừu đến đồng cỏ tươi ngon, còn việc cừu ăn cỏ như thế nào thì người chăn cừu không thể quan tâm hết được. Giáo dục trong gia đình, phải chăng cha mẹ hãy coi mình là người chăn cừu vậy. Hãy dẫn dắt trẻ tiếp cận kiến thức phong phú và những điều tốt đẹp của thế giới, để trẻ chủ động học tập.

Nhà giáo dục (cha mẹ) vui vẻ
Cha mẹ vui vẻ sẽ luôn tạo động lực cho con khi làm mọi việc. (Ảnh: kaksetosurabaya.com)

Tạo không khí vui vẻ khi dạy dỗ trẻ

Trong cuộc sống gia đình, sẽ có rất nhiều những chuyện cỏn con khiến chúng ta buồn chán và thất vọng. Nhưng nếu trong một gia đình phải thường xuyên sống trong sự buồn chán và thất vọng thì cuộc sống đó quả thực là khốn khổ, môi trường như vậy sẽ không tốt cho sự trưởng thành của trẻ.

Cha mẹ cần xây dựng bầu không khí trong gia đình vui vẻ, không thể chỉ vì sự buồn chán, phẫn nộ của cá nhân mà làm ảnh hưởng tới không khí chung. Ngay cả khi cha mẹ phải chịu áp lực lớn về tinh thần hay về kinh tế cũng phải duy trì nét mặt vui vẻ, tâm trạng lạc quan, có như vậy trẻ mới vui vẻ theo.

Phương thức giáo dục vui vẻ

Giáo dục là sự uốn nắn, phát huy tiềm năng của trẻ, tất nhiên sẽ mang trong nó tính cưỡng chế, do vậy trẻ cảm thấy áp lực là điều dễ hiểu.

Giáo dục gia đình chính là biến áp lực thành động lực, biến khổ cực thành vui vẻ. Để làm được điều này thì trước hết phương thức giáo dục phải vui vẻ. Chúng ta có thể áp dụng một số phương pháp giáo dục vui vẻ như nghe nhạc, chơi trò chơi, đi du lịch… để tạo niềm vui. Trong niềm vui trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu được kiến thức.

Đối tượng được giáo dục (con trẻ) vui vẻ

Khi trẻ rơi vào trạng thái mệt mỏi, tinh thần căng thẳng, sự tự tin của chúng sẽ bị giảm sút. Lúc này, nếu một nhà giáo dục tài ba xuất hiện giảng giải cho trẻ những điều hay lẽ phải thì trẻ cũng sẽ không tiếp thu được. Cách tốt nhất lúc này là hướng trẻ tới sự vui vẻ, tự tin, sau đó mới tiến hành dạy dỗ trẻ.

Khi tâm trạng trẻ mệt mỏi hoặc không vui, cha mẹ không nên ép con học. Cha mẹ hãy để trẻ nghỉ ngơi để chúng được thoải mái một chút như cho trẻ chơi vài phút, ăn nhẹ món ăn trẻ thích… đợi khi tâm trạng trẻ vui vẻ trở lại thì học tiếp. Như vậy, hiệu quả giáo dục đối với trẻ sẽ tốt hơn.  

Đối tượng được giáo dục (con trẻ) vui vẻ
Khi trẻ rơi vào trạng thái mệt mỏi, tinh thần căng thẳng, sự tự tin của chúng sẽ bị giảm sút, đây chính là lúc trẻ cần sự an ủi động viên của cha mẹ nhất. (Ảnh: sohu.com)

Giáo dục trẻ có quan niệm đúng đắn về niềm vui

Theo đuổi niềm vui là mục tiêu của cả đời người. Con người theo đuổi giàu sang phú quý là bởi chúng có thể mang đến cảm giác vui vẻ, con người theo đuổi tình yêu là bởi vì tình yêu mang đến những giây phút vui vẻ, hạnh phúc.

Giáo dục nếu chỉ chú trọng đến lượng kiến thức nắm bắt được mà không quan tâm đến sự vui vẻ của trẻ thì sẽ khiến trẻc nhận thức sai về niềm vui, trẻ sẽ coi việc gây đau khổ, khó chịu cho người khác là niềm vui. Như vậy, những kiến thức, kỹ năng mà trẻ học được trước đó không mang lại hạnh phúc cho trẻ. Ngược lại, nó trở thành công cụ tạo ra bi kịch cho cuộc đời trẻ. Lúc này, giáo dục vô tình là tòng phạm cho những người này.

Đối với mỗi người, học tập để nắm bắt kiến thức và kỹ năng đương nhiên là quan trọng và cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn nữa là qua đó có được nhận thức đúng đắn về niềm vui và hạnh phúc. Cha mẹ có trách nhiệm truyền sự vui vẻ đến trẻ, giúp trẻ hiểu vui vẻ có lợi cho cuộc sống như thế nào, phải theo đuổi nó ra sao, giúp trẻ tìm được sự vui vẻ thuộc về chính mình và hưởng hạnh phúc trong sự vui vẻ đó.

Các chuyên gia giáo dục đã chỉ ra những hành động sẽ khiến trẻ có niềm vui đúng đắn như sau:

  1. Tôi có thu hoạch, có tiến bộ thì tôi sẽ vui.
  2. Tôi có phát hiện mới, có điều quan tâm mới, có giác ngộ mới thì tôi sẽ vui.
  3. Tôi có thể giúp đỡ người khác, mang lại hạnh phúc cho người khác, thì tôi sẽ vui.
  4. Gặp phải những khó khăn mà người khác chưa từng gặp phải nhưng tôi có thể giải quyết được, vượt qua được thì tôi sẽ vui.
  5. Sinh ra trong một gia đình có gia cảnh khó khăn nhưng tôi có thể vượt qua hoàn cảnh để thành công, sống có ích thì tôi sẽ vui.
  6. Khi trưởng thành, tôi hiếu thuận với cha mẹ, có thể đưa cha mẹ đi du lịch, khiến cha mẹ vui vẻ hơn thì tôi sẽ vui.
  7. Tôi có những sáng tạo mới, mang lại vinh quang cho tổ quốc, làm rạng danh cho dân tộc thì đó là niềm vui lớn nhất của tôi.

Những hành vi dưới đây của trẻ sẽ bị coi là không đúng đắn và chính đáng:

  1. Coi mình là trung tâm.
  2. Khiến người khác buồn và bất an.
  3. Không làm việc nhưng vẫn hiển nhiên hưởng thụ.
  4. Không biết nỗ lực…
Đâu mới là biểu hiện của phương pháp giáo dục chân chính?
Dạy con là một cuộc hành trình dài, điều cha mẹ cần quan tâm không chỉ là kết quả của sự giáo dục mà còn là diễn biến của quá trình giáo dục đó. (Ảnh: vix.com)

Dạy con là một cuộc hành trình dài, điều cha mẹ cần quan tâm không chỉ là kết quả của sự giáo dục mà còn là diễn biến của quá trình giáo dục đó. Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của trẻ. Bởi vậy cha mẹ hãy là nhà giáo dục vui vẻ tạo ra môi trường giáo dục thuận lợi, giúp trẻ tiếp nhận những kiến thức mới trong vui vẻ và hình thành được những phẩm cách tốt đẹp.

Hồng Ân