Là cha mẹ, ai cũng mong rằng con trẻ có một cuộc đời vui vẻ, vì vậy mà dành cả thời gian và tâm huyết để mong con thành đạt sau này. Nhưng chúng ta lại quên mất điều quan trọng là: Cha mẹ cũng cần được vui vẻ.

Chúng ta vĩnh viễn chỉ chú trọng những thứ “có thể nhìn thấy được”

Trong hệ thống giáo dục hiện nay, chúng ta luôn chỉ chú ý đến những gì mà chúng ta nhìn thấy: Chú trọng điểm số, bằng cấp, chú trọng thành tích, và chú trọng kết quả. Trong quá trình dạy học, thầy cô cũng luôn dựa vào điểm số để xếp hạng. Muốn định nghĩa một đứa trẻ tốt hay xấu, thông thường phụ huynh đều dựa vào thành tích thi đại học của chúng, thậm chí coi việc du học nước ngoài là để có thể tìm được một công việc mơ ước. Như vậy chúng ta đã dùng những thứ “nhìn thấy được” để đánh giá năng lực của một người.

Tuy nhiên sau khi rời vòng tay cha mẹ để bước vào xã hội, một đứa trẻ có thể tồn tại và thích ứng hay không đều cần những năng lực không thể đo lường bằng điểm số, như năng lực lãnh đạo, năng lực phối hợp nhóm, năng lực kìm nén, năng lực chịu đựng…

Rất nhiều bậc phụ huynh dựa trên thành tích của con em mà định nghĩa phương thức giáo dục của bản thân là thành công hay thất bại. Họ yêu cầu con trẻ phải đạt thành tích cao, cho rằng có thành tích thì mới có thành tựu. Hậu quả là, thành tích của con trẻ vô tình bị đặt lên bàn cân so sánh giữa người lớn với nhau, dùng thành tích và kết quả thi đại học của con em để kết luận cha mẹ thành công hay thất bại. Vì vậy họ yêu cầu con trẻ học tập xuất sắc chỉ vì không muốn bản thân mất mặt. Tuy nhiên, là phụ huynh, liệu chúng ta đã từng nghĩ con em mình thật sự thích gì hay không? Hoặc là điều gì mới tốt cho tương lai của chúng?

Rất nhiều bậc phụ huynh dựa trên thành tích của con em mà định nghĩa phương thức giáo dục của bản thân là thành công hay thất bại vì vậy ép trẻ học ngày học đêm. (Ảnh: El Huffington Post)

Học tập, là bởi vì giá trị bên ngoài?

Trong một đoạn video, nhà văn nổi tiếng của Đài Loan là Hầu Văn Vịnh đề cập đến nền giáo dục ngày nay, ông cho rằng rất nhiều trẻ em học tập vì giá trị bên ngoài chứ không phải vì các giá trị bên trong con người. Vì muốn đạt điểm cao, vào trường chuyên lớp chọn, tương lai có được công việc mơ ước, có thành tựu… thì mới học tập, cho nên trong quá trình học trẻ không tìm được nhiệt huyết. Tất cả là bởi chúng không coi trọng các giá trị bên trong mà chỉ chạy theo những giá trị bên ngoài.

Giá trị bên trong là gì?

Hầu Văn Vịnh cho rằng bản chất của giáo dục là hoàn thiện nhân cách, đề cao đạo đức con người. Con người vì hiếu kỳ mà muốn tìm hiểu, muốn học hỏi những điều mới lạ, đó đều là bản năng của con người. Dựa trên bản năng, mỗi cá nhân sẽ đề cao giá trị của bản thân thông qua việc học tập và tích lũy kinh nghiệm, từ đó hoàn thiện nhân cách, bồi đắp sự thiện lương, nâng cao tri thức và hiểu biết về thế giới này. Đây là những giá trị bên trong được mang lại thông qua giáo dục và học tập.

Tin tưởng trẻ sẽ tìm ra con đường cho chính mình

Trong video, nhà văn Hầu Văn Vịnh chia sẻ về quá trình giáo dục con trai mình:

Khi cậu bé học cấp hai, ông cảm thấy bất lực vì hoàn toàn không thể thay đổi con của mình. Mỗi ngày đều xảy ra vấn đề, ví dụ như đi học trễ, không nộp bài tập, đánh nhau gây gổ với bạn bè… Tuy nhiên ông vẫn lạc quan và tin tưởng rằng: “Tôi tin con mình sẽ tìm được con đường cho chính nó”. Hầu Văn Vịnh nói, ông sẽ không để thành tích khiêm tốn của con làm ảnh hưởng đến tình yêu thương của một người cha.

Hầu Văn Vịnh luôn tin tưởng vào con trai mình, ông cho rằng cậu bé sẽ dần dần tìm thấy niềm vui của riêng nó. Do đó, tình cảm của hai cha con ngày càng thân thiết. Bây giờ cậu bé không cần đợi người khác nhắc nhở, nhưng vẫn đạt được thành tích đáng mong đợi ở trường.

Hãy trở thành người bạn thân thiết của trẻ, như vậy không cần phải nhắc nhở trẻ sẽ tự đạt được thành tích như mong đơi. (Ảnh: Sharetify)

Rất nhiều bậc phụ huynh luôn coi thành tích là tất cả, cho nên khi thành tích của con em mình không tốt thì họ lao tâm khổ tứ mà lo lắng trong lòng, thậm chí vì gấp gáp mà nổi giận với chúng. Kỳ thật cha mẹ nên mở rộng tấm lòng, để con trẻ biết cha mẹ luôn ủng hộ việc chúng làm, như vậy mới có thể giúp chúng tìm được niềm yêu thích của mình. Cũng giống như Hầu Văn Vịnh nói: “Phụ huynh, giáo viên nên tin tưởng con em sẽ trở nên tốt hơn, tin tưởng năng lực không thể nhìn thấy ấy, đối với cuộc sống của chúng càng quan trọng”.

Khải Phong

Từ Khóa: