Hạnh phúc vốn không dễ dàng, chỉ để dành cho ai cố gắng. 

Có thể nói rằng nuôi dạy con nên người cũng là một quá trình cha mẹ thành tựu chính mình. Bởi khi nuôi dạy con, những “tính xấu” như nóng giận, đố kỵ, nói dối của người làm cha làm mẹ có nhiều cơ hội bộc lộ ra. Nếu cha mẹ nhân dịp này mà không ngừng nỗ lực tu sửa bản thân thì sẽ giống như dùng một mũi tên mà trúng hai đích vậy: một là bản thân mình tâm tình tốt lên, hai là cho con bình an hạnh phúc. Có lẽ đó cũng là ý nghĩa thiêng liêng của thiên chức làm cha làm mẹ.

Nóng giận

Người xưa có câu “giận quá mất khôn” thật đúng cho nhiều trường hợp, đặc biệt trong việc giáo dục con cái.

Thông thường tình huống nóng giận xảy ra khi cha mẹ cảm thấy không hài lòng về một điều gì đó ở con. Ví dụ con mắc lỗi nhỏ như làm vãi cơm hoặc bày đồ đạc bừa bộn có thể bị mắng. Nếu con gây ra lỗi to hơn như nói dối hoặc trốn học cha mẹ sẵn sàng quát nạt con thậm chí đánh đòn đau.

Thực ra đây chỉ là phản ứng nhất thời để cha mẹ xả giận trong lòng chứ không thể mang đến kết quả giáo dục tốt cho con. Điều con cần ngược lại chính là một tinh thần tự tại của cha mẹ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Chỉ là khác nhau ở một ý niệm mà kết quả có thể trái ngược nhau hoàn toàn:

Cha mẹ bình tĩnh nhẹ nhàng cũng giống như đang mở ra thiên đường cho con chứng kiến vẻ đẹp của sự lương thiện. Ngược lại, sự nóng giận của cha mẹ chỉ giống như lửa địa ngục khiến con vô cùng sợ hãi và tổn thương.

Câu chuyện sau đây là một ví dụ minh họa:

Một vị tướng quân đến gặp thiền sư Ekaku, hỏi:

– Bạch thầy, thiên đường và địa ngục là có thật hay không ?

– Thế ngài là ai ?

– Tôi là Tướng quân Sazuko.

Bất ngờ, thiền sư cười lớn :

– A ha! Thằng ngốc nào cho ông làm Tướng quân vậy, trông ông chẳng khác nào một tay hàng thịt.

Vị Tướng quân đùng đùng nổi giận, rút gươm nói:

– Ta băm xác mi ra!!!

Thiền sư vẫn điềm tĩnh nói:

– Này là mở cửa địa ngục.

Chợt bừng tỉnh và giác ngộ, vị Tướng quân sụp xuống lạy:

– Xin… xin thầy tha lỗi cho cử chỉ thô bạo vừa rồi của tôi.

– Này là mở cửa thiên đường – thiền sư Ekaku mỉm cười.

Cha mẹ hãy nỗ lực kiềm chế sự nóng giận của bản thân để con luôn được sống trong sự hòa ái.

Ảnh: Shutterstock.

Đố kỵ

Có một thực tế phổ biến xảy ra ở các gia đình từ ông bà đến cha mẹ vô hình chung đặt áp lực lên con cái, đó chính là sự so sánh chúng với những đứa trẻ khác. Bé thì so sánh về cân nặng, lớn lại so sánh về thành tích. Dường như người lớn chúng ta cảm thấy việc này rất đỗi tự nhiên mà không nhận ra đã làm tổn thương trẻ con như thế nào.

Bản thân việc so sánh vốn đã không đúng từ căn bản. Vì mỗi đứa trẻ sinh ra là khác nhau, hoàn cảnh là khác nhau, nội lực là khác nhau, nên mọi sự so sánh đều khập khiễng. Sự so sánh như vậy chỉ phản ánh tâm đố kỵ của người lớn mà thôi.

Thậm chí sự so sánh còn mang đến hệ lụy: nếu người lớn tung hô rằng chúng hơn những đứa trẻ khác, chúng sẽ trở nên kiêu ngạo khinh người, trong khi nếu người lớn trách chúng sao không bằng bạn bè, chúng lại bị đeo bám một cảm giác mình kém cỏi. Vậy hãy bỏ đi mầm mống của sai lầm ấy.

Một khi đã hiểu rằng bản nguyên của con người là sinh mệnh lương thiện thì bề ngoài với cân nặng hay thành tích như thế nào cũng đều không còn quan trọng nữa để mà đem ra so sánh. Đạo lý này được thể hiện rất giản dị qua câu chuyện sau đây:

Nhìn thấy một con sóng rất cao lớn ở bên cạnh mình, con sóng nhỏ tỏ ra bực tức và ghen tỵ:

– Bực ghê. Sóng kia lớn quá, sao ta bé tí. Chúng mạnh mẽ xiết bao, còn ta sao lại yếu đuối thế này!

Con sóng lớn cười đáp :

– Đó là vì bạn không nhận ra gốc gác của mình nên mới buồn bực thế.

– Tôi không là sóng thế là gì ?

– Sóng chỉ là hình thức tạm thời trong sinh mệnh của bạn. Kỳ thực bạn là nước. Một khi nhận ra bản nguyên của chính mình là nước, bạn sẽ không còn ấm ức với cái vỏ sóng này và không còn buồn bực gì nữa.

Con sóng nhỏ hiểu ra, cười vui vẻ:

– À, bây giờ thì tôi hiểu. Không cần thiết phải so sánh hay phân biệt giữa bạn và tôi…

Thật vậy, cha mẹ không cần phải so sánh con mình với con nhà người ta. Dù con thế nào, quan trọng nhất vẫn là làm một người thiện lương.

Khi cha mẹ có tấm lòng rộng rãi thản đãng như bầu trời, con sẽ là chú chim đại bàng cất cao đôi cánh.

Ảnh: Shutterstock.

Nói dối

So với sự nóng giận và đố kỵ, nói dối cũng gây tổn thương cho trẻ không kém chút nào. Trong khi đó nói dối lại trở thành một thói quen được “chấp nhận dễ dãi” trong cuộc sống hàng ngày.

Khi trẻ không may va vào bàn bị ngã, ông bà thường hay đánh vào bàn bảo “chừa này” như thể vì cái bàn mà cháu ngã. Điều tưởng chừng như đơn giản ấy thực ra chính là một lời nói dối tai hại, nó sẽ gieo vào tâm trí đứa trẻ mầm mống của việc đổ lỗi cho người khác, trong khi lỗi là ở chính mình đã không cẩn thận tránh chiếc bàn ra.

Còn rất nhiều những tình huống khác mà người lớn thất hứa với trẻ hoặc bịa chuyện để dọa trẻ cũng phản ánh vấn đề nói dối. Theo ý kiến của chuyên gia, trẻ con từ nhỏ bị nghe nói dối sẽ không có khả năng tư duy hợp lý và tư duy phản biện. Đó là lý do tại sao trẻ em ở nước ngoài có thể đứng lên thuyết trình về những vấn đề to lớn của thế giới như môi trường, nghèo đói… trong khi trẻ em ở nước ta “thường xuyên bị nghe nói dối” lại rụt rè, không biết điều gì là hợp lý, không dám có chính kiến.

Nhìn ở một góc độ khác, cha mẹ luôn dạy con không được nói dối nhưng lại cho phép bản thân nói dối để đạt mục đích nhất thời, cũng có nghĩa là chưa thực sự nghiêm khắc với chính mình và có trách nhiệm với con. Bạn muốn con trở thành người như thế nào, bạn cần phải hành động như thế ấy, bởi “Trẻ con chưa bao giờ giỏi lắng nghe người lớn, nhưng chúng không bao giờ thất bại trong việc bắt chước họ” (James A. Baldwin).

Thành thật vẫn luôn là điều đáng quý trong muôn ngàn điều đáng quý. Người lớn luôn nói thật với trẻ em cũng chính là âm thầm dạy chúng về một chữ “Tín”.

Cổ nhân cho rằng “nếu như không có thành tín, bất kể việc gì cũng không thể làm được tốt”.

Câu chuyện nhỏ sau đây nói về một tấm lòng thật thà tận tụy sẽ giúp chúng ta đạt được thành công như vậy:

Có mấy em bé rất muốn làm thiên thần. Thượng Đế cho mỗi em một chân đèn và dặn trong lúc chờ Ngài trở lại, hãy giữ cho mấy cái chân đèn luôn sáng bóng.

Một ngày, hai ngày, rồi một tuần trôi qua, không thấy Thượng Đế quay trở lại. Tất cả các bé đều bỏ cuộc.

Tuy nhiên, có một em bé vẫn lau chùi chân đèn sáng bóng dù cho Thượng Đế không đến. Mọi người đều chê em ngốc nghếch.

Kết quả, chỉ có em được trở thành thiên thần.

Hiểu rằng để thành công cần một tấm lòng thật thà tận tụy, vậy sao cha mẹ không “thật thà” với con ngay từ khi còn nhỏ để gieo vào lòng con hạt giống ấy.

Cha mẹ nào cũng yêu con, mong con thành người nhân nghĩa. Có lẽ con cũng mong biết bao ở cha mẹ một tấm lòng chân thành, khoáng đạt và bao dung. Tuy nhiên, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, thế nên đời sống này mới có nóng giận, đố kỵ và nói dối… Ở trong khung cảnh như vậy, sự cố gắng tu sửa bản thân của những người làm cha làm mẹ càng trở nên quý giá để mang đến tự tại cho chính mình và thiên đường hạnh phúc cho con. 

Video xem thêm: Trẻ nghịch ngợm là bình thường, quan trọng là sau đó giáo dục chúng như thế nào

videoinfo__video3.dkn.tv||25e2ac560__

Có thể bạn quan tâm: