Mùa thi đại học đã gần kề, học sinh cuối cấp đã bắt đầu bước vào kỳ ôn thi nước rút. Bên cạnh việc tăng cường khả năng tập trung và ghi nhớ, sự căng thẳng cũng là một yếu tố cần xử lý. Dưới đây là những cách hiệu quả để làm giảm cảm giác căng thẳng và lo âu được kiểm chứng bởi các nghiên cứu khoa học. 

Căng thẳng (stress) vốn không pải là một trạng thái tâm lý hoàn toàn tiêu cực. Ngược lại, các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, trạng thái tâm lý này có tác dụng nâng cao sự tập trung của con người. Nói cách khác, một áp lực vừa đủ có thể giúp các học sinh cuối cấp của chúng ta nâng cao hiệu suất ôn tập của mình. 

Tuy nhiên, việc kiểm soát mức độ căng thẳng không phải là chuyện dễ dàng. Càng sát kỳ thi, mức độ này càng tăng nhanh. Căng thẳng mức độ cao có thể dẫn tới tình trạng lo âu. Trạng thái căng thẳng và âu lo thái quá lại mang đến tác dụng ngược lại. Nó ảnh hưởng đến trí nhớ và thậm chí thể lực của học sinh. 

Vậy để giúp con em mình kiểm soát tốt tâm lý trong kỳ ôn thi, tạo ra “trạng thái thư giãn” là điều hết sức cần thiết. Vậy những nhân tố nào giúp con người đạt được trạng thái này ngay trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng? 

1. Đi bộ mười phút 

Đi dạo bộ ở những con đường màu xanh khiến đầu óc thông thoáng (Ảnh minh họa: hocsaotruc)

Việc thực hiện một cuộc dạo bộ rất tốt cho việc giảm thiểu căng thẳng. Đi bộ giúp cơ thể bạn điều tiết hooc-mon gây căng thẳng, dù đó là hình thức dạo bộ nào. Tuy nhiên, hãy ưu tiên những không gian có tính thiên nhiên, nhiều màu xanh. Công viên hay quanh hồ đều là những nơi dạo bộ lý tưởng cho việc giảm căng thẳng. Nếu bạn ở gần biển, đừng ngần ngại ngắm đại dương xanh mát. Biển sẽ cuốn trôi những lo lắng của bạn. 

Việc đi dạo sẽ đưa cơ thể bạn vào trạng thái giống như khi thực hành “thiền”, nhờ một hiện tượng tâm lý có tên “sự chú ý không cố ý”. Những sự vật xung quanh sẽ kéo bớt sự chú ý của bạn ra khỏi tác nhân gây căng thẳng. Nhưng, cùng với đó bạn vẫn có thể suy nghĩ rành mạch, rõ ràng. 

2. Hít thở thật sâu

Hít thở sâu là cách dưỡng sinh và giúp giải trừ căng thẳng (Ảnh minh họa: dantri)

Hơi thở là một trong những nguồn dưỡng sinh quan trọng nhất của con người. Khi căng thẳng, việc hít thở một hơi thật sâu sẽ giúp tăng cường oxy vào thân thể, kích thích hệ thần kinh giao cảm. Điều này sẽ đặt cơ thể bạn vào trạng thái thư giãn hơn. Thêm vào đó, các nhà khoa học ở Havard cũng đã chứng minh được hít thở sâu có thể điều chỉnh huyết áp và sự biểu hiện của một số gen trong cơ thể khi bạn ở trạng thái căng thẳng. 

Dành khoảng năm đến mười phút mỗi ngày để thực hành các bài tập hơi thở sẽ giúp học sinh cuối cấp thư gian một cách nhẹ nhàng, hữu hiệu. 

3. Để trí tưởng tượng bay cao

Mơ mộng về những nơi bạn yêu thích cũng là một cách giảm căng thẳng (Ảnh minh họa: Tri thức trẻ)

Các nhà khoa học gợi ý rằng để đưa cơ thể vào trạng thái thư giãn, bạn có thể dùng đến “hình ảnh trong tâm trí”. Phương pháp này rất đơn giản. Bạn chỉ cần ngồi trong tư thế thật thoải mái, và bắt dầu hình dung về khung cảnh khiến cho bạn cảm thấy yên bình: kỳ nghỉ sắp tới ở Paris, hay một con suối mát lành, thơ mộng. Một tương lai tích cực và tươi sáng cũng sẽ mang đến sự thư thái. 

Các nhà khoa học cũng gợi ý rằng màu xanh lá của cây cối hay hình ảnh của biển cả bao la thực sự có tác dụng làm xoa dịu tinh thần con người. 

4. Ôn thi không thể thiếu âm nhạc

Âm nhạc là thứ không thể thiếu trong giai đoạn này (Ảnh dẫn qua: huffingtonpost.fr)

Âm nhạc cổ điển thực sự có tác dụng làm dịu tinh thần. Những giai điệu này làm chậm lại nhịp tim, hạ huyết áp và thậm chí là giảm lượng hooc-mon gây căng thẳng trong cơ thể bạn. Bên cạnh đó, bất cứ danh sách nhạc nào mà bạn yêu thích cũng có thể khiến các hooc-mon tạo sự vui vẻ được giải phóng (dopamin là một ví dụ). 

Tham khảo list nhạc ôn thi đại học 2018 (Ảnh dân theo: Tri Thức Trẻ)

Những nghiên cứu gần đây cho biết, tiếng sóng vỗ đều đặn của biển cả sẽ đưa não bạn vào trạng thái giống như khi thiền định. Đối với những người không có nhiều cảm hứng với âm nhạc, lắng nghe những âm thanh của tự nhiên là một sự thay thế tuyệt vời. 

Không chỉ có nghe nhạc, việc chơi nhạc cũng có tác dụng khiến thân thể và tinh thần được thư giãn một cách hiệu quả. Một nghiên cứu trên các sinh viên ngành y tá, việc chơi nhạc đã giúp họ tránh được sự căng thẳng cao độ và tình trạng kiệt sức đột ngột (Burn-out). Đó là lý do, trong khi ôn tập, các sĩ tử không nên hy sinh cả những giờ phút chơi nhạc của mình, nếu điều đó là sở thích của các em. 

5. Hãy tặng các em một chậu cây xanh

Một chậu cây nhỏ sinh là món quà tuyệt với cho các sĩ tử. (Ảnh: Facebook Hoa trong lá)

Các loại cây trông trong nhà đang ngày càng được ưa chuộng, không chỉ bởi giá trị làm sạch không khí của chúng. Trong một thí nghiệm, hai nhóm người đang trong trạng thái căng thẳng được đưa vào 2 căn phòng, một chứa đầy những chậu cây xinh xắn, một không có màu xanh của thiên nhiên. Huyết áp của nhóm người được tiếp xúc với cây cối đã giảm 4% trong khi đó huyết áp của nhóm người còn lại chỉ giảm 2% so với ban đầu.

Việc dành tặng một chậu cây xanh, được trồng trong một chiếc chậu dễ thương sẽ giúp các sĩ tử rất nhiều trong việc giảm bớt mức độ căng thẳng trong quá trình ôn tập. 

6. Ôn thi cùng bạn thân

Ôn thi cùng bạn thân, tại sao không? (Ảnh dẫn qua: huffingtonpost.fr)

Những người bạn không chỉ mang đến cho chúng ta những phút vui đùa đầy sảng khoái. Các nhà khoa học đã phát hiện, việc ở bên cạnh những người bạn thân thiết sẽ giúp làm giảm tốc độ sản sinh hooc-mon gây căng thẳng. Vậy nên, các bậc phụ huynh có thể khuyến khích con cái ôn tập trung với những người bạn thân thiết của mình trong thời gian nước rút này. Các em vừa có sự giao tiếp trong học tập, vừa có thể chia sẻ với nhau những cảm xúc vui buồn. 

7. Hãy ăn chuối, dù kỳ thi sắp đến

Chuối chính là thứ quả thần kỳ giảm căng thẳng (Ảnh minh họa: Pinterest)

Kali chứa trong chuối giúp làm bình ổn huyết áp tăng cao trong giai đoạn căng thẳng. Một só người nhận thấy khi đang trong trạng thái căng thẳng, khi ăn một trái chuối sẽ giúp họ nhanh chóng lấy lại năng lượng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chuối có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi những tác động tiêu cức của căng thẳng. 

8. Làm việc chân tay

thêu thùa, đan lát cũng làm giảm bớt căng thẳng (Ảnh dẫn qua: huffingtonpost.fr)

Những công việc chân tay như đan lát, thêu thùa, làm đồ thủ công thậm chí cả dọn dẹp có tác dụng rất tốt cho việc giảm thiểu căng thẳng và chán nản. Việc thực hiện những hoạt động này giúp chúng ta ngăn chặn được những suy nghĩ miên man thường mang tính tiêu cực liên quan đến tác nhân gây căng thẳng. 

Đó là lý do tại sao, trong kỳ ôn thi, chúng ta có thể dành cho con em mình lời khuyên: Sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, để chỗ trống trong thời gian biểu và dành nó cho các hoạt động khác như thều thùa, nấu ăn hoặc làm vệ sinh phòng ốc.

9. Đặt tâm, từ tốn – Bí quyết của người xưa

Chú tâm vào công việc bạn đang làm, đó là cách loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực gây căng thẳng (Ảnh minh họa: Pinterest)

Khi căng thẳng, chúng ta có xu hướng làm mọi việc một cách hời hợt, bởi đa phần năng lượng và sự chú tâm của ta đã dành cho những “nỗi lo âu”. Vậy nên, cố gắng đặt tâm vào mỗi việc mình đang làm, làm nó một cách chu đáo và hoàn chỉnh nhất có thể sẽ là cách giúp loại bỏ tác nhân gây căng thẳng một cách hiệu quả. 

Từ tốn không đồng nghĩa với chậm chạp. Nó thể hiện sự ý thức rõ ràng những hành động đang thực hiện. Sự từ tốn cũng đi kèm với việc xử lý công việc theo chiều sâu, qua đó tăng cường được khả năng tập trung. 

Hy vọng với những bí quyết này, các bậc phụ huynh có thể giúp con em mình ôn thi một cách hiệu quả, để đạt được kết quả xứng đáng trong kỳ thi sắp tới. 

Hy Văn