Ngôi làng Bát Quái Gia Cát (tên trước kia là Cao Long) được xây dựng theo “Bát Trận đồ” của Khổng Minh từ năm 1340, thuộc địa phận thành phố Lan Khê, tỉnh Chiết Giang. Nếu không phải là một người có trí nhớ đặc biệt tốt hoặc là người đã thông thuộc đường ra lối vào của làng thì chắc chắn bạn sẽ lạc bởi cấu trúc các ngõ ngách ở đây giống hệt mê cung.

Phòng tuyến quân sự chắc chắn

Tương truyền, xưa kia, Gia Cát Đại Sư, hậu duệ đời thứ 28 của Gia Cát Lượng đã chọn đây làm nơi an cư lạc nghiệp. Ông đã thiết kế ngôi làng dựa trên ý tưởng cửu cung bát quái và phong thủy: Hồ Chuông nằm ở trung tâm, mang hình ảnh thái cực với hai nửa âm dương rõ rệt, nối với 8 con ngõ nhỏ hướng ra bên ngoài tạo thành 8 cung (Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, Càn) tương ứng. Nếu nhìn từ trên cao, cấu trúc của làng trông giống hệt như một mô hình bát quái.

Cũng nhờ đó, làng Bát Quái Gia Cát đã trở thành một phòng tuyến quân sự vững chắc. Vào thời kỳ chiến tranh bắc phạt năm 1925, quân đội của Tiêu Kính Quang và Tôn Truyền Phương đánh nhau ác liệt liên tục suốt ba ngày đêm ở gần thôn Bát Quái nhưng không một viên đạn nào lọt được vào bên trong, toàn bộ ngôi làng được bảo toàn nguyên vẹn.

Trong thời kháng chiến, quân đội Nhật càn quét qua ngọn đồi Cao Long bên ngoài thôn, nhưng điều kỳ lạ là nhóm này không hề phát hiện ra ngôi làng. Nhờ thế người dân nơi đây đã an toàn, không bị một chút tổn thất nào.

Người dân quanh vùng còn kể lại rằng, xưa kia có một nhóm đạo tặc xông vào làng tấn công, cuối cùng không tìm được lối ra nên đành phải đầu hàng, giơ tay chịu trói. Đó chính nhờ kiến trúc có một không hai của “đệ nhất kỳ thôn” này.

Kiến trúc độc đáo hiếm nơi nào có được

Ngày nay, làng Bát Quái Gia Cát rất thu hút khách du lịch bởi lối kiến trúc từ thời nhà Minh của các ngôi nhà vẫn được bảo toàn nguyên vẹn dù đã được xây dựng từ rất lâu. Khi đặt chân tới nơi đây, du khách dễ dàng cảm thấy choáng ngợp bởi không gian cổ xưa huyền bí (tất cả nhà được xây dựng theo hướng đối mặt và dựa lưng vào nhau, các ngõ ngách đan xen chằng chịt giống như một mê cung) của ngôi làng.

Ngôi làng có hơn 5.000 người thì có khoảng 4.000 người mang họ Gia Cát (người ta cho rằng họ là hậu thế của Khổng Minh Gia Cát Lượng). Trải qua thời gian, cộng đồng này cũng hình thành một lối sống giản dị, chân thật, tách biệt với thế giới bên ngoài. Những con ngõ nhỏ, các ngôi nhà không được xây đối diện nhau mà tất cả đều được đan xen so le theo lối “môn không đăng, hộ không đối”. Theo quan niệm của người dân làng Bát Quái, nếu hai nhà “cổng đối cổng”, ngày ngày mọi người ra vào, qua lại nhiều quá sẽ dễ dẫn đến mâu thuẫn không đáng có. Vì vậy, nếu xây nhà theo lối đan xen thì vấn đề sẽ được giải quyết.

Ngoài ra, người dân ở Gia Cát trấn chủ yếu áp dụng phương thức “tứ hợp viện” (bốn mặt nhà đóng kín, chỉ để ở giữa một khoảng sân lớn) để xây nhà. Mặt trước của ngôi nhà thường cao hơn các mặt khác, mỗi khi trời mưa nước tập trung hết ở khoảng sân ở giữa. Người làng Bát Quái gọi đây là “phì thủy bất ngoại lưu” (dòng nước trong lành, tươi tốt không chảy ra ngoài), sẽ mang đến may mắn và thịnh vượng cho gia đình.

Cuộc sống ở Bát Quái Gia Cát rất yên ả và thanh bình. Không khí tại làng cổ này cũng vô cùng trong lành và xanh mát. Có lẽ, giữa một Trung Quốc đang “trỗi dậy mạnh mẽ” đến độ hỗn loạn thì sự dung hòa giữa đất trời tự nhiên và con người nơi đây đã trở thành một miền đất tịnh thổ đáng trân quý vô cùng cho những ai muốn tìm về văn hóa truyền thống Trung Hoa. 

(Ảnh: china travel)

Hải Dương