Chiều về, khi có dịp đi qua sân đình Vĩnh Hội hay trước cửa tòa nhà Prudential, quận 8 Sài Gòn, người dân lại có dịp hòa mình trong tiếng trống lân rộn rã. Nét mặt nghiêm túc nhưng đầy hào hứng của những đứa trẻ đang tập lân khiến cho ai nấy đứng xem đều thấy vui lây. 

Đó chính là buổi tập mỗi chiều của đoàn lân Long Nhi Đường, nơi tập hợp những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nhưng mang chung một niềm đam mê.

Sau ngày dài làm việc trong các tiệm sửa xe, các quán hàng, hơn 30 đứa trẻ lớn nhỏ lại cùng nhau quây quần trên vỉa hè dưới chân cầu Chà Và, hay trong sân đình Vĩnh Hội. Ở đây, các em sẽ có cơ hội được quên đi những vất vả, khó khăn của cuộc sống mưu sinh, quên đi nỗi buồn không cha, thiếu mẹ để cùng các anh em hăng say luyện tập. 

Những buổi tập lân giờ tan tầm luôn là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của các anh em (Ảnh: vtmonline)
Tiếng trống chiêng rộn ràng (Ảnh: vtmonline)

Trong tiếng trống thôi thúc, tiếng chiêng rộn ràng, những đứa trẻ từ 6 đến 18 tuổi lại cùng nhau tập những động tác của các bài múa lân: Lộn nhào, bê đỡ, di chuyển theo nhịp trống, múa đầu lân.

Động tác múa đầu lân (Ảnh: vtmonline)

Tất cả đều được các bạn trẻ hăng say diễn tập. Múa lân cũng giống như nhiều loại hình biểu diễn vận động khác, nó đòi hỏi người diễn viên phải có sự dẻo dai, khéo léo. Đồng thời sự nhịp nhàng, hiểu ý nhau cũng là điều không thể thiếu. Đó là lý do tại sao, không khí của những giờ tập lân của Long Nhi Đường lúc nào cũng nghiêm túc, tràn đầy khí thế. 

Niềm đam mê nâng đỡ, tình thương dẫn đường

Đoàn lân Long Nhi Đường được anh Lê Văn Nam thành lập vào tháng 04 năm 2010. Trong 8 năm, đội lân đã đón nhận hàng trăm những trẻ em cơ nhỡ. Để rồi, rất nhiều em trong số ấy đã trưởng thành, bước vào cuộc sống tự lập. 

Anh Nam là “anh hai” của hơn 30 đứa trẻ trong Long Nhi Đường. Xuất thân cũng là một đứa bé mồ côi cha, phải lăn lộn với đời từ sớm, anh Nam hiểu hơn ai hết những vất vả của cuộc sống mưu sinh và những nguy hiểm của những cám dỗ giăng mắc trong xã hội. 

Phải trải qua cuộc sống khó khăn từ nhỏ, nhưng anh Nam lại may mắn tìm thấy được niềm vui của cuộc sống trong tiếng trống lân. Anh tham gia học diễn lân tại lân đường Tịnh Võ trong vòng một năm. Những buổi luyện tập, những lần đi diễn đã giúp anh hiểu có một điều gì đó để theo đuổi sẽ giúp những người trẻ như anh tránh xa được những cám dỗ của cuộc sống. 

Cái hiểu ấy thôi thúc anh Nam làm một điều gì đó. Bởi nơi xóm nhỏ nghèo của anh, có quá nhiều những mảnh đời bất hạnh, những cậu bé chắc cũng đã trải qua những mất mát, thiếu thốn như anh. Nhưng chúng đang dần nhấn chìm cuộc sống của mình trong khói thuốc, trong những rủ rê, lôi kéo. Với chút tiền dành dụm được, anh Nam mua một cái đầu lân, rồi tập hợp được 10 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn anh gặp để thành lập một đội lân. Anh Nam mong, múa lân sẽ giúp mang đến niềm vui sống cho các em của mình, như cách nó đã cho anh hy vọng. 

Cả đội lân là một gia đình lớn (Ảnh: congdonghoaky)

Đúng như mong ước của anh hai Lê Văn Nam, đội lân nhỏ mang tên Long Nhi Đường của anh đã mang đến hy vọng cho rất nhiều bạn nhỏ. Trong 30 thành viên của đội, hầu hết đều là các bạn trẻ mất cha, hoặc mất mẹ. Có những bạn cha mẹ bỏ đi, để lại bà ngoại cùng những đứa em thơ. Tuy tuổi đời còn nhỏ, nhưng nhiều bạn trong Long Nhi Đường đã thôi học, đi làm “thợ đụng”, đụng việc gì, làm việc đó để có tiền nuôi gia đình. Nhưng dù hoàn cảnh nào, khi vào đến đội lân, ngoài việc được học múa lân để biểu diễn, anh Nam còn xin cho các bạn đi học trở lại. Bởi sự học hành là một trong những hành trang quan trọng cho các em vào đời.

Hăng say luyện tập, chuẩn bị cho giờ diễn (Ảnh: congdonghoaky)
Niềm hạnh phúc khi được sống trong đam mê và tình thương (Ảnh: congdonghoaky)

Ban đầu, đội lân Long Nhi Đường chỉ đi biểu diễn miễn phí phục vụ cho bà con trong phường, rồi các trường học. Theo thời gian, danh tiếng của đội lân được nhiều người biết đến. Đội lân giờ đã có thể đi biểu diễn khắp nơi để kiếm tiền, trang trải cho các hoạt động của mình. Các bạn nhỏ trong đội cũng vì thế mà có một cuộc sống an ổn hơn. 

Đã trải qua nên thấu hiểu

Đội lân Long Nhi Đường không chỉ là một đội lân bình thường, tập hợp những người ham mê bộ môn này. Anh Nam đã biến đội lân trở thành một gia đình thực thụ cho những bạn trẻ cơ nhỡ. Sau giờ tập, những bạn nhỏ không có nơi ăn, chốn ở lại tập hợp về căn nhà nhỏ của anh, sau là về ngôi nhà được UBND phường cho mượn, để sinh hoạt và nghỉ ngơi. Cuộc sống chung ấy là cơ hội quý báu để anh Nam tiếp tục giúp các em nhiều hơn trong cuộc sống. 

Đã trải qua cảnh bươn trải trong cuộc sống, anh Nam hiểu những đữa trẻ này cần rất nhiều sự dạy dỗ, dìu dắt. Vì thế, nơi mái ấm mà anh cũng các bạn nhỏ của đội lân đang chia sẻ, anh tập cho các bạn lĩnh hội và rèn luyện được ba chữ :Tâm – Tình -Tín.

Những đứa trẻ này coi nhau như ruột thịt, coi đoàn lân như mái ấm của mình (Ảnh: congdonghoaky)

Bằng sự kỷ luật trong lối sống, anh Nam rèn giũa cho các em mình cách sống đặt tâm. Căn nhà chỉ toàn con trai, nhưng lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ. Quét dọn nhà cửa, giữ gìn không gian sống chung, lễ phép, có trên có dưới là những điều anh Nam muốn rèn cho các em. Tuy đó là những việc nhỏ thôi, nhưng chúng sẽ làm cho những đứa trẻ đi vào nề nếp. 

Ở Long Nhi Đường, các em nhỏ luôn được sự động viên, dìu dắt, tận tình chỉ bảo của các anh lớn, dù đó là trong biểu diễn hay trong cuộc sống thường ngày. Các em tuy không còn cha mẹ, nhưng đã vào đến Long Nhi Đường, các em sẽ có các anh, những người hiểu và sẵn sàng chia sẻ mọi thứ với các em, dù đó là một hộp cơm hay những bí kíp để diễn lân điêu luyện. 

Năm 2017, Long Nhi Đường có thành viên mới một cách bất ngờ. Vào một buổi tập, một người phụ nữ dẫn hai con trai tới gửi cho đội lân, hứa sẽ quay lại ngay sau khi đi mua sữa. Nhưng rồi, hai ngày, ba ngày người mẹ ấy đã không quay trở lại. Hai em nhỏ chính thức trở thành thành viên của đội một cách bất ngờ và buồn như vậy. 

Hai em bé nhất của đoàn cũng đã quen với nhịp sống của các anh (Ảnh: congdonghoaky)

Anh Nam kể, thời gian đầu hai bé buồn lắm. Tuy chúng còn nhỏ, nhưng ở tuổi 6 và 7 ấy, hai đứa đã nhận thức được nhiều điều. Nhiều lần, anh bắt gặp hai đứa trẻ khóc thầm vì nhớ mẹ. Nhưng rồi, cuộc sống trong ngôi nhà chung với các anh lớn cũng giúp hai đứa nguôi ngoai phần nào. Giờ cả hai đã quen với các anh và đã nhanh chóng tham gia vào công việc luyện tập. 

Với anh Nam, vì đã trải qua những điều khó khăn mà tụi nhỏ đang nếm trải, anh cũng đã trưởng thành nên rất hiểu tương lai của các em cần gì. Vậy nên, dù khó khăn, anh Nam vẫn cố gắng làm mọi việc để ổn định tương lai cho các bé. Điển hình, anh cùng các anh lớn trong đội không quản ngại xa xôi, đi khắp nơi tìm mẹ cho hai sắp nhỏ. Vì mẹ chúng để lại hai đứa không có chút giấy tờ tùy thân nào, nên không trường học nào chịu nhận hai em. Không được đi học, chúng sẽ không có tương lai. Là một người anh, một người cưu mang, anh Nam đã hứa với lòng mình sẽ lần theo mọi tung tích có được để tìm lại giấy khai sinh, giúp hai đứa nhỏ được đến trường. 

Những chuyến đi để biết mình còn may mắn

 Đội lân Long Nhi đường giờ không còn chỉ là một đội lân đường phố cần nhiều sự trợ giúp để có thể tiếp tục hoạt động. 8 năm vừa qua, đội lân đã trưởng thành lên rất nhiều, nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân và đặc biệt nhờ chính những cố gắng của các thành viên. 

Khi đã đủ lớn, đủ chín chắn, người ta sẽ nghĩ đến sự sẻ chia. Anh Nam cũng vì thế mà tạo ra những cơ hội mới để cả đội có những trải nghiệm mới mẻ và vô cùng ý nghĩa. Anh tổ chức cho các em đi diễn lân từ thiện tại những nơi có nhiều trẻ em khó khăn. Khi gặp gỡ những người bất hạnh hơn mình, các em nhỏ trong đội lân sẽ hiểu, bản thân mình còn rất may mắn. 

Đoàn lân ngoài biểu diiễn để kiếm tiền, còn đi diễn từ thiện ở rất nhiều nơi (Ảnh: vtmonline)

Không chỉ đi diễn từ thiện, cuối tuần, anh Nam còn tổ chức cho các em cùng nấu cơm để tặng cho các cụ già neo đơn trong phường. Mỗi lần nấu cơm, anh cũng hướng cho các em biết cách tổ chức bữa ăn, sao cho mang đến nhiều sức khỏe cho những người dùng bữa. Bởi một món quà trao đi cần là một tín hiệu của tình thương chân thành. Vậy nên, anh Nam muốn các em đặt tâm, hết lòng với công việc trao tặng này. Không chỉ nấu cơm, các em còn tự tay mang cơm đi tặng các cụ, lễ phép trao gởi, và vui vẻ chúc các cụ ăn ngon miệng. 

Dù là những công việc thật giản đơn, nhưng người anh cả thương các em ấy đã dạy cho lũ trẻ được những điều thật ý nghĩa. Các em tuy không được cha mẹ bảo ban, nhưng vẫn được cảm nhận được thế nào là tình thương. Quan trọng hơn, các em không chỉ học cách nhận tình thương mà còn học cách mở lòng và trao đi sự thương yêu ấy. 

Một màn biểu diễn của đội lân Long Nhi Đường (Ảnh: congdonghoaky)

Bạn có bất ngờ khi nghe một đứa trẻ cơ nhỡ nói về ước mơ của em: “Em mong sau này có thể xây nhà tình thương, để cho những người già có nơi chốn dừng chân”. Khi con người có một trái tim đầy yêu thương, một cách tự nhiên, họ sẽ mong ước được trao gửi tình thương ấy đến thật nhiều những người khác đang cần lắm sự quan tâm. 

Nhìn những đứa trẻ của Long Nhi Đường, chúng ta có quyền tin tưởng rằng: Các em sẽ trở thành những người có ích trong cuộc sống, và rằng: Tình thương có sức mạnh cảm hóa và dẫn dắt con người đến những điều thiện lành, tốt đẹp. 

Hải Lam