Ông bà ta xưa có câu “con dại cái mang” không chỉ để nói tới trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ với những lỗi lầm mà con cái gây ra. Thành ngữ ấy còn nói lên một sự gắn kết khó có gì chia cắt giữa con cái và cha mẹ, đặc biệt là với những người mẹ. Vì dù con có xấu đến đâu, con có bệnh tật thế nào thì mẹ cũng vẫn là mẹ của con, con vẫn là con của mẹ. Câu chuyện dưới đây kể về một người mẹ đã dành cả đời vì con như thế.

Bà Đỗ Mai (84 tuổi) sống cùng với các con trong một căn nhà nhỏ nằm sâu bên trong con ngõ nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội đã từ nửa thế kỉ nay.

Bà Mai lấy chồng và sinh được 6 người con nhưng số phận đã sắp đặt cho bà một hoàn cảnh thật khó khăn. Ba trong số bốn người con trai của bà bị bệnh tâm thần. Căn nhà của bà cũng tràn ngập những tiếng nói cười nhưng không phải là những thanh âm hạnh phúc của lũ trẻ đang lớn lên trong tình yêu thương. Mà đó lại là những tiếng cười không chủ đích, những câu nói ít ai hiểu và thậm chí có cả những tiếng la hét, mắng chửi.

Mỗi người con của bà Mai đang mang trong mình một biểu hiện khác nhau của bệnh tâm thần. Cả ba đều không ý thức được những đau đớn mình đang chịu, nhưng mẹ họ lại cảm nhận được tất cả và có thể cưu mang được tất cả.

Người con cả của bà là ông Tâm, đã ngoài 60 tuổi mà lúc nào cũng ngây ngô như một đứa trẻ lên hai, lên ba. Bà Mai kể, ông Tâm ngày còn thơ bé là một đứa con thông minh, ngoan ngoãn lại rất lành. Cho tới một ngày năm lớp 7, trong một lần đánh nhau với chúng bạn, ông không may bị người ta đập mạnh vào đầu và trở nên ngây ngô từ khi ấy.

Người con thứ hai của bà Mai bị bệnh ở thể nhẹ hơn, vẫn có thể nhận biết cuộc sống, vẫn lao động, vẫn lấy vợ, nhưng tính khí lại quá thất thường. Tới lúc lên cơn, con trai thứ của bà trở nên hung hăng, hay quát mắng và đôi lúc còn đánh đập người khác. Đó là lý do tại sao con dâu bà không chịu được, đã phải bỏ nhà đi từ 5 năm trước.

Nỗi đau như chưa bao giờ vơi bớt trong cuộc sống của người mẹ này khi con trai út của bà cũng mắc căn bệnh giống như các anh, thậm chí còn nặng hơn. Anh Thắng con trai Út của bà Mai bị tâm thần phân liệt, không chỉ ngây dại mà anh còn hay bị những tư tưởng trong đầu quấy nhiễu, nên có thể mất kiểm soát bất cứ lúc nào, dễ gây ra nguy hiểm cho những người xung quanh. Vì vậy, thương con nhưng bà vẫn cố kìm nén tình thương ấy để gửi con vào trại tâm thần.

Hẳn những ai đã làm cha, làm mẹ khi nhìn hoàn cảnh của bà Mai cũng phải cảm thấy xót xa. Thương con nhiều bao nhiêu, nỗi lòng khi nhìn các con sống mà ngây dại sẽ càng trĩu nặng bấy nhiêu.

Mang trong tâm nỗi đau “sống mà không trọn vẹn” của ba đứa con và những lo toan cho cuộc sống của gia đình, bà Mai vẫn sống từng ngày, cần mẫn và không một lời oán trách. Có lẽ vì bà là môt người mẹ, nên “con dại cái mang”, con càng ốm đau, càng bệnh tật bà lại càng không thể bỏ mặc con.

Thương con nhưng bà Mai vẫn phải “độc ác” mà nhốt con trai cả của mình – ông Tâm vào một căn phòng nhỏ đủ chỉ kê vừa một chiếc giường đơn cả ngày lẫn đêm.

Ông Tâm vẫn là một đứa trẻ, trong thân xác của một người đàn ông ngoài 60 tuổi. Tóc đã bạc, nhưng ông không thể tự mình ăn uống, tắm giặt, không biết làm bất cứ điều gì để chăm sóc mình. Cơ thể lại mang nhiều đau đớn. Mỗi lần đói, mỗi lần muốn đi vệ sinh hay mỗi khi cái đau hành hạ, điều duy nhất mà con người ấy biết chỉ là gọi “Mẹ ơi, mẹ ơi”.

Những tiếng gọi không ngớt của con trai với bà Mai lại rất quan trọng bởi đó là phương cách duy nhất để bà biết con đang cần gì, con ra sao và bà có thể làm gì cho con. Vậy nên, ngay cả trong những đêm đông gió rét nhất, khi đã nằm trong chăn ấm mà nghe thấy tiếng con gọi trong căn phòng nhỏ cạnh nhà, bà lại bật dậy không chút chần chừ để tới bên con.

Liệu có tình thương nào mạnh hơn tình mẹ? Nhiều lúc nhìn thấy thế giới của con chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường, lòng đau như cắt nhưng bà Mai không thể làm khác. Bởi ra khỏi căn phòng ấy, rất có thể con bà sẽ đi lang thang để rồi lại nằm chơ vơ, đói khát giữa cánh đồng không người qua lại như nhiều năm về trước.

Nuôi các con bị bệnh tâm thần, gánh nặng về tinh thần với mẹ cha là rất lớn. Bên cạnh đó, kinh tế cũng là một nỗi lo không nhỏ, bởi các con của bà đâu có khả năng lao động, nếu có thì cũng rất bấp bênh mà bà thì đã già, không còn đủ sức để làm việc kiếm thêm thu nhập.  

Một năm trước, khi chồng bà Mai vẫn còn, bà còn có người đỡ đần, còn có người bầu bạn, sẻ chia. Ông cũng có một phần lương nên cũng đỡ được phần nào đó gánh nặng của gia đình. Nay ông mất rồi, cái gánh của bà lại nặng thêm nhiều phần nữa.

Giờ đây, việc lo kinh tế trong gia đình đều do người con trai khỏe mạnh của bà đảm nhận, bởi hai con gái bà cũng đã lập gia đình, lại ở xa nên việc đỡ đần cho mẹ, cho anh là điều lực bất tòng tâm. Nhưng cũng thật may mắn là bà còn người con này. Anh chăm chỉ đi làm thuê, làm mướn để đỡ cho mẹ nuôi anh, còn nuôi cả vợ con. Nghĩ tới mẹ nghĩ tới những người anh bệnh tật, nên vợ chồng anh cũng quyết định chỉ sinh một đứa con, để dành dụm tiền phụ mẹ.

Tiền lương 5-6 triệu một tháng của con trai, thêm hơn 2 triệu đồng tiền lương hưu của bà và 1,5 triệu tiền trợ cấp cho hai người con tâm thần là tất cả thu nhập của gia đình 6 người này.  Đó cũng là lý do tại sao bữa ăn của bà Mai và con trai luôn đạm bạc, nói một cách khác là lúc nào cũng chỉ đủ để cầm hơi. Lúc thì mỗi mẹ con một bát cháo đỗ đen, khi lại là tô cơm với rau và vừng lạc.

Thương con, lo cho con là tất cả những điều khiến bà Mai trăn trở suốt bao năm từ khi sinh con, tới lúc nuôi con, chăm con. Và đến tận bây giờ, khi đã tới chặng cuối cùng của đời người, nỗi lo ấy vẫn còn nặng trong lòng bà. Nghe những lời tâm sự, nghe ước mơ cuối đời của bà, ta mới hiểu thế nào là “mẹ thương con và sẵn sàng dành cho con cả cuộc đời”.

“Bây giờ nếu có điều ước tôi chỉ mong xây lại được căn nhà vững chãi hơn, đỡ dột nát để các con có chỗ sinh hoạt. Có như vậy, tôi chết cũng được yên lòng. Còn 2 người con tâm thần nặng, đành nhờ cậu con trai khỏe mạnh duy nhất trong nhà chăm sóc giúp”.

Cho tới cuối cùng, ước mơ của bà vẫn dành cả cho con.

Căn nhà tình thương chật hẹp, đồ đạc chất ngổn ngang của gia đình bà Mai.

Ngắm nhìn người phụ nữ đã trải qua gần hết cả cuộc đời để chăm sóc cho những đứa con không may mắn của mình, người ta tự hỏi động lực mạnh mẽ nào khiến bà Mai có thể vượt qua những khó khăn, những căng thẳng, đau đớn trong tâm, những lo lắng và bươn trải trong cuộc sống để không bỏ con và gia đình bất hạnh đi tìm hạnh phúc riêng?

Phải chăng trong những gian khổ của cuộc đời ấy, bà đã nhận ra rằng ông Trời đã đặt vào trái tim bà đủ thiện lương để thấy được nỗi đau của các con, đủ chân thành để nhớ rằng bà là người duy nhất có thể đem tới cho chúng sự chăm sóc, và đủ sự nhẫn nại để vượt qua hết những khó nạn, ở bên con trên suốt chặng đường dài?

Hải Lam

Xem thêm: