Năm 2015 đối với Sheryl Sandberg – COO của Facebook là một dấu mốc không thể nào quên. Thời điểm đó, bà phải trải qua một trong những mất mát lớn nhất của cuộc đời. Những trách nhiệm rất lớn trong công việc khi ấy không đủ để khiến bà vượt qua nỗi đau và muốn trở lại làm việc. Vậy nhưng, ông chủ trẻ tuổi của Facebook lại có thể giúp đồng nghiệp của mình tìm lại được cân bằng qua một cuộc trò chuyện ngắn trên điện thoại.

Sheryl Sandberg và chồng bà Dave Goldberg là một cặp đôi thành công, hạnh phúc trong thung lũng Sillicon, Hoa Kỳ. Cả hai đều đang phát triển rất tốt trong sự nghiệp của mình. Họ đã ở bên nhau 11 năm và có hai đứa con xinh đẹp. Trong một chia sẻ với báo People, bà Sandberg đã tâm sự về người chồng thân yêu:

“Chúng tôi đã có 11 năm chung sống thực sự hạnh phúc với một tình yêu sâu sắc, một cuộc sống hòa hợp nhất mà tôi có thể hình dung được. Anh ấy đã cho tôi trải nghiệm thế nào là sự thấu hiểu sâu sắc, thực lòng ủng hộ và hết lòng yêu thương – tôi sẽ luôn mang những trải nghiệm ấy trong tâm của mình.”

Sheryl Sandberg, COO của Facebook và chồng bà, ông David Goldberg (Ảnh: Kevork Djansezian/Getty Images)

“Tất cả mọi thứ sẽ mãi mãi không thể như trước đây”, đây là dòng tâm sự của người phụ nữ quyền lực của Facebook, vài ngày sau đám tang của chồng.

Bên cạnh việc đối mặt với vết thương lòng của chính mình, bà Sheryl còn là một người mẹ, vậy nên bà còn một trách nhiệm rất lớn khác – “Tôi sợ rằng những đứa trẻ của mình sẽ không bao giờ còn hạnh phúc như trước nữa”.

Sheryl Sandberg đã quay trở lại với công việc không lâu sau đám tang của chồng với tất cả những buồn đau, lo lắng. Bác sĩ tâm lý của gia đình đã khuyên bà sớm trở lại công việc, vì rất có thể sự bận rộn sẽ giúp bà tạm quên nỗi đau quá lớn.

Sheryl đồng ý, bà gửi các con ở trường và đến văn phòng Facebook ngồi khoảng 4 tiếng. Nhưng mọi chuyện không diễn ra tốt đẹp như dự tính. Sheryl đã rất thành thật: “Tôi không thể nói thêm điều gì nữa, đó thật sự là một thảm họa”, nữ COO chia sẻ trong một cuộc trò chuyện với Oprah Winfrey để ghi hình cho chương trình SuperSoul Sunday.

Bà Sheryl cho biết trong ngày làm việc hôm ấy, bà luôn ở trong trạng thái mất tập trung, suy nghĩ miên man và tệ nhất, bà đã ngủ gật trong cuộc họp của ban giám đốc.

Bà Sheryl Snadberg chia sẻ lại câu chuyện của mình trong một chương trình truyền hình (Ảnh: Huy Doan/Harpo, Inc.)

Ngay đêm đó, Sheryl đã gọi điện cho ông chủ của Facebook để xin lỗi và cũng để nói với Mark Zuckerberg về tình trạng của mình: “Có lẽ tôi đã quay trở lại với công việc quá sớm. Tôi đã hành động như một kẻ ngốc vậy”.

Sheryl không hề nghĩ rằng bà sẽ nhận được một câu trả lời đầy cảm thông từ đồng nghiệp cấp cao hơn của mình. Bà kể lại rằng, để đáp lại bà Mark đã nói: “Có rất nhiều người thường ngủ trong các cuộc họp. Nhưng tôi nghĩ bà đã làm được một điều quan trọng nhất trong ngày hôm nay”.

CEO của Facebook đã ghi nhận sự đóng góp của Sheryl suốt thời gian qua, và anh muốn Sheryl quay trở lại làm việc khi bà đã thật sự sẵn sàng. Nhưng anh còn muốn bà biết rằng điều quan trọng nhất bà đã làm ngày hôm nay chính là bất chấp sự khó khăn của mình trong giai đoạn này, bà vẫn có mặt và mang sự trợ giúp đến cho ekip của mình.

Chia sẻ của Mark Zuckerberg khiến COO của Facebook thực sự cảm động: “Đó là điều tốt đẹp nhất mà người khác có thể làm cho tôi lúc ấy”, Sheryl nói về cuộc điện thoại với Mark Zuckerberg. Cuộc nói chuyện với Mark đã khiến Sheryl đủ dũng cảm để kéo dài thời hạn nghỉ phép của mình lên 20 ngày.

CEO và COO của Facebook (Ảnh: Facebook.com/sheryl)

Tuy nhiên, cách ứng xử của Mark trong cuộc điện thoại còn khiến bà Sheryl nhận ra được một bài học rất ý nghĩa. Bà đã trực tiếp cảm nhận được: thái độ cảm thông và quan tâm chân thành của người quản lý có ý nghĩa như thế nào với nhân viên, khi họ đang trải qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống cá nhân. Nói cách khác, trải nghiệm ấm áp này đã khiến Sheryl có một thay đổi lớn trong cách quản lý của mình.

Từ thời điểm đó, bà cho phép những nhân viên được tạm thời rời khỏi công việc khi họ gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống cá nhân. Điều này sẽ gúp họ dành thời gian để chăm sóc tinh thần của mình và lấy lại trạng thái cân bằng, ổn định nhất trước khi trở lại với công việc. 

Bài học mà bà Sheryl Sandberg nhận được từ người đồng nghiệp của mình đã chỉ ra một nhân tố không mới nhưng vốn không được xem trọng trong việc quản lý nhân sự – Sự đồng cảm. Nhân tố tưởng chừng chẳng có chút liên quan nào tới lĩnh vực quản trị này lại có một sức mạnh tiềm tàng rất lớn, nó có thể tạo ra sự gắn kết bền vững của nhân viên đối với người quản lý và với chính công ty.

Sự đồng cảm – Một sức mạnh bị lãng quên trong doanh nghiệp?

“Đồng cảm” được hiểu với nghĩa phổ biến nhất (theo Wikipedia) là sự đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu nỗi đau khổ mà người đó đang trải qua, đồng thời tìm cách giúp đối phương xoa dịu nỗi đau của họ. “Đồng cảm” được cho là xuất phát điểm của sự “thấu cảm” – trạng thái tinh thần giúp mối quan hệ đạt đến độ hài hòa sâu sắc nhất.

Đồng cảm là mong muốn thấu hiểu và giúp đỡ một ai đó vượt qua khó khăn của họ (Ảnh minh họa)

Vậy tại sao “đồng cảm” lại quan trọng với một doanh nghiệp, nơi con người luôn được yêu cầu phải rèn luyện mình trở nên cứng rắn và chuyên nghiệp hơn? Câu trả lời nằm ở một thực tế: nhân viên của bạn dù chuyên nghiệp tới đâu vẫn là một con người, vẫn lâm vào những hoàn cảnh đặc thù trong cuộc sống mà phá vỡ lớp phòng thủ “nhất tâm làm việc” của họ; ví dụ như mất người thân hay là ly hôn.

Sự mất tinh thần này có thể là nguyên nhân ẩn sâu vì sao hiệu suất làm việc của một nhân viên giảm xuống rõ rệt. Tuy nhiên, trong thực tế, những nguyên nhân này lại thường bị các nhân viên che giấu kĩ nhất, bởi họ không muốn trở nên thiếu chuyên nghiệp trong mắt cấp trên.

Định nghĩa về sự chuyên nghiệp khiến những nhân viên này cố gắng nhiều hơn nơi công sở ngay cả khi tinh thần và thể chất của họ có vấn đề. Chính vì thế, những nỗ lực này sẽ không thể đem lại hiệu quả. Ngược lại, nó có thể làm nhiều nhân viên rơi vào tình trạng “hành động như một kẻ ngốc” giống như bà Sheryl Sanberg. Đây chính là thời điểm vàng để “sự đồng cảm” phát huy tác dụng của nó.

Nhân viên chuyên nghiệp nhất của bạn vẫn có thể suy sụp trong những hoàn cảnh tinh thần khó khăn (Ảnh minh họa dẫn theo travail-emploi.gouv.fr)

Nếu bạn tự đặt mình vào vai trò của một nhà quản lý chú trọng đến “sự đồng cảm”, bạn sẽ hành xử hoàn toàn khác với một nhân viên đang gặp khó khăn của mình.

Sự đồng cảm khiến cho người ta muốn hiểu được những vấn đề của người khác, xa hơn nữa, nó khiến chúng ta có mong muốn được giúp sức, để đối phương có thể thoát khỏi tình trạng tinh thần tuột dốc. Với sự đồng cảm, bạn sẽ đưa mình thoát khỏi ám ảnh về kết quả công việc tệ hại của nhân viên. Thay vào đó là một loạt câu hỏi “Anh ấy/ cô ấy đang có vấn đề gì? Liệu nó có phải là nguyên nhân gây ra tình trạng này?” Những câu hỏi có tính chất quan tâm này sẽ khiến bạn trở thành người muốn lắng nghe một cách chân thành.

Không ai có thể từ chối sự lắng nghe của người khác khi họ gặp khó khăn, các nhà tâm lý học khẳng định tìm kiếm sự giúp đỡ chính là một trong những xu hướng mà con người thường xuyên sử dụng khi gặp phải các vấn đề, đặc biệt là vấn đề liên quan tới tinh thần.

Với vai trò là nhà quản lý, là cấp trên, sự quan tâm của bạn còn có giá trị hơn nhiều so với sự quan tâm của những đồng nghiệp thông thường. Bởi với những nhân viên này, sự quan tâm của người quản lý đồng nghĩa với một sự trấn an tinh thần quan trọng. Giống như điều mà Sheryl đã cảm nhận được từ cấp trên của mình.

Sự đồng cảm của cáp trên chính là “sự trấn an tinh thần” quan trọng cho nhân viên những lúc khó khăn nhất (Ảnh minh họa dẫn theo cairn.info)

Thái độ cởi mở và quan tâm của bạn khiến cho các nhân viên an tâm rằng, bạn hiểu công việc của họ sa sút là có nguyên nhân và bạn đang đi tìm nguyên nhân đó, thay vì chỉ chăm chăm gán cho họ cái mác “lười biếng” hay “thiếu ý thức”. Điều đó sẽ giúp những nhân viên giảm được một phần áp lực tâm lý.

Thêm vào đó, việc bạn quan tâm đến vấn đề của nhân viên sẽ tạo cho họ cảm giác được tôn trọng. Một sự gắn bó vượt ra ngoài quan hệ cấp trên – cấp dưới sẽ được hình thành, đồng nghĩa với việc bạn tạo dựng được niềm tin trong mắt nhân viên của mình. Khi nhân viên tin tưởng vào nhà quản lý, không còn lý do gì ngăn trở họ cố gắng trong công việc. Hơn thế nữa, không ai muốn rời xa nơi mà bản thân được tôn trọng, đồng cảm và sẻ chia.

Sự đồng cảm tạo nên liên kết bằng những hành xử chân thành (Ảnh minh họa dẫn theo learningtogive.org)

Một cách khái quát, “đồng cảm” xóa đi sự căng thẳng vốn có trong mối quan hệ nhân viên và lãnh đạo, thay vào đó là sự tương trợ và cống hiến. Nói cách khác, khi đối xử bằng sự chân thật, thuần thiện và nhẫn nại, doanh nghiệp sẽ có được sự “thủy chung” của tất cả nhân viên, đặc biệt là những nhân viên tài năng nhất.

Nhưng đó mới chỉ là những lợi ích căn bản nhất của “sự đồng cảm” trong doanh nghiệp. Nếu thực sự áp dụng chúng trong cuộc sống bạn sẽ thấy sự đồng cảm giống như ánh sáng, nó sẽ lan tỏa và làm mọi thứ tỏa sáng như thế nào.

Hy Văn tổng hợp

Xem thêm: