“Đây là cuộc sống của hầu hết các bác sỹ chăng?” Đó là câu hỏi nhiều người đặt ra khi nhìn vào hình ảnh của một bác sỹ trẻ làm việc qua đêm, trên tay ôm một bệnh nhân nhí trong khi bản thân anh đang phải truyền dịch.

Vị bác sỹ trẻ vừa bế bệnh nhân nhỏ, vừa làm việc trong khi đang phải truyền dịch vì bệnh viêm xoang. (Ảnh dẫn qua ntdtv.kr)

Anh Thiên Minh 32 tuổi hiện đang là bác sỹ điều trị chính trong Khoa nhi tại một bệnh viện của thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đầu tháng Giêng vừa qua, do chứng mệt mỏi lâu ngày kèm bệnh viêm xoang tái phát khiến anh phải truyền dịch trong khi vẫn đang phải trực ca đêm.

Khi đi ngang qua một phòng bệnh, anh thấy một em bé 5 tháng tuổi không ngừng khóc trên giường. Trong khi đó y tá trực ca lại đang phải chăm sóc bệnh nhi ở một phòng bệnh khác. Không thể làm ngơ trước hoàn cảnh đó, anh đã ôm đứa bé vào lòng và cố gắng ru bé ngủ.

Khi thấy bé vừa thiu thiu ngủ, anh cố gắng đặt bé trở lại giường nhưng bé lại bắt đầu khóc. Không có cách nào khác anh phải vừa ôm bé trong lòng vừa ngồi trước máy tính để làm việc.

Chứng kiến cảnh này, một y tá đã chụp lại hình ảnh và đăng lên mạng Internet. Ngay lập tức, bức hình trở thành tiêu điểm của mạng xã hội vì cảm xúc lan tỏa mà nó truyền tải. 

“Một hình ảnh thật ấm áp”, “ Nếu như tất cả các bác sỹ đều có trái tim ấm áp như thế thì quan hệ giữa bác sỹ và bệnh nhân sẽ tốt biết bao?”, “Thật tuyệt vời”, “vừa truyền dịch vừa trực ca đêm chắc là mệt lắm đấy”,… rất nhiều bình luận của cư dân mạng bày tỏ tình cảm và sự ủng hộ.

Khi biết mình được mọi người ca tụng trên mạng xã hội, vị bác sỹ trẻ khiêm tốn đáp lời: “Đây là một trong những công việc trong các phòng bệnh ở khoa nhi” và “tất cả các nhân viên y tế đều vừa ôm trẻ vừa làm việc và dù bị đau họ cũng không thể nghỉ. Vì tình trạng của mỗi bệnh nhân là khác nhau nên bác sỹ điều trị trực tiếp là người nắm rõ nhất tình trạng của bệnh nhân”.

Lương y như từ mẫu. (Ảnh dẫn qua Mulpix)

Người ta nói ‘lương y như từ mẫu’, câu nói tiếp thêm niềm tin cho những con người bệnh tật khi trao hy vọng sống của mình cho những vị bác sỹ mà người ta coi như một người mẹ, người sinh ra cuộc đời họ lần thứ hai. Nhưng từ rất lâu, trong dòng đời hối hả bon chen mệt mỏi này, phải chăng việc cứu người lại chỉ đáng giá một vụ giao dịch thương mại? Tại sao chúng ta lại cướp đi niềm tin và hy vọng của nhau, tại sao chúng ta không thể tin tưởng nhau nữa? Nếu tất cả những bác sỹ ở Trung Quốc, đều như vị bác sỹ trẻ trên, liệu chăng cuộc sống này hẳn tươi đẹp và ấm áp hơn?

Tâm Liên