Ngày nay việc lưu thông giữa các nước trên thế giới càng trở nên dễ dàng. Người Việt Nam đã không còn chỉ sống bó hẹp trong biên giới quốc gia của mình. Nhiều người đi công tác, du lịch đến các nước thuộc châu Âu, châu Mỹ, châu Úc … và học sinh thì đi du học khắp nơi trên thế giới.

Một người bạn của tôi sau những lần đến và trở về từ nhiều nước khác nhau đã có một nhận xét vui mà rất thật rằng: “Đặc sản của con người ở các nước phương Tây là hai câu “Xin lỗi” và “Cảm ơn”. Va chạm nhẹ vào người đi đường là xin lỗi, được nhường cho lên xe bus trước là cảm ơn … Một cảm giác thật bình an mỗi khi được nghe những câu đó mỗi sáng”.

Việt Nam cũng như một số nước Châu Á xưa chịu ảnh hưởng nhiều của Nho giáo, tính cách rất hướng nội. Mọi suy nghĩ hoặc lời muốn nói ra đều kiềm chế giữ lại trong mình, không thể hiện ra bề mặt, kể cả những lời giản dị như “xin lỗi” và “cảm ơn”. Nó bó buộc con người vào một cuộc sống khuôn mẫu khắt khe. Điều này nảy sinh những cái tốt và cả những cái dở, ảnh hưởng trực tiếp đến các mối quan hệ trong xã hội.

Ảnh minh hoạ: SpeakingPal

Tính cách hướng ngoại của người phương Tây, nó được xuất phát từ cội nguồn văn hóa và sự giáo dục của các quốc gia đó. Nó khiến họ rất dễ dàng biểu hiện bản thân mình trước mỗi sự việc. Tuy nhiên, tính cách của người phương Tây nói chung đều có những điều tốt và không tốt, cũng cần có những sự thay đổi để tự hướng tới sự hài hòa.

Tôi chợt nhớ tới câu chuyện của chị Hương – một người phụ nữ Việt của những năm 60 – và thấy thay đổi một quan niệm, một thói quen tưởng như nhỏ bé vốn đã ăn sâu trong tâm thức con người và trang bị cho mình lối ứng xử đẹp trong cuộc sống thật không dễ chút nào. Nhưng chúng ta có thể làm được, nếu tâm hồn đủ thiện, chân thành và nhẫn nại.

Từ nhỏ cho tới những năm học cấp một, cấp hai thế hệ chị Hương thường xuyên phải đi sơ tán, sống ở các vùng thôn quê vì chiến tranh. Lúc này các bố mẹ trong các gia đình cán bộ có nhiều hình thức gửi con khác nhau để dành thời gian tập trung vào công tác. Khi còn bé tí thì gửi sơ tán theo một nhà trẻ, lớn hơn chút thì theo một trường nội trú hoặc sơ tán về quê ở nhà ông bà nội, ngoại. Bố mẹ chị Hương đều là cán bộ những năm 50, họ yêu nhau trong công tác rồi thành hôn khi hòa bình lập lại, rồi sinh con và tiếp tục công tác cống hiến.

Ảnh minh hoạ: Kulnews

Chị và các bạn cùng trang lứa cảm thấy cuộc sống thời bình cũng không khác mấy với thời đi sơ tán. Có chăng là được ở nhà xây dựng kiên cố, có chút tiện nghi hơn và không phải chạy xuống hầm khi có còi báo động. Họ phần lớn là con của các gia đình cán bộ, đều có cuộc sống khá giống nhau, được bố mẹ quan tâm chăm sóc cũng na ná như nhau. Nghĩa là, chỉ cần đảm bảo hàng ngày cho con cái tối thiểu đủ cơm ăn, áo mặc, được đến trường học và chỉ luôn một điều nhắc nhở động viên: phải ngoan và học giỏi.

Những đứa trẻ như chị khi đó đều có cuộc sống khá tự do, và tự giác. Ngoài việc đi học chị phải tự làm những việc trong nhà giúp bố mẹ, mua gạo, mua dầu, chen chúc xếp hàng dài dằng dặc mua thịt, mua rau … Sau giờ học chị Hương và các bạn lang thang chơi cùng nhau, tính cách mỗi đứa cứ thế mà tự do phát triển cùng sự giáo dục từ nhà trường, từ những chiếc loa phóng thanh treo trên cây.

Học hết phổ thông, các bạn chị người học tiếp đại học, người đi làm … Chị trưởng thành rồi làm đám cưới sau khi học xong đại học và đã có công việc ổn định. Ngày đám cưới, cha chị đưa cho chị một chiếc nhẫn làm bằng bạch kim với một mặt đá to màu xanh rất đẹp, là quà tặng của chú chị từ nước ngoài gửi về. Bố chị nói: “Đây là chiếc nhẫn chú đã tặng vợ ngày cưới. Biết tin con lấy chồng chú ra ngân hàng lấy nó về tặng con”. Chị Hương vui lắm với món quà, và thầm biết ơn người chú mà chị chưa từng gặp mặt. Người chú mà khi còn nhỏ chị chỉ được một lần đọc lá thư viết tay chú gửi cho cha chị. Trong thư có đoạn viết rằng chú đã vui mừng và có chút ghen tị với cha chị khi ông đã có con gái là chị. Chú rất muốn có con gái, và đang mong chờ.

Ảnh minh hoạ: Soha

Bấy giờ rất khó có cơ hội để gặp mặt những người thân sống xa quê. Thật là buồn, tiếc thương khi cuộc gặp của bố chị với người chú năm đó sau mấy chục năm xa cách lại là lần gặp gỡ cuối cùng của hai anh em. Vài năm sau chú chị qua đời vì trọng bệnh.

Một lần cô của chị về Việt Nam sau nhiều năm xa quê. Cha chị và cô, anh em gặp nhau mừng tủi, những câu chuyện từ những ngày xa xưa mãi không dứt. Rồi câu chuyện quay về với những kỷ niệm về người chú đã mất. Xen trong những câu chuyện như chợt nhớ ra, người cô quay sang nói với cha chị và chị: “Cậu T nói có gửi cho cháu một chiếc nhẫn khi cháu đám cưới mà không thấy cháu nói lời cám ơn.”

Chị rất bất ngờ, thần người ra rồi bối rối, lặng đi vì xấu hổ. Bất ngờ vì lúc đấy chị mới chợt nhận ra rằng đã bao năm không một ai dạy chị điều đó, rằng quanh chị không bao giờ nghe được một câu cảm ơn từ một ai đó. Mọi người và cả chị nữa dường như đã quen nhận những món quà, những sự giúp đỡ dù to, dù nhỏ từ một ai đó với một thái độ vô cảm thờ ơ, và như một lẽ tất nhiên. Nếu trong tâm có cảm thấy thích thú đôi khi còn phải kìm hãm để không thể hiện. Sự biết ơn thì cũng chỉ là suy nghĩ mơ hồ trong đầu. Nhiều người còn có ý nghĩ rằng nếu nói lời cảm ơn lại thành ra khách sáo và cụm từ “Cảm ơn” sao mà khó nói đến vậy?!

Chị Hương đã rất buồn và vô cùng hối tiếc khi đã không còn cách nào đó để gửi tới chú của chị lời cảm ơn dù muộn màng về món quà đầy ý nghĩa ngày đó. Một niềm hối tiếc suốt cuộc đời của chị.

Ảnh minh hoạ: Parentsareimportant.com

Sửa đổi, chối bỏ được một thói quen đã trở thành cố hữu trong con người thật không dễ chút nào. Chị còn nhớ cái ngày khó khăn để vượt qua rào cản của sự xấu hổ, sự e ngại của bản thân để bật ra được lời “cảm ơn” từ tâm can. Một điều tưởng như nhỏ nhặt vậy mà nó đã làm thay đổi con người chị. Nó giải thoát chị khỏi một nỗi ám ảnh bao lâu thường trực trong con người chị về sự vô ơn của mình. Giờ đây trong chị là niềm hân hoan khi có thể dễ dàng chia sẻ tình thương yêu, sự giúp đỡ đến mọi người và niềm hạnh phúc khi đón nhận tấm chân tình bằng cách bày tỏ sự cảm động và lòng biết ơn tới mọi người bằng hai tiếng ‘Cảm ơn’.

Tâm trạng an nhiên nhẹ nhàng lan tỏa trong tâm hồn chị mỗi khi sớm mai thức giấc. Hòa chung vào dòng người trong không gian ồn ào và tấp nập của phố phường, chị chỉ muốn nắm lấy những bàn tay ấm áp của mọi người mà rằng: Hãy nói lời cảm ơn vì mỗi hành động nho nhỏ mà mọi người đã dành cho nhau trong cuộc sống. Mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười vui khi gặp mặt chính là món quà tặng vô giá đến từ tấm lòng thiện tâm của con người. Nó xuất phát từ lòng yêu thương, từ bi giữa con người với nhau, không phải là trách nhiệm hay nghĩa vụ. Đời người là trân quí, hãy cảm ơn cuộc sống này, nó sẽ như những ánh dương lung linh mỗi buổi sáng nếu như mỗi con người cùng dành cho nhau những điều tốt đẹp và từ bi.

Để bắt đầu mỗi ngày vui, hãy mỉm cười và dành tình yêu thương khi có thể…

Thảo Lộ

Xem thêm: