Có những người nghỉ việc rồi vẫn được sếp và đồng nghiệp cũ trân trọng nhưng cũng có không ít người chẳng bao giờ được nhắc đến, mà nếu có nhắc thì cũng là những ấn tượng xấu. Đó là do sự khác biệt trong “tư duy” xin nghỉ việc, và là “văn hóa chia tay” của mỗi cá nhân.

Nếu ai đã từng đi làm thì chắc trong đầu đã từng ít nhất một lần nghĩ về chuyện xin nghỉ việc. Và cũng có rất nhiều người đã từng nghỉ việc cũng như nhảy việc nhiều lần.

Có những nhân viên, sáng đi làm vui vẻ, chiều tự nhiên mất hút, sếp gọi điện hỏi thì “hồn nhiên” thông báo là chỗ khác mới đưa ra lời mời tốt hơn nên em qua luôn, em hẹn làm chỗ anh lần khác nhé. Thậm chí, còn có bạn hôm trước làm, hôm sau nghỉ, không chào hỏi tạm biệt ai cả, rồi block luôn cả Facebook của mọi người trong công ty.

Không phải do trình độ văn hoá, xuất thân, kinh nghiệm, tuổi đời, lại càng không phải vì họ bị đối xử tệ hại gì, mà chỉ đơn giản là họ không hề biết “chia tay văn minh”.

Mà điều đáng buồn hơn là không chỉ mấy em sinh viên mới ra trường chưa đủ trưởng thành mới cư xử như vậy mà cả những nhân viên cao cấp, những người có học vấn cao và tưởng rằng “là người hiểu chuyện” cũng không biết cách cư xử đẹp khi nghỉ việc. Giúp việc (lương 10 triệu/ tháng), cũng bịa lý do về quê nghỉ đột ngột, giám đốc cấp cao có 20 năm đi làm trong và ngoài nước, (thu nhập 3 tỷ/ năm) cũng cư xử y hệt nhau, cứ chán là nghỉ việc mà không có một lời tạm biệt tử tế nào. Vậy mới nói, không phải do trình độ văn hoá, xuất thân, kinh nghiệm, tuổi đời, lại càng không phải vì họ bị đối xử tệ hại gì, mà chỉ đơn giản là họ không hề biết “chia tay văn minh”.

1. Nghỉ việc – Đừng để ảnh hưởng đến người khác

Khi bạn muốn rời công ty, hãy gặp sếp, thông báo về nguyện vọng muốn nghỉ việc, ít nhất 2 tháng trước khi nghỉ, để sếp đủ thời gian tìm người thay thế. Dù lý do của bạn là gì, đừng nghỉ đột ngột khi chưa có ai đảm nhiệm công việc. Mặc dù không có bạn công ty cũng chẳng sập đâu, nhưng mà suy cho cùng thì cũng nên nghĩ cho người khác, đừng để việc nghỉ của bạn ảnh hưởng đến người khác.

Khi bạn muốn rời công ty, hãy gặp sếp, thông báo về nguyện vọng muốn nghỉ việc, ít nhất 2 tháng trước khi nghỉ.

Ngoài ra, mỗi công việc đều có những tính chất riêng biệt và không phải lúc nào cũng có thể lưu trữ bằng file hay bản giấy, vì vậy ngoài việc bạn bàn giao các đầu việc kèm theo các tài liệu liên quan, hãy chia sẻ những kinh nghiệm làm việc của bạn ở vị trí này, để người tiếp nhận công việc của bạn hiểu được công việc mà họ phải đảm nhận. Nếu làm được như vậy, sếp hiện tại của bạn sẽ rất biết ơn và tôn trọng bạn vì thật sự bạn cũng luôn làm tốt cho công ty ngay cả khi bạn quyết định rời đi.

2. Nghỉ việc – Đừng vì tiền

Nếu bạn hết gắn bó với công ty hoặc tìm thấy một cơ hội khác tốt hơn hay muốn thay đổi lĩnh vực chuyên môn… thì bạn có thể cân nhắc đến việc rời đi. Tuy nhiên, đừng bao giờ nghỉ việc vì tiền. Hãy thử làm mọi việc, học thêm kỹ năng sao cho mình giỏi hơn, chủ động hơn, đương nhiên mình sẽ có thu nhập xứng đáng hơn. Nghỉ việc để tìm việc lương cao hơn, bạn sẽ sớm thất vọng, vì chả có công việc nào dễ dàng mà lương cao cả. Công việc nào cũng đầy áp lực, đừng nghĩ nghỉ việc là giải pháp!

Nghỉ việc để tìm việc lương cao hơn, bạn sẽ sớm thất vọng, vì chả có công việc nào dễ dàng mà lương cao cả.

Đồng tiền là thứ dễ gây sứt mẻ tình cảm nhất. Hãy để mọi người nhớ về mình với sự tôn trọng và quý mến kể cả khi bạn đã rời bỏ công việc.

3. Nghỉ việc – Đừng nói dối

Ai cũng thừa nhận rằng chốn công sở không phải lúc nào cũng vui, thậm chí là có hàng trăm vấn đề khiến người ta mệt mỏi, khó chịu như mối quan hệ giữa các đồng nghiệp với nhau, giữa sếp và đồng nghiệp rồi lại chuyện kèn cựa để thăng chức hoặc chuyện tình cảm nam nữ…

Vậy nên, khi xin nghỉ việc, bạn đừng nên giấu diếm lý do, chứ đừng lấp liếm: năng lực em không kham được công việc này, em không phù hợp văn hoá công ty, em muốn tìm công việc lương cao hơn… nói thật dễ biết bao nhiêu.

Đến lúc phát hiện ra bạn nói dối, sếp bạn sẽ rất không hài lòng, cho rằng bạn coi thường sếp và những suy nghĩ tốt đẹp trước đây mà sếp có đối với bạn sẽ bay đi mất.

Nếu như bạn thật sự có chuyện riêng tư, không tiện chia sẻ, hãy thẳng thắn nói chuyện đó với sếp và từ chối trả lời những câu hỏi “khó”. Tuyệt đối đừng bao giờ nói dối. Bởi vì cho dù bạn đi đâu, làm gì, thì cũng đều có những mối quan hệ xã hội, người này biết người khác, vậy nên hãy để mọi người đều nhận xét rằng bạn là người trung thực, điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bạn hơn hẳn so với việc nói dối. Đến lúc phát hiện ra bạn nói dối, sếp bạn sẽ rất không hài lòng, cho rằng bạn coi thường sếp và những suy nghĩ tốt đẹp trước đây mà sếp có đối với bạn sẽ bay đi mất, nghiễm nhiên, bạn sẽ trở thành một người không đáng tin cậy.

4. Nghỉ việc – Đừng im lặng

Bạn hãy tổ chức một bữa liên hoan nhẹ ở công ty trước khi bạn nghỉ hẳn, không nên lờ đi hay coi nhẹ việc này, dù sao những đồng nghiệp cùng làm và gắn bó với bạn. Buổi tiệc nhỏ, không cần cầu kỳ mà đôi khi chỉ cần bố trí hoa quả, bánh ngọt cũng đủ tạo nên một ấn tượng tốt về sự ra đi vui vẻ của bạn.

Bạn cũng nên để lại cách để liên hệ (qua điện thoại, facebook, địa chỉ..vv..) để nếu có phát sinh sự việc cần giải quyết, đồng nghiệp cũ cũng có thể liên hệ với bạn dễ dàng.

Hãy tạo nên một ấn tượng tốt về sự ra đi vui vẻ của bạn.

Đặc biệt, bạn nên viết email chào các đối tác của công ty mà mình phụ trách, đồng thời giới thiệu người kế nhiệm và tiếp nhận việc liên hệ với các đối tác này, cũng như thông tin liên lạc của người đó. Tuy không chủ đích câu kéo khách hàng về công ty mới, nhưng thực tế khách hàng thường muốn làm việc với người mình đã quen thuộc, làm như vậy, đối tác sẽ đánh giá cao sự chu đáo, chuyên nghiệp của bạn, và biết đâu họ sẽ là đồng nghiệp hoặc sếp của bạn trong tương lai!

5. Nghỉ việc- Hãy là người tử tế

Khi tuyển bạn vào làm việc, sếp đã bỏ rất nhiều công sức , dành cho bạn nhiều hy vọng, giúp bạn tiến bộ. Đồng nghiệp của bạn, tuy không phải lúc nào cũng thân thiện, nhưng ít nhất cũng đã hỗ trợ bạn rất nhiều. Vậy nên, hãy biết ơn cả những điều nhỏ bé, đừng coi đó là đương nhiên, và đặc biệt đừng bao giời nói xấu sếp cũng như đồng nghiệp cũ.

Hãy hết lòng làm tròn trách nhiệm trước khi nghỉ, bạn sẽ thấy mình nhẹ lòng khi ra đi.

Trước khi rời khỏi công ty, bạn nên chắc chắn rằng đã dọn dẹp sạch sẽ chỗ ngồi làm việc của mình, tặng một vài món quà lưu niệm nho nhỏ mà bạn đã chuẩn bị cho những đồng nghiệp mà bạn quý mến.

Sự tử tế này sẽ mang cho bạn may mắn, tiếng tốt khi tìm công việc sau. Hãy tận tâm làm việc đến ngày nào bạn còn nhận lương, và đừng nghĩ mình xin nghỉ rồi mình không cần làm việc tích cực nữa. Hãy hết lòng làm tròn trách nhiệm trước khi nghỉ, bạn sẽ thấy mình nhẹ lòng khi ra đi.

Bà Marie McIntyre, tác giả cuốn sách “Bí mật để chiến thắng tại văn phòng” cho biết: “Người ta vẫn nói rằng bạn có thể đánh giá phẩm chất thực sự của một người qua cách họ thôi việc. Ngay cả khi bạn sung sướng đến phát cuồng khi được thoát khỏi công việc cũ, hãy cẩn thận chuyển giao công việc cho người kế nhiệm và chia tay với mọi người một cách thân thiện, vui vẻ.”

Nguồn ảnh minh họa: business insider

Hiểu Minh