Thân thể con người ta có thể thiếu đi một phần nào đó, nhưng nếu còn minh mẫn, còn sáng suốt và còn tình thương yêu, người ta vẫn sẽ tìm thấy cách để sống một cách ý nghĩa và trọn vẹn. Câu chuyện người phụ nữ cụt cả chân tay dưới đây sẽ tiếp thêm cho bạn rất nhiều động lực để có được những lựa chọn đúng trên hành trình cuộc sống. 

Sinh ra làm một đứa trẻ hoàn toàn lành lặn, nhưng năm 4 tuổi, do một lần uống nhầm thuốc, bà Cai Dengfeng, 75 tuổi, sinh sống tại Thôn Tài, thị trấn Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã phải chịu cắt bỏ tứ chi để giữ lại mạng sống. 

Đến năm 12 tuổi bà Cai đã phải bỏ học, một vài năm sau đó, cha bà, trụ cột trong gia đình cũng qua đời. Khi ấy, là một thanh niên tật nguyền nhưng bà Cai vẫn là người gánh trách nhiệm làm trụ cột gia đình, chăm sóc cho mẹ và hai em. Hàng ngày, bà vẫn lao động chăm chỉ để có thu nhập lo cho gia đình. 

Bà Cai đang làm vườn.

Bị mất hai chân, việc đi lại của bà cũng trở nên rất khó khăn. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, khi có trong mình một động lực chân chính để cố gắng, con người luôn tìm được giải pháp cho chính mình. Bà Cai đã tự chế ra đôi giày đặc biệt, giúp bảo vệ phần chân và đầu gối khỏi bị trầy xước do di chuyển nhiều. Thêm vào đó, đôi giày còn giúp bà đi lại dễ dàng hơn. Tính đến nay, bà Cai đã sử dụng trên 200 đôi giày tự chế như vậy. 

Đôi giày tự chế đặc biệt.
Suốt 20 năm, bà luôn tự tay chăm sóc mẹ già.

Cuộc sống cứ thế trôi đi và đến lúc những người em gái của bà trưởng thành. Hai người lần lượt kết hôn và rời khỏi gia đình. Bà Cai vì thân thể không lành lặn nên đã lựa chọn không lập gia đình riêng. Nhưng điều quan trọng nhất, quyết định này có thể giúp bà toàn tâm toàn ý chăm sóc cho người mẹ đã già yếu của mình. Bà Cai chia sẻ trừ bà ra thì không còn ai có thể chăm sóc cho mẹ. 

“Tôi có hai người em gái, làm công nhân ở nhà máy. Sức khỏe đứa em thứ hai không tốt, đứa nhỏ nhất đang sinh sống tại Thượng Hải, cuộc sống của chúng đều khó khăn”. Bà cho biết thêm tình cảnh của chị em mình. 

Việc nhận trách nhiệm chăm sóc mẹ đối với người phụ nữ này là một điều xuất phát từ trái tim. Bà không chỉ nghĩ đến sự khó khăn của các em gái đã đi lấy chồng. Điều quan trọng nhất, bà cảm nhận được là trách nhiệm với người đã cho bà cuộc sống và đã nhọc công dạy dỗ bà thành người. 

Vậy nên, cho đến nay, khi mẹ của bà Cai đã 100 tuổi, sức khỏe yếu và không còn minh mẫn, thường mất kiểm soát bản thân, bà Cai vẫn sống cùng và chăm sóc mẹ. Trong suốt 20 năm qua, bà đã tích cực làm các công việc hành chính của làng cùng những công việc lặt vặt khác để kiếm thêm thu nhập. Cùng với số tiền trợ cấp được nhận, hai mẹ con bà có một cuộc sống ấm no. 

Bữa cơm đầm ấm.

Nhìn những hình ảnh của bà Cai và mẹ, sẽ không ít người nhìn thấy trong đấy sự ấm êm: Vườn rau xanh mát, bữa cơm đầy đủ các món và chứa đựng nhiều sự chăm sóc, quan tâm. Dù nghèo, dù đơn sơ giản dị như vậy, nhưng khung cảnh này đang là niềm mơ ước của rất nhiều gia đình khác. 

Con người hiện đại thường cảm thấy áp lực trước hai từ “trách nhiệm”. Khái niệm này đem đến cho người ta sự nặng nề, cảm giác thúc ép trói buộc. Tuy nhiên, bà Cai đã cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ khác đi để rồi có được những lựa chọn và hành động tương ứng. 

Trách nhiệm liệu có phải đơn giản là những thứ mà “xã hội” hay “những vai trò xã hội” của mỗi người đặt lên mỗi cá nhân. Vì tôi là con nên tôi phải có trách nhiệm với cha mẹ, vì tôi là chồng, là cha mà phải có trách nhiệm với vợ và con. Nếu nhìn theo góc độ này, “trách nhiệm” là hai từ nặng tựa Thái Sơn. 

Tuy mẹ đã rất già, lại hay mất bình tĩnh những bà Cai vẫn kiên trì chăm sóc mẹ.

Tuy nhiên, nếu đổi góc nhìn, xuất phát từ bên trong mỗi người như cách mà bà Cai suy nghĩ và hành động, thì việc chăm sóc và trở thành điểm tựa cho người khác trong cuộc sống lại trở thành một nguồn động lực bất tận, thúc đẩy chúng ta cố gắng. Bà Cai nghèo khó, thân thể không lành lặn, nhưng sự tự nguyện nhận trách nhiệm đã giúp bà biết mình cần làm gì để giúp mẹ và các em có một cuộc sống hạnh phúc.

Vậy tại sao trong số những người lành lặn chúng ta, vẫn có những người lạnh nhạt với cha mẹ già, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm với anh chị em của mình. Phải chăng là tại chúng ta không có tình thương? Nếu chỉ nghĩ đến những mất mát và khổ đau của chính mình, thì bà Cai có lẽ đã không thể kiên trì, bền bỉ với cuộc sống và trách nhiệm chăm sóc mẹ cho tới ngày hôm nay. 

Nguồn ảnh: Vietbao

Hải Lam