Miền Tây Bắc xa xôi, nơi có những địa khu mà bà con chưa nói rõ tiếng Kinh thuần thục, nơi đó có tình thương của các bậc phụ huynh và các em học sinh non nớt thơ ngây đang ngày đêm ngóng đợi sự trở lại của cô giáo Mỳ. Cô giáo về nghỉ hè và không quay lại với bản nghèo này nữa. Đã hai năm nay, hình ảnh cô giáo chưa bao giờ phai mờ trong lòng mỗi phụ huynh và các em học sinh nơi đây.

Đó là câu chuyện trải nghiệm trong chuyến đi lên xã Háng Đồng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Sơn La của anh Bùi Đức Dương (SN 1990). Trong dịp lên núi cùng nhóm bạn, anh đã quen biết những con người nơi đây và lắng nghe câu chuyện của họ. Cả bản Háng Đồng C này, từ người già đến trẻ nhỏ đều nhớ thương cô giáo. Đã ngót hai năm rồi, núi rừng và bản làng nơi đây vắng bóng cô.

Khi ngồi đây và viết lại những dòng này, trái tim mình lại một lần nữa như có ai đó bóp nghẹt. Nỗi buồn, niềm thương cứ như chạm phải mạch nguồn mà thổn thức“, anh Dương nghẹn ngào viết.

“Cảm giác đó không chỉ xảy ra với mỗi một mình mình. Nó hiển hiện nơi khoé mắt của những người anh em đi cùng, ngay cả với người anh rắn rỏi và dạn dày nhất cũng không thể cầm lòng: “Anh muốn khóc luôn quá khi nhìn và nghe kể chuyện về mấy em nhỏ này. Anh cũng làm cha, anh hiểu cảm giác nếu con mình phải chịu cảnh như này thì xót xa như thế nào”.”

Anh muốn khóc luôn quá khi nhìn và nghe kể chuyện về mấy em nhỏ này.

Anh Dương cho biết, anh vô cùng đau lòng khi tận mắt chứng kiến những đứa trẻ đang trong tuổi đến trường nheo nhóc bẩn thỉu nghịch ngợm bên hiên lớp học cũ. “Cửa lớp thì đã rào chắn lại, bên trong bàn ghế đã phủ bụi mờ và vứt chỏng chơ. Dấu ấn của lớp học còn lại chỉ là một chút vệt phấn trên chiếc bảng giữa phòng. Những đứa trẻ, mặt mũi nhọ nhem, quần áo vá víu chằng buộc xộc xệch, đầu tóc bê bết mồ hôi. Và… Đôi mắt, những đôi mắt trẻ thơ mà mờ mịt u buồn, đầy sợ hãi. Hỏi gì cũng chỉ ừ ừ, gật gật rồi trốn mặt vào nhau”, anh tâm sự.

“Không xót xa sao được khi nghe lời gan ruột của những bậc cha mẹ nơi này. Dù lời than ấy được thốt lên bằng thứ tiếng Kinh chưa sõi, nhưng nỗi buồn thì không bớt đi một chút nào: “Cô giáo về nghỉ hè rồi không quay lại nữa mấy chú ạ. Đã 2 năm nay rồi. Mấy đứa nhỏ giờ không có cô giáo dạy chỉ ở nhà chơi vậy thôi. Thương lắm nhưng cũng không biết làm sao. Trước đây có cô giáo, chúng học cũng nhanh lắm. Tối về nghe chúng hát, hỏi ai dạy, chúng nó bảo cô Mỳ dạy đó. Hơn năm nay lúc nào bà con gặp cũng hỏi nhau, cô Mỳ lên chưa, cô Mỳ bao giờ lên vậy. Mấy đứa nhỏ nhớ cô, và bà con cũng nhớ cô lắm. Nhưng chắc cô không lên nữa”.

Cửa lớp thì đã rào chắn lại, bên trong bàn ghế đã phủ bụi mờ và vứt chỏng chơ…

Theo người dân kể lại, Mỳ là cô giáo từ thị trấn Bắc Yên lên dạy các em. Ở đây chưa có đợt dạy tình nguyện nào vì đường xá rất khó đi, không tình nguyện viên nào tiếp cận được. Chỉ có hai lớp là lớp 1 và lớp 2. Từ khi lớp học không còn cô giáo, bàn ghế bám đầy bụi. Bà con phải rào cửa lại để tránh bị trộm. Họ ráng giữ gìn lớp học vì luôn mong ngày nào đó cô sẽ quay lại.

“Nhìn các em hết nghịch đất, trượt vỏ can rồi lại leo lên cây nhún nhảy… Mới nhìn ai mà không nghĩ ngay đến câu “Tuổi thơ dữ dội” mà người đời thường nói khi thấy những cảnh hồn nhiên này. Nhưng tuổi thơ của các em nhỏ nơi này đúng là dữ dội thật, nhưng dữ dội với những gian nan trong hành trình đi tìm con chữ, đi tìm lối thoát cho sự nghèo luôn lưu cữu truyền lại nơi bản quán quê hương mình”, anh Dương nghẹn ngào.

Từ khi lớp học không còn cô giáo, bàn ghế bám đầy bụi. Bà con phải rào cửa lại để tránh bị trộm.

Được biết, bản Háng Đồng C là một bản thuộc xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Bản này có 54 hộ, trong đó có khoảng hơn 50 em học sinh trong độ tuổi đi học từ lớp mẫu giáo đến lớp 4 đang không được đến lớp. Ngoài xã cũng có trường lớp nhưng các em bản Háng Đồng C không thể ra xã để học do bé quá, không có ai trông nom. Hơn nữa, học ngoài xã cũng chỉ đến thứ 6, thứ 7 và chủ nhật phải về vì ở ngoài đó không có đồ ăn. Trường học gần bản nhất cũng cách 30km. Đường về thì xa như thế lại rất khó đi, phải xuyên qua rừng già, khu rừng bảo tồn có nhiều cây to, ngày mưa ngày gió rất sợ lũ và cây đổ. Trẻ em lớp 1 đến lớp 4 không tài nào đi nổi.

Dương chia sẻ câu chuyện này với anh Mùa Nhè Di là cán bộ xã Háng Đồng, anh Di cho hay: “Bản Háng Đồng C và Làng Sáng hiện là hai bản khó khăn nhất của cả tỉnh Sơn La chứ không chỉ riêng của huyện Bắc Yên này. Cái khó của bản là nằm sâu trong rừng và lại là rừng bảo tồn, nếu làm đường lớn thì vướng bên bảo tồn vì họ cho rằng làm đường lớn là “vẽ đường cho hươu chạy”, dọn đường cho lâm tặc trộm gỗ gây mất mát tài nguyên và làm mất cân bằng hệ sinh thái. Vì vậy, hiện chỉ hy vọng xây dựng được điểm trường cho các em và vận động được cô giáo về bản mang con chữ về cho các em thôi“.

Đến bản nhìn các em nhỏ nheo nhóc, lấm lem bùn đất chơi trên nền gạch, ai hỏi gì cũng ừ ừ, cười cười, rồi ngượng ngùng không ra lời khiến Dương nghẹn ngào: “Bọn trẻ đang học thì cô đi mất, chỉ hiểu chút chút tiếng Kinh chứ không nói được. Giờ trong các buổi nói chuyện, mọi người vẫn thường nhắc về cô. Ai cũng nhớ tháng ngày có cô giáo chỉ dạy tỉ mỉ o a những con chữ, những buổi học chỉ có bảng xanh phấn trắng và nụ cười hồn nhiên vui sướng của tụi nhóc mà thôi”.

Đến bản nhìn các em nhỏ nheo nhóc, lấm lem bùn đất chơi trên nền gạch, ai hỏi gì cũng ừ ừ, cười cười…

Nỗi lòng của anh Dương khiến ai nấy đều thương cảm và xót xa. Không biết bao giờ cô Mỳ sẽ quay lại, không biết đến bao giờ mới có thầy cô giáo xuống bản dạy cho các em… Chỉ biết rằng nụ cười hồn nhiên và nỗi nhớ nhung của những đứa trẻ vẫn luôn hiện hữu.

Anh Dương nhắn gửi: “Giá có sự hỗ trợ, giúp sức cho các em nhỏ nơi đây được đến trường thì tuyệt biết mấy. Mình biết rằng cũng có nhiều người như mình, thương và muốn hỗ trợ các em lắm mà “lực bất tòng tâm”. Nhưng mong mọi người có thể chia sẻ bài viết và thông tin này. Bởi đâu đó mình tin sẽ có người đủ điều kiện và khả năng giúp đỡ các em và bản làng”.

Giá có sự hỗ trợ, giúp sức cho các em nhỏ nơi đây được đến trường thì tuyệt biết mấy.

Cuộc đời luôn có những hạnh phúc bất ngờ, cuộc sống nơi đây tuy vất vả và gian nan nhưng các em nhỏ, các bậc phụ huynh sống trên mảnh đất này, chúng ta vẫn có quyền giữ cho mình niềm hy vọng: hy vọng trong một tương lai không xa sẽ có những thầy cô giáo mang trong mình một trái tim đủ nhiệt huyết, nhiều Chân thành, Thiện lương và Nhẫn nại đưa con chữ đến cho các em và bản làng. Bằng tình yêu thương, các thầy cô sẽ là điểm tựa giúp các em thắp sáng ước mơ thoát khỏi cái nghèo, để ánh mắt các em không còn xa xăm vô định, không còn mờ mịt u buồn đầy sợ hãi.

Gia Viên

Xem thêm: