Sáng tạo những hoạt động mới cho tiết học luôn là điều khiến nhiều thầy cô trăn trở. Những sáng tạo này thường hướng tới việc giúp học sinh hiểu bài dễ dàng hơn và không khí lớp học thêm phần sổi nổi và thú vị. Tuy nhiên, những ngày gần đây tại xứ sở cờ hoa, một cô giáo địa phương đã khiến học trò mình … khóc khi giới thiệu đến các em một hoạt động hoàn toàn khác.

Mỗi chúng ta chắc hẳn đều đã từng trải nghiệm sức mạnh của “ngôn từ”. Chúng có thể vun bồi một người, nhưng cũng có thể khiến họ khóc vì tổn thương. Chúng có thể truyền đi những lời dối trá, nhưng cũng có thể chắp cánh cho sự thật.

Ngôn từ mà chúng ta sử dụng có thể hóa thành lời hăm dọa, hay là ngọn nguồn của những hiểu nhầm. Nhưng nó cũng có thể trở thành suối nguồn của cảm hứng.

Một cách công tâm, chúng ta có thể cảm nhận được ngôn từ là một trong những thứ có sức ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống của mỗi người. Dana Laplant, một cô giáo tiếng anh dạy tại trường Trung học Buckeye, Ohio, Hoa Kỳ hiểu rất rõ sức mạnh này. Quan trọng hơn, cô Laplant muốn giúp học trò của mình hiểu được cách sử dụng ngôn từ một cách đúng đắn. Tuần trước, cô đã có cơ hội thực sự đưa điều này vào bài giảng thực tế trên lớp học.

Chân dung cô giáo có sáng tạo đầy tính nhân văn.

Trước đó, cô Laplant đã thấy được dấu hiệu của sự mệt mỏi, trầm lắng bất thường và tâm trạng tiêu cực ở một vài học sinh trong lớp. Rất nhiều những học trò của cô đang trải qua những khó khăn trong cuộc sống gia đình.

“Tôi đã bắt gặp một học sinh nữ đứng khóc trong hành lang và tôi đã hỏi rằng có điều gì không ổn đang diễn ra với em, và cô bé trả lời tôi rằng “Em vừa phát hiện ra mẹ mình bị bệnh ung thư vú”, cô chia sẻ với WKYC 3.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều sẵn sàng mở lòng chia sẻ với cô như vậy. Còn rất nhiều những học trò khác đang giấu đi những vấn đề mà mình đang gặp. “Bạn nhìn những học sinh của mình mỗi ngày và đôi khi bạn sẽ thấy nỗi buồn trong những đôi mắt ấy, nhưng bạn không thể biết điều mà các em đang thực sự phải trải qua”.

Những đau thương từ vụ xả súng ở Florida đã thấm đẫm trong bầu không khí của các trường trung học của Mỹ.

Mọi việc càng trở nên nghiêm trọng hơn sau vụ xả súng đau thương tại Floriada. Sự bạo lực, mất mát, sự lo lắng, bất an đã lan tới Ohio. Cô Laplant cảm nhận rằng rất nhiều những dấu hiệu tiêu cực tiếp tục xuất hiện trong cuộc sống của các học trò. Và cô muốn làm một điều gì đó để khiến hoàn cảnh bớt căng thẳng hơn.

Cô đã đưa ra một dự án mới để cùng thực hiện với các học trò của mình “Hãy tung lòng tốt của bạn ra xung quanh như những bông giấy xinh đẹp” (“Throw kindness around like confetti”). Cô bắt đầu dự án này bằng việc viết tên của các học sinh lên một chiếc túi giấy. Mỗi học sinh sẽ có một chiếc túi chứa đựng những “bí mật” được bật mí đầy bất ngờ.

Mỗi học sinh sẽ được phát một danh sách tên của các bạn trong lớp, các em sẽ viết bên cạnh mỗi cái tên ấy một điều tích cực mà các em cảm nhận được ở bạn mình. Đó có thể là một nhận xét hay một lời khen. Sự chân thành là tiêu chí duy nhất.

Những bình luận này sẽ được tập hợp lại trong chiếc túi giấy của mỗi người. Các học trò hoàn toàn có thể ghi những lời nhận xét mà không cần lưu lại danh tính của mình.

Và vào ngày đặc biệt, khi các học trò của cô Laplant nhận được chiếc túi, không khí của lớp học hoàn toàn thay đổi. Các học sinh đều đọc những nhận xét của người khác về mình ngay trên lớp. Chính cô Laplant cũng không thể tin được hoạt động này lại tác động tới các em học sinh nhiều như vậy.

Nhưng trong lớp học này, những suy nghĩ tích cực và hy vọng đã bắt đầu trở lại.
Những nụ cười và ánh mắt bất ngờ đang hiện hữu.
Những suy nghĩ tốt đẹp và chân thật có sức mạnh khơi dậy niềm tin vào cái tốt trong mỗi con người.

Những ánh mắt lấp lánh, những nụ cười xuất hiện khắp căn phòng nhỏ của lớp học. “Ngọt ngào quá!”, “Này, không thể tin được là bạn lại nghĩ về tôi như vậy”.

“Một học sinh đã kể với mẹ rằng có một bạn trong lớp đã nhận xét rằng em là một “quý ông hoàn hảo””.

Cô Laplant chia sẻ trên Facebook của mình:

“Tôi có một cậu học sinh rất trầm, cậu bé đã lặng lẽ ngồi khóc trong góc nhỏ của mình. Và tất nhiên nước mắt tôi đã rơi. Tôi tiến lại gần cậu bé để hỏi em ấy có ổn không. Cậu bé ngước nhìn tôi với đôi mắt ướt và nói: “Cô Laplant, em rất hãnh diện vì những lời khen mà mọi người dành cho mình. Em không nghĩ rằng mọi người quan tâm đến em như vậy”.

Ai cũng có lúc cần một lời tốt đẹp chân thành.
Nếu nó đến đúc lúc, nó sẽ như một chiếc đòn bẩy, đẩy con người khỏi những suy nghĩ xấu xa về bản thân, những tị hiềm với người khác.

Dự án của cô Laplant không chỉ tác động tới các học sinh trực tiếp tham gia. Khi cô chia sẻ về dự án này trên trang cá nhân, nó đã được hàng trăm người ủng hộ. Rất nhiều người đã gửi lời cảm ơn tới cô, vì cách mà cô nghĩ và làm cho học trò của mình.

Cô Laplant cũng gợi ý rằng, các học trò có thể cất giữ những mẩu giấy này và đọc lại chúng vào những ngày “u ám nhất”. Những cảm nhận này giúp các em nhớ lại những điều tốt đẹp của mình. Điều đó sẽ là động lực lớn để các em rời xa mong muốn “từ bỏ” để tiếp tục cố gắng.

Trên tấm bảng hàng ngày cô vẫn dạy tiếng anh, hôm đó có một bài học mà cô muốn các học trò của mình ghi nhớ:

Bài học hôm đó thật đặc biệt, bởi nó không dành cho bộ não mà là bài học dành cho tâm hồn.

“Một vài đứa trẻ có thể thông minh hơn con,
Một vài đứa trẻ khác có thể có quần áo sắc màu hơn con,
Một vài đứa trẻ khác có thể giỏi thể thao hơn con,
NHƯNG ĐIỀU ĐÓ KHÔNG CÓ NGHĨA GÌ CẢ
Bởi con có những điều tốt đẹp của riêng mình.
Hãy là một đứa trẻ hòa ái.
Hãy là một đứa trẻ có tấm lòng rộng mở.
Hãy là một đứa trẻ hạnh phúc vì những người khác.
Hãy làm một đứa trẻ có thể làm những điều đúng đắn.
Làm một đứa trẻ thật đáng yêu”.
Bryan Scabnak

“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người ta sinh ra ai cũng có một tấm lòng trong sáng, một trái tim ấm và một tâm hồn hướng thiện. Nếu bạn tin vào điều này, bạn còn ngại ngần nhìn người khác ở những điểm tốt đẹp nhất của họ? Bạn còn ngại ngần nói với họ rằng, họ có một điều đặc biệt khiến bạn vô cùng yêu quý? Con người cần có những lời góp ý nghiêm khắc mang tính xây dựng để khiến mình tốt đẹp lên, nhưng cũng rất cần những lời nhắc nhở về những điều tốt đẹp có sẵn trong mỗi người.

Khi bạn nói với ai đó một điều thiện lành mà bạn thực sự cảm nhận ở họ, đó không phải là một lời khen. Đó là một món quà mà bạn dành cho họ, bởi bạn đang giúp họ nhớ rằng điều họ cần làm không phải là nhìn vào người khác, mà là tìm kiếm và vun bồi những điều tuyệt vời trong chính mình.

Một lời nói đẹp xuất phát từ sự chân thành có thể khiến người nói học được cách bao dung, và người nghe có được cơ hội hướng mình về cái cao cả của tâm hồn.

Ảnh dẫn qua: Facebook nhân vật

Hy Văn