Đi siêu thị, tập nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, thử kinh doanh… là cách cô Sương đưa học sinh khuyết tật của mình đến với cuộc sống và tiếp thêm nghị lực để các em hiểu được rằng “tàn nhưng không phế”.

Ai từng ghé thăm Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, (Quận 10, Tp.HCM) cũng sẽ bất ngờ khi học sinh khiếm thị có thể đá bóng, chơi đàn, trổ tài làm nhạc công, nấu ăn… Các em có thể làm được như vậy là nhờ vào sự dìu dắt của các thầy cô trong Tổ Giáo dục kỹ năng của trường.

Cô Sương hướng dẫn các trò của mình cách nhặt rau. (Ảnh: Thanh Niên)

Gắn bó với Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu gần 30 năm, cô Nguyễn Thị Thu Sương – Tổ trưởng Tổ Giáo dục kỹ năng, đã thiết kế hoạt động chức năng để dạy kỹ năng sống cho các em học sinh khuyết tật, đa khuyết tật. Cô cùng 13 thầy cô trong tổ đã dày công xây dựng các tiết giáo dục kỹ năng sống cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 7, giúp các em có nhận thức bản thân, giao tiếp xã hội và phòng tránh nguy hiểm.

Năm học 2017-2018 là năm thứ tư trường Nguyễn Đình Chiểu tổ chức lớp học dạy chế biến thực phẩm cho học sinh khiếm thị. Vào thứ 4 hằng tuần, các em bắt đầu buổi học từ việc đi mua nguyên liệu. Dẫn từng nhóm học trò tới siêu thị mua bán các loại thực phẩm, cô Sương tạo cơ hội cho học trò cảm nhận và phân biệt các loại rau củ… Sau đó, về đến lớp học, cô hướng dẫn cách nhặt rau, cầm tay chỉ cách ngắt đậu thế nào cho vừa, cho đẹp.

Cô Sương hướng dẫn học sinh trong giờ thực hành chế biến thực phẩm. (Ảnh: Giáo dục thời đại)

Trong suốt 20 ngày đầu của môn học, ngoài việc cầm tay chỉ dẫn, cô Sương phải miêu tả đặc điểm, hình dáng, tính chất, độ chín của từng món nguyên liệu cơ bản nhất. Thậm chí, cô phải giúp các em cảm nhận độ nóng của lửa và các dụng cụ liên quan, cô trò đã cùng nhau trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Với cô Sương, dạy học sinh khuyết tật nấu ăn cũng là “nghệ thuật”. Mỗi em cần có phương pháp khác nhau. Chẳng hạn, muốn dạy học sinh làm sữa chua thì bình thường là 7 bước, nhưng những học sinh chậm hơn phải dạy thành 10 bước, theo dõi cụ thể khả năng tiếp thu từng bước của các em, đòi hỏi phải kiên trì, tận tâm, mất rất nhiều thời gian.

Cô Sương chia sẻ, những việc như đi siêu thị có thể rất đơn giản với trẻ bình thường nhưng lại hàm chứa rất nhiều kỹ năng khó đối với các em đa khuyết tật. Đi siêu thị dạy cho các em kỹ năng giao tiếp, hỏi đường, cách tính toán tiền bạc, trao đổi với người bán hàng.Những kỹ năng này sẽ giúp trẻ có thể hoà nhập nhiều hơn với xã hội. Các buổi học kỹ năng dần được sáng tạo thêm nhiều hoạt động như dọn dẹp nhà cửa, gấp quần áo, tập kinh doanh bán hàng đồng giá.

Gian hàng ăn uống của học sinh khiếm thị Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Tp.HCM. (Ảnh: Thanh Niên)

Theo cô Sương, trẻ đơn hay đa khuyết tật có mức độ khuyết tật và những khó khắn kèm theo khác nhau, nên đòi hỏi phải có những chương trình chuyên biệt, điều chỉnh cho phù hợp với mỗi em. Với trẻ đa khuyết tật, học kỹ năng sống hằng ngày và các kỹ năng khác thông qua các hoạt động sẽ hiệu quả hơn so với chương trình quy định. Việc hướng dẫn trực tiếp hoặc thông qua các biện pháp đặc thù sẽ giúp trẻ tiếp thu tốt hơn. Từ đó hòa nhập nhanh hơn với đời sống bình thường trong gia đình và ngoài xã hội. 

Gần 30 năm gắn bó với môi trường sư phạm, niềm vui lớn nhất của cô Sương là thấy học trò trưởng thành, có thể tự làm những công việc đối với trẻ khác là bình thường. Bản thân cô vốn học ngành sư phạm truyền thống, khi vào trường đặc biệt này nên công việc ban đầu là phụ trách chăm sóc học sinh. Cảm thương hoàn cảnh của học sinh khuyết tật và mong muốn làm được nhiều hơn để giúp đỡ các em đã thôi thúc cô gắn bó với nghề.

Cô Sương tâm sự với Thanh Niên: “Tôi chẳng có kinh nghiệm gì, mà phải học từ chính các em, từ đồng nghiệp để vun vén cho nghề. Hằng ngày, chứng kiến khuôn mặt học trò ngước lên mà không nhìn thấy vạn vật xung quanh, thấy thương các em và cả người thân của các em. Từng có học trò tâm sự, khi ba mẹ con già rồi ra đi thì con không biết sống ra sao. Từ đó tôi nghĩ rằng, ít nhất phải dạy cho học trò của mình biết làm những việc đơn giản để tự phục vụ bản thân”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Sương (giữa) nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017 do Sở GD&ĐT Tp.HCM trao tặng. (Ảnh: Báo mới)

Chính sự kiên trì và tình yêu thương của cô Sương và các giáo viên khác của trường Nguyễn Đình Chiều đã thắp sáng ước mơ, mở lối vào đời cho bao thế hệ học sinh bất hạnh. Sự trưởng thành của các em chính là tấm bằng khen ý nghĩa nhất cho tâm huyết của những người làm giáo dục như cô Sương.

Cô Nguyễn Thị Thu Sương là người góp công lớn trong việc hình thành các bộ môn chuyên biệt của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Năm 2015, cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen cá nhân tiêu biểu trong giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc lần 3. Năm 2017, cô được nhận giải thưởng Võ Trường Toản do Sở GD&ĐT Tp.HCM trao tặng.

Nhiều năm đứng lớp, cô Thu Sương chia sẻ về kinh nghiệm dạy học với những học sinh đặc biệt của mình là không ngừng tự đánh giá lại ưu, khuyết điểm của bản thân để tìm ra phương pháp đổi mới giúp học sinh tiếp thu nhanh hơn.

Ngoài ra, quan điểm trong giảng dạy của cô là dạy theo nhu cầu của học sinh, không nên dạy những nội dung quá tầm đối với sự tiếp thu của các em. Quan trọng hơn, cô Sương cho rằng lòng yêu nghề, mến trẻ là yếu tố tối quan trọng trong quá trình giáo dục và hỗ trợ trẻ khuyết tật.

Minh Lan