Trong thế giới rộng lớn ngoài kia, đâu đó còn có rất nhiều mảnh đời bất hạnh. Họ không có được một thân thể khỏe mạnh, một cuộc sống bình dị với ước mơ và những nụ cười. Thế giới của họ mang nặng một nỗi buồn và những mảnh vỡ còn sót lại của kí ức tươi đẹp. Như Ý, cô gái 30 tuổi mang khuôn mặt bà lão là một trong những số phận như thế.

Như Ý, cái tên chứa đựng bao ước mơ của ba mẹ

Chân dung cô gái không may mắn Nguyện Thị Như Ý (Ảnh: Soha)

Nguyễn Thị Như Ý sinh ra trong một gia đình thuần nông tại thôn Na Kham (xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Cô là con gái út trong gia đình có bốn anh chị em.

Khi ra đời, Như Ý là một cô bé xinh xắn, kháu khỉnh. Bố mẹ đặt cho cô cái tên “Như Ý” với mong ước cuộc đời con gái sẽ suôn sẻ, thuận lợi.

Đến tuổi dậy thì, Như Ý phổng phao, xinh đẹp lại học rất giỏi, nên bố mẹ đặt rất nhiều hy vọng vào cô. Các anh đã phải nghỉ học từ sớm. Nhưng ai trong nhà cũng muốn dành cho cô gái nhỏ cơ hội đến trường, học lấy con chữ.

Như Ý từ lớp 1 đến lớp 8 đã không hề phụ lại tấm lòng của người thân. Cô học thông minh nên ham học, lại rất thích học tiếng anh. Có lần theo chúng bạn vào Hội An, Như Ý có cơ hội quan sát các hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn khách tây. Thấy họ nói tiếng Anh trôi chảy, truyền cảm, Như Ý bắt đầu gieo cho mình ước mơ: Lớn lên em cũng muốn làm hướng dẫn viên cho những vị khách tây.

Một ngày, ước mơ hóa thành bong bóng xà phòng

Cuộc đời Như Ý bắt đầu rẽ hướng đột ngột khi em học lớp 9. Bà Tám, người mẹ đã 70 tuổi của Như Ý buồn bã kể với phóng viên đến thăm và phỏng vấn cô: Từ năm 13 tuổi, sau những kì kinh đầu tiên, bà thấy con gái có rất nhiều thay đổi. Những nếp nhăn dần xuất hiện trên khuôn mặt, tóc bắt đầu rụng và răng cứ mẻ đi từng chút.

Khuôn mặt và đôi mắt của Như Ý luôn mang nặng một nỗi buồn (Ảnh: Soha)

Đến đây, phóng viên đã hiểu, vì sao Như Ý ít khi cười và luôn cúi xuống hoặc che miệng khi phải nói to. Cô không muốn người khác nhìn thấy hàm răng móm mém của mình.

Bố mẹ đã đưa Như Ý đi khắp các bệnh viện để chạy chữa. Các bác sĩ chỉ lắc đầu, nói rằng Ý bị căn bệnh già sớm, nhưng cũng không nói rõ nguyên nhân cụ thể. Thế rồi, cha mẹ lại đưa cô đi đến thầy chữa Đông Y, nhưng kết quả cũng không khả quan hơn.

Nhưng Như Ý vẫn ngày một yếu đi, những nếp nhăn cũng nhiều hơn. Cô gái ba mươi tuổi với cái tên rất đẹp giờ đây mang vẻ ngoài của một bà lão 60 tuổi, hom hem, đen nhẻm. Cơ thể cô cũng suy nhược rất nhiều.

Như Ý không chỉ già đi nhanh chóng, cô còn phải chịu sự hành hạ của một chứng bệnh khác, đáng sợ không kém: Thèm ăn – uống.

Căn bệnh quái lạ khiến cô gái nhỏ bé có thể ăn 5 kg bún, khoảng 20 ổ bánh mì, 30 đến 40 chiếc bánh xèo và uống hơn 35 lít nước (Ảnh: Tri thức trẻ)

“Từ ngày mắc căn bệnh kỳ lạ này, em luôn có cảm giác thèm ăn và có khả năng uống nước nhiều gấp hàng chục lần người khác. Em chỉ thích ăn những thứ có nhiều dầu mỡ chứ không ăn được cơm và thịt nạc.

Tuy ăn nhiều nhưng chỉ vài phút sau là em lại nôn tháo ra hết nên cơ thể không hấp thụ được.”

Nghe bà Tám kể lại những con số cụ thể những gì cơ thể Như Ý đòi cô phải ăn khiến người ta không khỏi ngỡ ngàng. Chưa kể lúc đêm hôm, cơn thèm ăn cũng không tha cho cô gái trẻ.

Ăn rồi lại nôn, rồi lại ăn, thân thể của cô giờ đây chỉ có da bọc xương. 30 tuổi rồi nhưng cô nặng chị vỏn vẹn 25 kg.

Bệnh trên thân đau một, tâm đau mười

Bất lực trước sự “bất trị” của thân thể mình, Như Ý chỉ còn biết buông tay khỏi những ước mơ đẹp đẽ ngày trước. Việc học hành dở dang khiến cô đau lòng và tiếc nuối rất nhiều. Mỗi lần đau, mỗi lần tinh thần xuống đến những bậc thang cuối cùng, Như Ý lại lôi những tấm bằng khen ra xem. Xem xong, cô lại gói gém tất cả lại, cẩn thận đặt dưới gối. Như Ý biết, đó chỉ là quá khứ, nhưng cô vẫn muốn trân trọng quãng đời tươi đẹp đó, khi cô vẫn còn là niềm tự hào của bố mẹ. Và quan trọng hơn, nó giúp cô có thêm động lực để tiếp tục cố gắng. 

Những tấm giấy khen là niềm an ủi tinh thần rất lớn của Như Ý (Ảnh: Soha)

Giấc mơ làm hướng dẫn viên đã không còn, ước mong có một gia đình và những đứa trẻ để chăm sóc với Như Ý lại càng là điều không thể. “Em không dám nghĩ đến chuyện đó. Mà có nghĩ đến thì cũng chẳng ông nào khùng mà lấy em”. Là một phụ nữ, nhưng Như Ý không dám để mình một lần chạm tới suy nghĩ về hạnh phúc gia đình.

Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, Như Ý giờ đây vẫn sống bên cha mẹ. Nhìn hình ảnh của mẹ, của cha, nhìn thấy những lo lắng trong mắt của những bậc sinh thành, Như Ý lại cảm thấy một nỗi buồn còn lớn hơn cả khi cô nghĩ về những ước mơ dang dở của mình.

Thương cha mẹ

Bà Tám – mẹ Như Ý đang chuẩn bị bữa trưa cho cả nhà (Ảnh: Soha)

Cha mẹ đã vất vả cả đời, vậy mà giờ đây vẫn phải chạy lo từng bữa cơm, từng viên thuốc cho cô. Như Ý không đành lòng, vậy nên, ngày ngày, cô gái hom hem lại bắt xe buýt từ sớm, vượt 30 cây số từ thôn lên thành phố để bán vé số.

Mỗi ngày, Như Ý vượt 30 cây số đi bán vé số để phụ mẹ cha (Ảnh: Tri Thức Trẻ)

Biết cơ thể mình yếu đuối, nhanh mệt, nhưng Như Ý vẫn kiên trì rong ruổi khắp nơi, bất chấp cái nắng nóng như thiêu đốt của đất Quảng. Mệt, nhưng buổi nào chịu khó đi quanh, người ta thương tình mua ủng hộ, cô cũng kiếm được ngày năm chục ngàn, phụ giúp cha mẹ. Chỉ ngặt một nỗi, nhiều khi cơ thể quá yếu, Như Ý lại ngất ngay ngoài chợ khi đi bán vé số. Cũng may, những lần ấy người tốt bụng xung quanh lại đưa cô vào bệnh viện cấp cứu hay có người cùng thôn biết chuyện, tình nguyện chở cô về.

Những ngày trở trời, hay mưa rả rích, Như Ý lại đau khắp thân thể như một người già. Những hôm ấy, cô gái trẻ chỉ còn biết nằm nhà, trông ra sân, ngắm nhìn những giọt mưa cứ tí tách rơi hòa cùng những giọt nước mắt của chính mình… 

Hải Lam tổng hợp

Xem thêm: