Nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội Helen Keller là một diễn giả “đặc biệt”, không chỉ vì bà đã viết những cuốn sách sâu sắc truyền cảm hứng về tinh thần vượt lên số phận, mà còn bởi thông điệp giản dị bà gửi đến thế giới: “Khuyết tật không phải là bất hạnh tột cùng của con người”.

Người khuyết tật không phải là những người yếu đuối, chẳng qua bạn chưa có dịp nhìn thấy “sức mạnh” của họ mà thôi. Họ có thể là những nhân tài đáng ngưỡng mộ, như bà Helen Keller – một nhà văn khuyết tật dũng cảm và tài năng.

Helen Keller sinh ngày 27 tháng 6 năm 1880 tại Tuscumbia, bang Alabama, nước Mỹ. Bà là một tác giả, nhà hoạt động chính trị, giảng viên người Mỹ, và là người khiếm thính đầu tiên đạt được bằng cử nhân nghệ thuật.

Nữ văn sĩ tài năng Helen Keller. (Ảnh: Painting and Frame)

Khi sinh ra, Keller là một đứa trẻ khỏe mạnh, nhưng lúc 19 tháng tuổi, bà bị điếc và mù do một căn bệnh không rõ, có thể là viêm màng não hoặc sốt ban đỏ. Điều này càng lúc càng khiến cô bé Helen nhỏ tuổi tức giận vì cô không thể có sự thấu hiểu thật sự từ bất cứ ai. 

Người bạn đồng hành thân thiết nhất của bà trong thời gian này là một đứa trẻ da đen tên là Martha Washington. Martha có thể hiểu các dấu hiệu của Helen, họ vui vẻ cùng nhau nấu ăn trong bếp và chơi trong sân. Cả hai giao tiếp bằng một ngôn ngữ ký hiệu, mặc dù có phần hạn chế.

Khi Helen lớn lên, sự thất vọng khi không thể thể hiện chính mình khiến Keller dần trở thành một đứa trẻ bất trị đến mức không thể kiểm soát. Helen đã có nhiều cơn giận dữ khủng khiếp khiến cha mẹ bà vô cùng lo lắng. Khi lên sáu, cha mẹ đã đưa bà đến gặp Tiến sĩ Chisolm, một bác sĩ huyền bí ở Baltimore để xem xét trị liệu cho bà, nhưng vô ích. Thay vào đó, bác sĩ khuyên rằng gia đình nên tìm cho Helen một giáo viên để bà có thể được giáo dục, và thật sự đó là lời khuyên vô cùng có giá trị trong hoàn cảnh của Helen.

Tranh sơn dầu văn sỹ Helen Keller và cô giáo Anna Sullivians tại thư viện Perkins. (Ảnh: Perkins)

Người mẹ tận tụy của Helen không bao giờ từ bỏ bà và không ngừng cố gắng tìm giải pháp giúp tình trạng con gái tốt hơn. Cuộc đời của Helen đã thay đổi khi cô giáo Anne Sullivan đến Tuscumbia để làm giáo viên của bà. 

Helen nhớ lại ngày mà cô giáo Anne Sullivan đến là ngày quan trọng nhất trong cuộc đời mình. 

Bà chia cuộc sống của mình làm hai phần: Phần thứ nhất là trước khi cô Sullivan đến và phần thứ hai là tất cả thời gian sau đó. Bằng nhiều phương pháp tuyệt vời, cô Sullivan đã dạy cô bé Helen học rất nhanh tiến bộ. Đặc biệt, cô giáo Anne Sullivan đã dạy cho cô bé Helen biết thế nào là “tình yêu”. 

Helen đã có lúc thất vọng khi không thể tìm thấy chính xác ý nghĩa của “tình yêu”, nhưng cô Sullivan giải thích rằng: “Bạn không thể nhìn hay nghe thấy tình yêu, nhưng bạn có thể cảm nhận được sự ngọt ngào mà nó tràn ngập trong mọi thứ”.

Từ những bài học đầu tiên sâu sắc nhất, bà Helen Keller đã từng bước trở thành một nhà tư tưởng, một giảng viên. Bà đã dùng cuộc đời mình để chứng minh rằng lòng quyết tâm và tinh thần làm việc chăm chỉ có thể cho phép bất cứ ai vượt qua được những chướng ngại khủng khiếp trong đời.

(Ảnh: fineartamerica.com)

Dưới đây là 25 câu nói truyền cảm hứng của Helen Keller về hạnh phúc, tầm nhìn và mục đích:

  1. Cuộc sống là một chuỗi các bài học mà bạn cần phải sống mới có thể hiểu được.
  2. Lạc quan là niềm tin dẫn đến thành tựu. Bạn chẳng thể làm được điều gì mà thiếu đi niềm hy vọng và sự tự tin.
  3. Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì mình muốn nếu chúng ta kiên trì đủ lâu.
  4. Cùng bước với một người bạn trong bóng tối tốt hơn là bước một mình trong ánh sáng. 
  5. Tôi chỉ là một, nhưng tôi vẫn là một. Tôi không thể làm mọi thứ, nhưng tôi vẫn có thể làm gì đó; và bởi vì tôi không thể làm tất cả, tôi sẽ không từ chối làm điều tôi có thể.
  6. Hãy quay mặt về phía mặt trời, và bạn sẽ không còn thấy bóng tối nữa.
  7. Thành công và hạnh phúc nằm ở chính bạn. Hãy quyết tâm hạnh phúc, và niềm vui sẽ đi cùng bạn để hình thành đạo quân bất khả chiến bại chống lại nghịch cảnh.
  8. Không ai có quyền hưởng thụ hạnh phúc mà không tạo ra nó.
  9. Những điều tốt nhất và đẹp nhất trên thế giới không thể được nhìn thấy hoặc thậm chí chạm vào – chúng phải được cảm nhận bằng trái tim.
  10. Tính cách không thể phát triển một cách dễ dàng và yên lặng. Chỉ qua trải nghiệm thử thách và gian khổ mà tâm hồn trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành và thành công đạt được.
  11. Đừng bao giờ cúi đầu, hãy luôn luôn ngẩng cao, nhìn thẳng vào thế giới xung quanh bằng đôi mắt bạn.
  12. Thật tuyệt vời là con người đã sử dụng biết bao thời gian để chống lại cái ác. Giá mà họ cũng sử dụng năng lượng đó để yêu thương người khác, cái ác sẽ tự chết vì buồn chán.
  13. Khi một cánh cửa đóng lại thì cái khác mở ra. Nhưng chúng ta thường rất tiếc nuối chiếc cửa đã đóng mà không thấy được cái đã mở cho chúng ta.
  14. Điều duy nhất tệ hơn bị mù là có thị lực nhưng không có tầm nhìn.
  15. Thay vì so sánh số phận của chúng ta với những người may mắn hơn, chúng ta nên so sánh với đại đa số những người xung quanh. Sau đó, chúng ta sẽ thấy có vẻ như mình đã được ban nhiều đặc ân.
  16. Than thân trách phận là kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta, và nếu ta đầu hàng nó, ta sẽ chẳng làm được gì khôn ngoan trên thế giới này.
  17. Nhiều người có một quan niệm sai lầm về những gì tạo nên hạnh phúc đích thực. Nó không đạt được thông qua sự tự thỏa mãn mà qua sự kiên trì với một mục đích xứng đáng.
  18. Khoan dung là món quà lớn nhất của tâm hồn, nó đòi hỏi nỗ lực của bộ não cũng nhiều như khi bạn phải giữ thăng bằng khi đi xe đạp.
  19. Không kẻ bi quan nào có thể phát hiện ra bí ẩn của những ngôi sao, hay căng buồm tới một vùng đất chưa khám phá, hoặc mở ra cánh cửa vào tâm hồn con người.
  20. Chúng ta không bao giờ có thể học cách dũng cảm và kiên nhẫn, nếu chỉ biết đến niềm vui trên thế giới.
  21. Trong lúc họ còn đang nói với nhau không thể làm được điều đó đâu, nó đã được làm xong rồi.
  22. Cuộc sống rất thú vị, và thú vị nhất khi nó được sống vì người khác.
  23. Thật tuyệt vời khi trèo lên những ngọn núi trong trẻo của bầu trời. Đằng sau tôi và trước tôi là Chúa, và tôi không sợ hãi.
  24. Mọi người không thích suy nghĩ. Nếu người ta nghĩ, người ta phải đi đến những kết luận, và chúng không phải lúc nào cũng dễ chịu.
  25. Lảng tránh nguy hiểm về lâu dài không an toàn hơn là đối điện trực tiếp với nó. Cuộc sống hoặc là một cuộc phiêu lưu dũng cảm, hoặc chẳng là gì cả.

Bạn đang đọc bài viết: “Cô bé bị mù và điếc trở thành nữ văn sĩ nổi tiếng: Thông điệp về lòng quyết tâm vượt lên nghịch cảnh” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||60c162dc7__