Tự ti là một loại chướng ngại về tâm lý mà chúng ta thường gặp ở trẻ. Bởi vì tự ti nên trẻ rất nhát gan, mẫn cảm, không tự tin, có chỗ khuyết thiếu về tính cách. Tuy nhiên, các nhà tâm lý phát hiện ra rằng, trẻ tự ti thông thường là do cha mẹ tạo thành.

Ngôn ngữ là công cụ làm tổn thương trực tiếp nhất đối với trẻ. “Sao con ngu thế? Dạy bao nhiêu lần mà vẫn không nhớ là sao?” “Mẹ chưa từng gặp đứa trẻ nào không nghe lời người lớn như con!” “Con chỉ hay làm phiền người khác, hãy yên tĩnh một chút có được không?”

Nếu cha mẹ suy nghĩ một chút sẽ thấy, có phải là đã từng nói những lời như vậy với con của mình hay không? Có những lúc, chúng ta bất chấp hậu quả mà nói ra những lời cay nghiệt, bạo lực với trẻ nhưng có biết đâu rằng, lời vừa nói ra thì sự tổn thương nặng nề liền ập đến với trẻ.

Tâm hồn của trẻ còn non nớt, chưa có khả năng đối mặt với những giông tố của cuộc sống, những cay nghiệt của cuộc đời. Chúng không hề biết cha mẹ mỗi ngày phải làm việc mệt nhọc như thế nào, chúng chỉ biết cha mẹ nói mình ngu kèm theo một vẻ mặt giận dữ. Trẻ cũng không biết cha mẹ mỗi ngày bận rộn ra sao chỉ biết là mẹ nói mình làm phiền cùng với vẻ mặt buồn chán. Từ đó trở đi, trẻ sẽ cảm thấy mình thật sự rất ngu dốt, rất hay làm phiền người khác, bởi vì chính cha mẹ – người mà chúng tin tưởng nhất đã nói như vậy.

Cha mẹ là những người mà trẻ tin tưởng nhất, chúng nhận hết thảy những tin tức từ cha mẹ một cách vô điều kiện. Cho nên, khi trẻ nhận được những lời cay nghiệt, bạo lực thì chúng sẽ ngay lập tức hoài nghi năng lực và giá trị của bản thân mình, đồng thời không ngừng phủ định bản thân mình: “Cha mẹ nói mình ngu dốt, mình sao có thể giỏi được?”

Rất nhiều lúc, lời nói cay nghiệt của cha mẹ còn khiến trẻ bị tổn thương hơn nhiều lần so với việc bị đánh.

Trẻ tự ti thì vận khí sẽ không tốt

Tự ti là chỗ thiếu hụt của tính cách, nhất là đối với trẻ em mà nói, tâm lý tự ti sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thể xác, tinh thần và sức khỏe của trẻ, gây bất lợi cho sự trưởng thành và tương lai sau này của trẻ.

Mỗi đứa trẻ đều vốn có một tuổi thơ hạnh phúc, lớn lên trong “vô lo vô sợ”, nhưng một khi bị tâm lý tự ti, trẻ sẽ vô duyên vô cớ khó chịu, uất ức, không dám giao tiếp cùng người khác thậm chí giao tiếp với bạn bè bình thường cũng có chút sợ hãi. Bởi vì trong tâm lý, trẻ nghĩ mình là người không tốt, không giỏi nên sẽ tìm một góc để trốn tránh, chỉ ngưỡng mộ người khác, ao ước được như người khác, còn bản thân mình thì lại nghĩ:  “Mình không tốt thì làm gì có ai thích mình đây?”

Sau này khi trẻ lớn lên, mang theo tâm lý tự ti sẽ không dám đối mặt với cuộc sống, đối mặt với người khác, gặp cơ hội mà không dám tiếp nhận nên sống sẽ rất đáng thương và vất vả.

Các bậc cha mẹ đừng xem nhẹ tâm lý tự ti của trẻ mình nếu muốn con có một con đường đi tốt đẹp hơn. Một khi phát hiện thấy trẻ có xuất hiện tâm lý tự ti, cha mẹ phải kịp thời giúp trẻ thoát ra khỏi cái vòng ý nghĩ luẩn quẩn ấy.

Muốn trẻ thoát khỏi tự ti, trở nên tự tin, cha mẹ hãy làm tốt những điều sau:

1. Giúp trẻ đọc sách

Cha mẹ nên bồi dưỡng cho trẻ thói quen đọc sách. Đọc sách là cách giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn, đồng thời giúp trẻ tìm hiểu được nhiều kiến thức, từ đó trẻ sẽ mạnh dạn hơn và  tự tin hơn.

2. Giúp trẻ bằng lòng với chính mình

Cha mẹ giúp trẻ hiểu để tự bằng lòng với bản thân mình, tối thiểu là bề ngoài của trẻ. Rất nhiều trẻ mất tự tin bắt đầu từ hình thể bên ngoài. Cha mẹ kiên nhẫn cho trẻ biết rằng mỗi người là một cá nhân độc lập và mang những vẻ đẹp khác nhau.

3. Thường xuyên khích lệ, khen ngợi trẻ

Mỗi khi chứng kiến trẻ làm được một việc tốt, trẻ tiến bộ trong quá trình hoàn thiện bản thân, cha mẹ nên có những lời khen kịp thời và chính đáng. Cha mẹ thường xuyên khích lệ trẻ sẽ giúp trẻ gia tăng sự tự tin và thoát khỏi tự ti.

4. Tuyệt đối không so sánh

Trẻ tự ti sẽ rất sợ hãi khi bị cha mẹ mang ra so sánh với các bạn khác. Bởi vì như vậy sẽ khiến trẻ càng thêm có ý nghĩ mình ngu dốt, kém cỏi hơn mọi người.

5. Tôn trọng ý kiến của trẻ

Khi đối mặt với một sự lựa chọn nào đó, trẻ sẽ đưa ra ý kiến của mình. Cha mẹ tuyệt đối đừng phủ nhận ý kiến của trẻ bởi vì như vậy sẽ khiến trẻ mất tự tin. Nếu cha mẹ thấy ý kiến đó chưa phù hợp thì nên chia sẻ, giảng giải chân thành để trẻ hiểu.

6. Kiên nhẫn trả lời các vấn đề trẻ hỏi

Rất nhiều lúc khi cha mẹ đi làm trở về nhà, đã mệt mỏi còn bị trẻ hỏi hết chuyện này đến chuyện khác. Lúc ấy, cha mẹ không thể không kiên nhẫn, bởi vì sự tò mò là bản năng của trẻ, nếu không kiên nhẫn nghe trẻ hỏi, quát trẻ vì đã làm phiền thì sẽ khiến chúng sợ hãi không dám trao đổi cùng cha mẹ nữa. Đương nhiên, nếu cha mẹ không trả lời được thì phải trung thực nói cho trẻ biết khiến trẻ hiểu rằng có những việc mà người lớn cũng không làm được. Đồng thời qua đó, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tìm hiểu, tự tin vào bản thân.

7. Giúp trẻ phát huy sở trường của mình

Mỗi người đều có sở trường của mình. Cha mẹ phải cố gắng phát hiện ra sở trường của con mình, hỗ trợ con phát huy hết sở trường ấy. Không nên cưỡng ép trẻ làm những việc mà chúng không có chút yêu thích nào, bởi vì như vậy sẽ khiến cho con càng thêm không tự tin.

8. Giúp trẻ đối mặt với thất bại

Suy sụp thường thường là yếu tố dễ dàng khiến trẻ bị tự ti. Khi trẻ bị suy sụp, thất bại, cha mẹ phải kịp thời cùng trẻ phân tích vấn đề, thảo luận để tìm ra phương hướng giải quyết, giúp trẻ lấy lại lòng tự tin.

Cha mẹ là người bạn tốt nhất, đồng thời cũng là người thầy tốt nhất của con. Cha mẹ muốn con có một tương lai tươi sáng thì nhất định phải nguyện ý bỏ ra vài phần tâm huyết, đó là điều cha mẹ cần ghi  nhớ!

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: