Khi bạn gặp một ai đó, một con vật nào đó đang bị thương và gần như còn rất ít hy vọng sống, bạn sẽ làm gì và cảm nhận thấy điều gì? Thương xót vì thấy sự sống quá mong manh nhưng lại e ngại và chần chừ không dám hành động vì một lý do không thể gọi thành tên. Câu chuyện nhỏ dưới đây sẽ khiến bạn xóa bỏ cảm giác ngại ngùng đó. 

Vào tối thứ Hai, Corey Hancock ở Salem, Oregon, đã đi dạo dọc theo sông Santiam để ngắm cảnh và chụp một vài tấm hình. Nhưng khi trời bắt đầu đổ mưa nặng hạt, Hancock định quay trở về thì chợt phát hiện thấy một điều bất ngờ.

Một chú gấu con hốc hác, ướt sũng và hơi thở yếu ớt đang nằm ngửa trên nền đất ướt sũng dưới trời mưa.

Một chú gấu con nằm thoi thóp trên nền đất ướt dưới cơn mưa (Nguồn ảnh: Corey Hancock)

Hancock mô tả chi tiết tình trạng gấu con lúc anh nhìn thấy chú lần đầu tiên: “Chú gấu nhỏ nằm đặt lưng trên nền đất, di chuyển khó khăn. Chú vặn người đôi lần, chân không cử động, không thấy thở và gần chết”. Trước mắt Hancock lúc này là một sinh mệnh đang đứng ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

Hancock thấy rằng anh không có nhiều thời gian để đưa ra quyết định. Hoặc chú gấu nhỏ sẽ chết dưới trời mưa, hoặc anh phải làm một điều gì đó.

Hancock quan sát xung quanh, anh hiểu rằng nếu anh bế chú gấu đi, anh sẽ khiến cho gấu mẹ vô cùng tức giận. Vậy nên, anh kiên nhẫn chờ đợi trong 10 phút, và khi gấu mẹ không có dấu hiệu nhanh chóng quay trở về, Hancock quyết định hành động.

Anh chia sẻ với báo Washington Post khi nhìn thấy chú gấu con nằm thoi thóp trên nền đất: “Tôi nghĩ về đứa con trai 2 tuổi của tôi và tôi thấy chú gấu con như một đứa trẻ và nó đáng được sống”.

Hancock quấn chú gấu con vào chiếc áo sơ mi nỉ mỏng của anh ấy và chạy 1,5 dặm (khoảng 2,4km) tới nơi đậu xe ô tô của mình.

Lời cầu cứu của Hancock trên facebook: “Cứu giúp!!! Giải cứu một con gấu con sắp chết. Đưa chú ta đến nơi nào?! Hơi thở nó rất yếu và không phản ứng nhanh. Đang trên quãng đường cao tốc Santiam tới Salem” (Ảnh: Corey Hancock)

Anh nhanh chóng đăng hình ảnh về chú gấu con lên Facebook và nhận được gợi ý về nơi để đưa chú gấu đến. Cuối cùng, một người từ trung tâm Phục hồi động vật hoang dã Turtle Ridge đã đón nhận chú gấu.

Hancock đã phải hô hấp liên tục cho chú gấu trên đường đến đó khi thấy dấu hiệu gấu con ngừng thở. Anh nói: “Hơi thở mỗi lần chỉ khoảng một phút rưỡi. Tôi đã kéo chú lên vài lần để xem liệu chú ta có còn sống hay là chết”.

Khi anh đến Turtle Ridge, một nhân viên đã nhanh chóng làm cấp cứu. Họ đặt chú gấu con vào chiếc chăn ấm và tiêm chất điện giải vào cơ thể chú. Một lúc sau, cơ thể chú bắt đầu ấm lên và chú thở tốt hơn.

Chú gấu con nhanh chóng được cấp cứu (Ảnh: Corey Hancock)
Hancock đặt một nụ hôn lên gấu con như để động viên chú gấu nhỏ: “Hãy cố gắng lên nhé, bé con.” (Ảnh: Corey Hancock)

Hancock gọi cho Turtle Ridge vào lúc 6 giờ sáng thứ Ba để hỏi thăm tình hình của chú gấu con. Cơ sở phục hồi vui mừng thông báo cho Hancock rằng chú gấu con đã được tiếp nước và bắt đầu đi lại xung quanh, họ đã thức cả đêm cùng với con vật bé nhỏ tội nghiệp.

Chú gấu con được chăm sóc tận tình cả đêm (Ảnh: Corey Hancock)

Charles Harmansky – Johnson của Trung tâm Turtle Ridge đã viết trong một email rằng: “Chú gấu con được đặt tên là ‘Elkhorn’ và nhận được sự chăm sóc rất cẩn thận suốt đêm. Gần 2 giờ sáng, sau vài lần truyền nước thì nhiệt độ cơ thể của Elkhorn đã trở về bình thường”. Harmansky – Johnson gọi Hancock là “anh hùng”, bởi nếu không có anh chú gấu nhỏ tội nghiệp này đã không thể sống sót.

Elkhorn bây giờ được coi sóc bởi Oregon Department of Fish and Wildlife (ODFW – Sở cá và động vật hoang dã Oregon). Tuy nhiên, ở Oregon người ta không cho phép để một con gấu cư trú trong bang nên Elkhorn sẽ được đưa tới một nơi chăm sóc thích hợp bên ngoài thành phố.

Là trung tâm chăm sóc cho chú gấu con Elkhorn, nhưng ODFW vẫn đưa ra lời khuyên của họ đối với những tình huống tương tự: “Không nên đặt giả thiết gấu con bị mồ côi trừ khi họ nhìn thấy mẹ chú ta chết. Gấu con tạm thời bị bỏ lại một mình trong rừng là một điều thường thấy trong mùa xuân và ở nhiều loài động vật khác, chứ không riêng gì ở loài gấu”. Hơn thế nữa, việc đưa những động vật non ra khỏi nơi sống tự nhiên của chúng là điều không tốt cho chính con vật (chúng rất dễ kết thúc cuộc sống của mình trong sở thú, hoặc gặp khó khăn lớn khi quay về với cuộc sống tự nhiên.

Chú gấu đã hồi phục trở lại phần nào đó (Ảnh: Corey Hancock)

Tuy nhiên, sau khi xem lại câu chuyện của Hancock, Sylvia Dolson, Giám đốc điều hành của Get Bear Smart Society đã chia sẻ với báo Washington Post rằng Hancock đã có quyết định rất tuyệt vời.

Bà nói: “Trong trường hợp này, anh ấy chăm sóc chú gấu là việc nên làm, vì chú gấu con “chắc chắn sẽ chết” nếu không được giúp đỡ kịp thời”.

“Một số gấu mẹ có thể để gấu con một mình mà không giám sát ở trên cây trong vòng vài giờ trong khi chúng đi kiếm thức ăn. Gấu con sẽ an toàn nếu ở trên cây. Chú gấu con này đã nằm ngửa trên đất và đang rơi vào hôn mê và sẽ chết. Cá nhân tôi rất ủng hộ việc dũng cảm bước vào và cứu mạng chúng” – Bà bổ sung thêm.

Sự đồng cảm với nỗi đau của loài vật khác chính là một trong những điều tốt đẹp nhất mà người lớn có thể dạy cho con trẻ qua câu chuyện đáng yêu này (Ảnh: Corey Hancock)

Lời khuyên của ODFW thực sự hữu ích đối với người dân ở các nước phương Tây, khi họ thường xuyên có thể bắt gặp các động vật hoang dã khi dạo chơi trong những khu bảo tồn thiên nhiên. Nhưng khi nhìn những hình ảnh của chú gấu con trước và sau khi được Hancock cứu hộ, ai cũng sẽ cảm thấy ấm lòng. Chú gấu dưới sự chăm sóc chu đáo và tận tâm của con người đã được trở lại với cuộc sống.

Bên cạnh bài học về cách ứng xử khi bắt gặp động vật hoang dã bị bỏ rơi, câu chuyện của Hancock rất thích hợp để kể cho những đứa trẻ nhằm giúp chúng hiểu và cảm nhận được rõ ràng hơn về “sự đồng cảm” “biết trân quý sự sống” của những loài động vật khác. Từ đó khơi lên khả năng nhận biết và không thờ ơ với nỗi đau của người và những loài động vật khác trong tâm hồn của những đứa trẻ.

Hương Phạm 

Xem thêm: