Những người phụ nữ chấp nhận ở nhà làm công việc nội trợ phục vụ gia đình thường không được chồng ghi nhận xứng đáng hay tôn trọng đúng mực. Đây chính là nguyên nhân gây ra những rạn nứt trong cuộc sống hôn nhân. Câu chuyện hài có tên “Lý do đàn ông đừng bao giờ phàn nàn” dưới đây sẽ cho bạn một cái nhìn thú vị và sâu sắc về vấn đề này để có những giải pháp hàn gắn cho bản thân.  

Một người đàn ông nọ kết hôn ở độ tuổi 25 và gây dựng một mái ấm cho riêng mình như bao người bình thường khác. Sau 10 năm đóng vai trò người chồng, người đem lại nguồn thu nhập chính trong gia đình anh bỗng cảm thấy có gì đó không ổn. Anh phải đi làm cả ngày để kiếm tiền trong khi vợ anh chỉ ở nhà làm công việc bếp núc và chăm sóc con cái. Suốt một khoảng thời gian dài, chịu bao nhiêu áp lực và mệt nhọc, anh bắt đầu chán ngán cuộc sống vô vị, vất vả hiện tại của mình. Thú thật, anh mệt mỏi với gánh nặng mưu sinh và có chút ghen tị với vợ vì cô ấy chẳng cần phải lo lắng nhiều cho cuộc sống gia đình.

nguoi chong1

Thế rồi anh ta đã cầu xin Thượng đế: “Thưa Thượng đế, con ngày nào cũng làm việc 8 tiếng khó nhọc ở công ty, còn vợ con chẳng làm gì, chỉ suốt ngày ngồi ở nhà. Con muốn vợ con có thể hiểu được những gì con đã phải chịu đựng bên ngoài, vì vậy con khẩn cầu người hãy cho con và vợ con được hoán đổi thân xác một ngày!”. Thượng đế nghe lời cầu nguyện thống thiết của anh đã cho anh thỏa mãn ước nguyện.

Sáng hôm sau, người đàn ông tỉnh dậy và nhận ra rằng mình đang ở trong thân thể của vợ. Anh bước ra khỏi giường và bắt đầu chuẩn bị bữa sáng cho vợ mình – lúc ấy đang mang hình hài của người chồng, sau đó đánh thức bọn trẻ, chuẩn bị quần áo cho chúng, rồi vừa cho chúng ăn sáng vừa chuẩn bị bữa trưa để chúng mang đến trường. Sau khi lái xe đưa lũ trẻ đi học, trên đường về nhà anh ta ghé qua tiệm giặt lấy đống đồ giặt khô hôm trước, dừng lại ở ngân hàng thanh toán một vài hóa đơn điện nước và rồi đi chợ mua thức ăn chuẩn bị cho bữa cơm.

Anh thậm chí còn phải dọn ổ cho lũ mèo và tắm cho chú chó của mình. Làm xong những việc đó thì đã là một giờ chiều, anh vội vàng đi vào phòng từng người để gấp chăn màn, giặt là quần áo rồi dùng máy hút bụi làm sạch tất cả các ngóc ngách căn nhà kể cả sàn bếp. Đến 4 giờ, anh gấp rút đến trường để đón con, trên đường về, lũ trẻ không ngừng cãi nhau và tranh giành đồ chơi, bà mẹ bất đắc dĩ này lại phải ‘ra tay’ dàn xếp êm xuôi vụ việc.

nguoi chong4

Khi lũ trẻ yên vị trong căn nhà thì cũng là lúc anh phải mang cho bọn trẻ mỗi đứa một cốc sữa và vài chiếc bánh quy lót dạ để chúng ngoan ngoãn ngồi làm bài tập hoặc xem tivi. Trong khi đó, anh tất bật bắt đầu chuẩn bị bữa tối cho cả gia đình: nào nhặt rau, rửa rau, rồi thái thịt v.v. Xong xuôi thì cũng là lúc vợ anh đi làm về. Sau khi thay quần áo, cô chỉ việc ngồi vào bàn đã đầy ắp những món ăn nóng hổi và thưởng thức những hương vị thơm ngon. Ăn xong, người chồng lại rửa bát, cọ xoong nồi, lau bếp rồi tắm cho bọn trẻ và đưa chúng lên giường ngủ còn vợ anh thì lên phòng nghỉ ngơi…

Đến 9 giờ tối, người chồng lúc này gần như kiệt sức, cho dù vẫn còn những việc nhà khác cần làm nhưng anh phải vào phòng tắm làm vệ sinh cá nhân sau đó thực hiện nốt nghĩa vụ làm vợ của mình mà chẳng dám nửa lời phàn nàn…

Sáng hôm sau, người chồng bật dậy, anh ta lập tức quỳ xuống cầu xin Thượng đế: “Thưa thượng đế, con biết mình sai ở đâu rồi, con thật ngu ngốc vì đã không hiểu được những vất vả mà vợ con đã phải trải qua khi chăm sóc gia đình. Con cầu xin Người hãy cho con được trở lại làm chồng, để con có thể bù đắp cho vợ tất cả những thiệt thòi kia. Con cầu xin Người!”.

Thượng đế bình thản trả lời: “Con trai ta, ta nghĩ con đã nhận ra được bài học cho riêng mình và ta sẽ rất vui khi trả lại tất cả về vị trí ban đầu. Nhưng…con phải đợi 9 tháng nữa, vì tối qua con đã có thai rồi!”.

nguoi chong6

Thực tế, trong việc gây dựng mái ấm gia đình, mỗi người vợ người chồng đều đóng một vai trò quan trọng khác nhau. Người phụ nữ vốn mang trong mình tính nhu nên phù hợp với các công việc nội trợ và vun vén cho tổ ấm của mình. Trong khi đó, người đàn ông đại diện cho phái mạnh nên sẽ làm trụ cột của cả gia đình, lo lắng phần nhiều về công việc mưu sinh kiếm sống. Mỗi trách nhiệm đều cần đầu tư thời gian, công sức và nỗ lực như nhau, không có công việc nào an nhàn, dễ dàng hơn công việc nào. Vậy nên nếu bạn cảm thấy cuộc sống bất công vì mình phải ‘lao tâm khổ tứ’ quá nhiều cho gia đình trong khi người bạn đồng hành thật thoải mái, dỗi dãi, thì bạn hãy bình tĩnh ngồi lại suy xét kỹ vấn đề hơn nhé! Ai cũng có những khó khăn riêng trong đời sống cần phải đối mặt mà chỉ có sự đồng cảm, bao dung mới đưa bạn vượt qua những ‘cơn bão’ và xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc.

Bảo Ngọc biên dịch