Tuyết mang trong mình căn bệnh ung thư máu khi em mới có mặt trên cuộc đời này sáu năm. Nhà trên núi, cha mẹ không biết chữ nên chị Tin là người đưa Tuyết xuống xuôi chữa bệnh. Đằng đẵng ba năm trời, hai chị em cứ ở bên nhau, lấy giường 15, phòng 403, bệnh viên Trung ương Huế là nhà, để chăm sóc, động viên nhau.

Tuyết phải xuống bệnh viện trong thành phố để chữa bệnh. Tuy nhiên, cha mẹ không thể rời nương rẫy để đi cùng em, vì nhà Tuyết nghèo, lại còn hai em bé phải chăm sóc. Trong hoàn cảnh đó, chỉ còn duy nhất chị Tin, cô chị cả 15 tuổi của Tuyết, cũng là người duy nhất trong nhà biết cái chữ có thể cùng đồng hành cùng em. Dù còn đang dang dở việc học hành, nhưng chị Tin vì thương Tuyết nên chọn gác lại việc của mình để xuống xuôi chữa bệnh cùng em gái.

Hai chị em khăn gói xuống bệnh viện Trung ương Huế năm 2014. Kể từ ấy, nơi đây trở thành mái nhà thứ hai của hai chị em người dân tộc Cơ Tu. Không có cha mẹ bên cạnh, hai cô bé chỉ còn biết dựa vào nhau để đi qua những ngày khó khăn này.

Chị Tin chăm cho Tuyết từng bữa ăn.

Tin khi ấy mới 15 tuổi nhưng đã giống một người lớn thực thụ. Cô bé hiểu em gái mình đang phải trải qua những đau đớn và khó khăn như thế nào. Vậy nên, Tin đã dùng hết tình thương của một người chị để chăm sóc cho bé Tuyết. Tin lo cho em từng miếng cơm, giấc ngủ, rồi đến công việc tắm gội, giặt giũ.

Em còn xoa lưng, kể chuyện để em gái bớt phần đau đớn.

Nhiều khi cơn đau đến, nhìn khuôn mặt mếu máo vì đau, nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên má Tuyết, chị Tin lại ân cần ngồi bên, xoa lưng và kể chuyện cho em nghe, mong làm dịu bớt phần nào nỗi đau và nỗi sợ mà bé Tuyết đang mang.

Nhất là những lúc bác sỹ lấy ven, hay phải tiêm, có chị Tin ở bên, bé Tuyết có thêm phần dũng cảm.

Có chị ở bên, nên những lần phải tiêm thuốc hay lấy ven cũng bớt đáng sợ đi rất nhiều. Nhìn thấy khuôn mặt thân thương rất mạnh mẽ và kiên định, lại được chị nắm tay rồi nói những lời động viên, bé Tuyết có thêm sức mạnh để vượt qua.

Tháng nào cũng vậy, chị Tin sẽ một lần dẫn bé Tuyết lên sân thượng để cắt tóc cho em. Những lần ấy, có lẽ vì tủi thân, hay cũng vì nhớ ba mẹ mà cả hai cùng khóc. Trong suốt ba năm, hai chị em liên lạc với gia đình phần nhiều bằng điện thoại. Những khi nhớ nhà quá, các em lại xin bác sĩ cho xuất viện hai ngày rồi bắt xe về, đúng hẹn lại trở xuống. Cứ như thế, hai chị em lặng lẽ đưa nhau đi về giữa hai ngôi nhà thân thương.

Những phút yếu lòng.

Tin và Tuyết vẫn còn là những cô bé đang ở tuổi hồn nhiên và thơ ngây nhất. Khi những cơn đau tạm rời đi, hai cô bé lại trở về với sự trong trẻo của mình.

Những khi niềm vui trở lại.

Khi nhìn hai đứa trẻ chơi đùa bình yên trong công viên, vẻ mặt vui tươi như đã quên hết những đau đớn và buồn tủi, rất nhiều người biết chuyện đã rơi nước mắt. Nhưng đó không chỉ là những giọt nước mắt của buồn đau, mà còn là những giọt nước mắt dành cho cách mà hai cô bé cùng nhau vượt qua những thử thách rất lớn mà cuôc đời mang đến.

Trò chơi quen thuộc của hai chị em nơi bệnh viện.

Trong bệnh viên không có nhiều trò chơi, hoạt động hàng ngày của hai em cũng xoay quanh chuyện tiêm, chuyện thuốc, nên trò chơi những lúc rảnh rỗi của cả hai cũng là lấy ven, lấy máu. Chơi với em, chị Tin cũng tâm lý lắm. Mỗi lần như thế, Tuyết thường được đóng vai y tá, và chị Tin là bệnh nhân. Để rồi, khi “y tá” lấy ven, “bệnh nhân” cũng mếu máo vì đau. Trò chơi ấy, bằng một cách nào đó sẽ giúp bé Tuyết biết, chị Tin vẫn ở đây và luôn thấu hiểu nỗi đau mà em đang trải qua.

Chăm sóc em nhưng Tin vẫn dành thời gian cho việc học của mình.

Các bác sĩ của bệnh viên Trung ương Huế là những người hiểu rõ nhất hoàn cảnh của hai chị em. Vì thế, một trong số những thầy thuốc ở đây đã xin cho chị Tin tiếp tục đi học ở trung tâm giáo dục thường xuyên của thành phố. Hằng đêm, khi đã lo xong việc cho bé Tuyết, chị Tin lại lấy sách vở ra học bài. Ba năm ở viện chăm em, Tin cũng kịp hoàn thành chương trình học phổ thông của mình.

Điều kỳ diệu đã xuất hiện vào mùa xuân năm 2017, bé Tuyết sau quá trình điều trị đã được xuất viện để về nhà. Hai cô bé sẽ được nói lời chào tạm biệt với căn phòng đã gắn bó với các em ba năm, và những y bác sĩ đã chăm sóc và bảo bọc hai chị em. Vừa mừng, vừa lo, bởi giờ đây nếu trở về với núi đồi A Lưới, hai chị em, nhất là chị Tin lại một lần nữa lỡ dở chuyện học hành. Khi ấy, Tin đã trở thành cô sinh viên năm nhất ngành điều dưỡng trường Cao đẳng Y tế Huế.

Sau 3 năm ròng cùng nhau chiến đấu kiên cường, nụ cười tươi rói đã trở về trên khuôn mặt hai chị em.

Đúng như ông bà xưa luôn dạy, ở hiền sẽ gặp lành. Khi hai cô bé đứng trước quyết định khó khăn, bác sỹ Hoa, người trực tiếp điều trị cho bé Tuyết xuất hiện như một bà Tiên. Cô giúp hai chị em có chỗ ở và cho bé Tuyết đi học cấp tốc trong suốt mùa hè để kịp vào lớp một. Vậy là tháng chín vừa qua, hai chị em đều đã được đến trường, được trở về với cuộc sống bình thường như những người bạn cùng trang lứa. Những nỗi đau, những lo lắng cũng bớt đi rất nhiều.

“Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”

Hai câu ca dao quen thuộc ấy có đang ngân lên trong tâm hồn bạn khi ngắm nhìn bức ảnh của hai cô gái nhỏ, với gương mặt tươi rói, đầy sức sống? Cuộc sống này vẫn là như thế, luôn có những khó khăn, đắng cay và đau khổ. Nhưng đó không phải là tất cả những gì Tạo hóa ban tặng cho con người. Ngài còn ban cho chúng ta một phương cách để cùng nhau vượt lên mọi đau khổ ấy – đó là một trái tim vị tha.

Nguồn ảnh: Tuổi trẻ 

Hải Lam