Đoạn phim ghi lại cảnh một thanh niên bất ngờ ngồi sụp xuống, khóc nức nở sau khi bốc được chiếc thẻ đỏ trong đợt tuyển quân đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân Thái Lan.

Chàng trai xuất hiện trong đoạn video là Sakrit Srisoonthor, 23 tuổi, đang sống tại Băng kok. Tuy nhiên, điều khiến cộng đồng chú ý đến đoạn video không phải ở hành động “khóc nức nở” của anh mà là lý do đằng sau đó. Ở Thái Lan, bốc được thẻ đỏ trong đợt tuyển quân có nghĩa là sẽ phải nhập ngũ. Trong đoạn phim, Sakrit Srisoonthorn liên tục than vãn với những người lính ở điểm tuyển quân là anh khóc vì lo lắng cho người bà ốm yếu đã 75 tuổi của mình sẽ không có ai chăm sóc nếu anh phải vào quân ngũ.

Đoạn băng được một người lính đưa lên mạng Facebook đã lan truyền nhanh chóng với gần 4 triệu lượt người xem. Theo lời người lính đưa đoạn băng lên mạng, anh Saksit đã vừa khóc vừa nói: “Sao lại là tôi cơ chứ? Sao không phải là ai đó chẳng có gì phải lo lắng?”. “Bố mẹ tôi rời bỏ tôi khi tôi còn nhỏ. Bà là người đã nuôi nấng tôi nên người. Nếu tôi đi, thì ai là người sẽ chăm sóc bà tôi? Bà mới vừa ra viện. Bà van nài tôi đừng rời bỏ bà. Bà không còn ai ngoài tôi” – anh Sakrit nức nở.

Hàng năm vào tháng Tư, nam thanh niên Thái bước sang tuổi 21 phải bốc thăm hoặc tình nguyện phục vụ một thời gian ngắn trong quân đội. Thời gian phục vụ phụ thuộc vào trình độ giáo dục của họ.

Là lao động chính trong gia đình, Sakrit đã hoãn bốc thăm đi nghĩa vụ hai năm và lần này khó có thể trì hoãn thêm nữa. Anh có bằng cao đẳng kỹ thuật, vì thế anh sẽ phải đi nghĩa vụ trong hai năm, bắt đầu từ tháng Mười một này.

Sau khi thông tin về Sakrit được chia sẻ trên mạng, đại diện quân đội và các phóng viên đã tới thăm nhà Sakrit ở Băng Cốc. Chàng thanh niên bộc bạch với các quan chức về hành động bất ngờ của mình: “Lúc đó tôi chỉ nghĩ bà tôi sẽ sống thế nào đây? Gia đình tôi sẽ sống ra sao nếu tôi phải đi xa? Đó là suy nghĩ duy nhất bật lên trong đầu tôi lúc đấy”.

Các quan chức cam đoan rằng quân đội sẽ quan tâm tới tình cảnh gia đình anh và sẽ sẵn sàng giúp đỡ để anh yên tâm nhập ngũ.
Bà anh, bà Somsong Chammanwech, chia sẻ với các phóng viên: “Nó (Sakrit) là một đứa trẻ ngoan. Nó làm việc luôn chân luôn tay và sẵn sàng làm mọi việc để chăm lo cho gia đình”.

Bà rưng rưng nước mắt nói: “Tôi sẽ ổn thôi. Cũng không quá lâu… chỉ 1 -2 năm thôi. Không phải là nó bỏ tôi đi vĩnh viễn. Tôi nói với nó hãy đi làm nghĩa vụ, phục vụ đất nước cho thật tốt để nhanh chóng được trở về nhà với bà. Tôi sẽ làm mọi việc và tự chăm sóc bản thân mình tốt thôi”.

Sakrit cho biết anh sẽ chấp hành lệnh đi nghĩa vụ quân sự. Các sĩ quan thông báo là anh sẽ có lương và có thể gửi về giúp đỡ gia đình. Người phát ngôn của quân đội, Đại tá Winthai Suvaree nói trong một tuyên bố trên mạng rằng mỗi người lính được các chỉ huy của họ quan tâm chăm sóc mọi mặt. “Quân đội coi các binh sĩ như những người cùng một gia đình, vì thế gia đình của họ cũng là gia đình của chúng tôi”. Tuyên bố còn khẳng định, Sakrit có thể được phép ra quân để chăm sóc gia đình nếu cần thiết.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

“Trăm nết thiện chữ Hiếu đứng đầu”, từ xưa đến này, Hiếu luôn là một tiêu chuẩn không thể thiếu để làm người. Dù là bậc đế vương đứng đầu thiên hạ hay một người dân nghèo khổ sống nơi làng quê thì hiếu thảo với cha mẹ, với những người đã có công sinh thành dưỡng dục mình là điều cần phải coi trọng và khắc ghi.

Hành động xuất phát từ tấm lòng hiếu thảo của Sakirt với người bà đã tần tảo nuôi mình sớm hôm không chỉ làm lay động lòng người, mà còn nhắc nhở chúng ta về lối sống và tiêu chuẩn đạo đức chân chính của con người. Quả thực thì “Đạo làm con không tròn chữ Hiếu, sống trên đời còn ý nghĩa gì đâu”!

Ảnh: Coconuts.co

Liễu Nguyện – Vy Huy