Với sự gia tăng của những căn bệnh thuộc về tinh thần: trầm cảm, rối lọan lưỡng cực, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần được quan tâm hơn rất nhiều. Vậy làm thế nào để có được cả thân và tâm khỏe mạnh? Hãy cùng khám phá tác dụng chăm sóc sức khỏe tinh thần của một công việc mà chúng ta cho rằng không dành cho tất cả mọi người: Viết. 

Viết là hoạt động không dành cho tất cả mọi người?

Rất nhiều gười cho rằng viết là hoạt động chỉ dành cho học sinh hay những người làm công việc chuyên môn như nhà văn, nhà báo, các diễn giả. Với nhiều người, viết lách được liệt kê vào danh sách “những tài năng thiên phú” tương tự như khả năng về hội họa hay âm nhạc.

Viết là một hoạt động quen thuộc có thể mang đến hạnh phúc cho bạn, nếu bạn duy trì nó đều đặn mỗi ngày (Ảnh: Pinterest) 

Việc viết lách với số đông dường như chỉ nằm trong một khoảng gò bó, chật chội và có đôi phần khô khan: viết email, báo cáo, hay thư giãn hơn đó là viết những dòng trạng thái ngắn trên Facebook. Nhưng hãy cùng ngược dòng thời gian, trở về thế kỷ trước ta sẽ thấy, viết không phải là một hoạt động gì xa lạ.

Khi phương tiện thông tin liên lạc chưa phát triển, người ta vẫn trân quý gửi trao nhau những bức thư tay. Hằng đêm, trước mỗi giờ đi ngủ, người ta cũng thường tâm sự với cuốn nhật ký của mình những việc để lại dấu ấn trong ngày. Những người có tâm hồn yêu văn thơ còn làm hẳn những cuốn sổ tay, chép ra những trích dẫn tâm đắc, hay những vần thơ của lòng để rồi khoe nhau những lúc có cơ hội gặp gỡ. Khi đọc sách, người đọc thế kỷ trước cũng có thói quen ghi lại cảm nhận của mình, dù ít dù nhiều. Vậy, viết lách chắc chắn không phải chỉ là hoạt động dành cho thiểu số. Ít nhất đã có thời kỳ như thế. 

Nếu bạn đã từng có thời gian viết nhật ký, viết blog hay làm sổ tay văn học chắc hẳn sẽ có cảm nhận: Khi càng viết, tâm hồn bạn càng nhẹ nhàng, khi càng viết tấm lòng bạn càng thoáng đãng. Vậy tại sao chúng ta không quay trở lại với thói quen đẹp đã nuôi dưỡng tâm hồn của biết bao thế hệ?

Viết gì và viết như thế nào?

Với nhiều bạn trẻ, hoặc những người bận bịu, viết lách là một điều xa xỉ. Bên cạnh đó quan niệm “biết viết gì”, “viết khó lắm” đang níu chân rất nhiều người. Nếu vang lên trong đầu bạn những “bao biện” này, xin hãy gạt chúng đi. Hiện nay, viết đã trở thành một “miền đất giàu có” mà rất nhiều người yêu viết đang chung tay xây dựng.

Bạn chỉ cần có mong muốn và một chút thời gian mỗi ngày dành cho hoạt động này, bạn sẽ thấy viết là một “nhiệm vụ khả thi” có thể mang lại hạnh phúc cho đời sống tinh thần của chính mình. 

Hiện tại có rất nhiều loại hình viết nhật ký bạn có thể áp dụng (Ảnh: Pinterest)

Chúng tôi xin giới thiệu cụ thể hơn các loại hình “viết” được bạn bè thế giới cũng như những người yêu viết đang hàng ngày thực hành, trong một bài viết khác. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin điểm ra tên gọi của các loại hình ấy:

  • Viết nhật ký 5 phút (5 minutes journal),
  • Viết nhật ký tự do buổi sáng (morning page),
  • Viết nhật ký những điều bạn biết ơn,
  • Viết nhật ký,
  • Viết để duy trì một blog cá nhân.

Vậy đâu là những lợi ích mà bạn nhận được từ việc “viết đều đặn hàng ngày”?

1. Viết nhật ký là một cách giúp bạn thanh lọc tâm trí

Trút ra những ý nghĩ tiêu cực lên trang giấy là cách để thanh lọc tâm trí bằng viết nhật ký mỗi ngày (Ảnh: Pinterest)

Trong một ngày bình thường, khi làm việc, giải trí, bạn đã thu nhận vào tâm trí mình rất nhiều những thông tin tiêu cực từ internet. Thông tin xấu sẽ dễ dàng kích thích những nét tâm lý tiêu cực trong bạn: sợ hãi, lo lắng, ghen tị hay tranh đấu. Những điều này chính là thuốc độc cho tâm hồn. 

Vậy viết nhật ký là cơ hội để bạn đặt lên giấy hoặc vào màn hình máy tính tất cả những suy nghĩ dù chúng là gì đi nữa (bất bình, nghi ngờ, tưởng tượng,…). Khi viết ra tất cả mà không giấu diếm hay phê phán bản thân, bạn sẽ cảm nhận được cảm giác thanh thản mà công việc này mang đến. 

Viết ra mọi suy nghĩ giúp bạn xóa bỏ ra khỏi tâm trí hầu hết cảm giác nặng nề, lo lắng. Một cách hình ảnh, những suy nghĩ có thể được ví với những chiếc máy bay. Mỗi ngày chúng cứ bay quanh trong đầu bạn và tạo ra những tiếng ồn mệt mỏi. Viết ra giúp bạn đáp những chiếc máy bay này xuống. Bởi mỗi lần viết ra, bạn đang nói với chính mình “tôi biết có vấn đề này tồn tại”, vậy hãy để nó xuống, tôi sẽ giải quyết từng vấn đề một. 

2. Viết giúp bạn “quay ngược thời gian”

Viết để mang ký ức quay về (Ảnh: Pinterest)

Bạn có thể bất ngờ khi biết rằng, việc viết nhật ký (viết những điều riêng tư) có thể giúp bạn lấy lại những kỷ niệm tưởng như đã mãi lãng quên. Chỉ cần bạn đặt bút viết một cụm từ nào đó liên quan đến điều bạn nhớ, một cách tự động chúng sẽ kích hoạt những phần khác trong trí nhớ của bạn. Và bạn có thể tái hiện lại những điều đã qua một cách dễ dàng. 

Có nhiều kỷ niệm trong số đó không tươi đẹp. Nhưng khi đọc lại những thất bại hay kỷ niệm buồn trên mặt giấy, bạn có thể nhìn nhận chúng từ một góc độ mới, khách quan hơn. Từ đó, bạn cũng sẽ bình tĩnh hơn để xem xét rằng mình học được những bài học ý nghĩa nào từ trải nghiệm không mấy dễ chịu này. 

Ngược lại, những kỷ niệm vui cũng sẽ theo về. Chắc chắn chúng sẽ khiến bạn mỉm cười, xoa dịu tâm hồn bạn và giúp bạn tô đậm những nối kết tích cực thêm một lần nữa. 

3. Viết để lưu trữ các ý tưởng

Bạn đã có cho mình một kho ý tưởng gói gọn trong một cuốn sổ? (Ảnh: Pinterest)

Thông thường khi một ý tưởng sáng tạo nào đó nảy ra từ khoảng hư không trong tâm trí bạn, bạn có thói quen ghi nhớ chúng. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ này, lượng thông tin nạp vào quá lớn, khiến bạn dễ dàng quên một lượng lớn tương tự các thông tin. Và thật không may mắn, chúng ta đã rất nhiều lần mất đi ý tưởng tuyệt vời theo cách thức như thế này. 

Viết ra bất cứ ý tưởng nào vừa đến trong đầu là một giải pháp hay. Nó không chỉ giúp bạn tạo lập “kho ý tưởng”. Hơn thế, viết một ý nghĩ thành câu văn hoàn chỉnh sẽ giúp bạn kết nối ý tưởng mới với những ý tưởng trước đó. Thêm vào đó, viết ra cũng giúp bạn phát triển ý tưởng này một cách dễ dàng hơn. 

4. Viết giúp bạn phân tích tình huống tốt hơn

Viết giúp tâm trí bạn trở về trạng thái tĩnh tại (Ảnh: Pinterest)

Khi viết nhật ký, hay thậm chí là viết tiểu thuyết, bạn sẽ có đủ không gian và thời gian để phân tích một vấn đề, hay một tình huống nào đó đang diễn ra trong cuộc sống. Viết, đặc biệt là viết tay sẽ giúp bạn tách mình ra khỏi môi trường xung quanh, đạt được trạng thái tĩnh tại trong tâm để nhìn nhận một sự việc dưới nhiều góc độ. 

Ở điểm này, việc xây dựng một trang blog cá nhân sẽ phát huy tác dụng. Khi bạn biết, bài viết của mình sẽ có độc giả, bạn sẽ dành nhiều thời gian hơn để chiêm nghiệm và phân tích vấn đề. 

5. Viết thường xuyên giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp của bạn

Bạn sẽ viết và nói trôi chảy, lịch thiệp hơn nếu luyện tập nó đều đặn hàng ngày (Ảnh: Pinterest)

Khi viết, đặc biệt là khi xây dựng một trang blog cá nhân, để thể hiện sự tôn trọng với người đọc, bạn có xu hướng cân nhắc đến cách dùng từ của mình. Sự lựa chọn kỹ càng từ ngữ sẽ giúp những thông điệp bạn muốn truyền tải trở nên rõ ràng, súc tích và thanh lịch hơn khi nói. 

Tuy nhiên, khi bạn giữ thói quen viết đủ lâu, có đủ sự rèn luyện trong việc viết lách, những cụm từ hay, những cách diễn đạt cô đọng nhưng đủ ý sẽ tự nhiên đi vào cách nói của bạn. Từ đó, bạn cũng dần biết cách sắp xếp, tổ chức những điều mình muốn nói; đồng thời tìm ra cách riêng của mình để truyền tải thông điệp một cách lịch thiệp hơn. 

6. Viết giúp bạn có cảm giác “hoàn thành một việc gì đó” 

Sau khi hoàn thành những trang nhật ký mỗi ngày, bạn sẽ thấy mình tích lũy được rất nhiều cảm giác “tin tưởng vào bản thân mình” (Ảnh: Pinterest)

Bạn có nhớ cảm giác thoải mái, tự tin với khả năng của mình khi hoàn thành trọn vẹn một công việc? Việc duy trì viết hằng ngày cũng có thể mang lại cho bạn những cảm giác tích cực tương tự. “Tích tiểu thành đại”, nếu bạn có thể duy trì đều đặn công việc viết của mình mỗi ngày, bạn có thể tích lũy một lượng lớn những cảm giác tích cực về bản thân này. Nói cách khác, duy trì thành công thói quen viết mỗi ngày sẽ giúp bạn xây dựng sự tự tin lớn cho bản thân. 

7. Viết là một cách rèn luyện tâm trí

Viết nhật ký là một hình thức rèn luyện cho trí nhớ rất hiệu quả (Ảnh: thurstonchamber)

Trên phương diện tâm lý học, viết là một hoạt động đòi hỏi sự kết hợp của nhiều quá trình nhận thức ở cấp độ cao (ví dụ: khả năng ghi nhớ, phân tích và giải quyết vấn đề). Điều này khiến cho việc “viết đều đặn” hàng ngày trở thành “bài tập thể dục” cho não bộ của bạn. Nó góp phần lớn vào việc ngăn chặn sự phát triển của những căn bệnh về thần kinh như: Alzheimer hay Parkinson.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

 Hy Văn