Công Cha cao sánh núi non
Nghĩa Cha dưỡng dục mãi còn không phai
Hôm nay lại đến ngày mai
Tình Cha ấm áp theo hoài với con

Những vần thơ trên của nhà thơ Hoàng Thanh cũng để nói lên rằng, trong cuộc đời này công ơn dưỡng dục của mẹ cha thật quá to lớn. Cha mẹ là người duy nhất có thể hy sinh cho con cái vô điều kiện, dù cho có phải lóc da, lóc thịt hay xẻ tận tâm can, chịu biết bao thống khổ trên thân hình. Đó cũng chính là hình ảnh của ông Quảng Trọng Công trọ tại chợ Chánh Lưu, phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Vợ chồng ông Công, bà Liên vẫn chưa quên được cái ngày tai họa giáng xuống người con trai. Khi anh Trọng chạy xe đi mua xăng để sửa chiếc xe tải chở hàng bị trục trặc thì bất ngờ bình xăng phụt cháy, biến anh thành ngọn đuốc sống.

Hai vợ chồng già nghe tin như chết lặng. Lao vào viện, nghe bác sĩ bảo cơ hội sống của con rất khó, hai ông bà nhìn nhau rồi thầm khấn, mong phép màu đến với con trai. Chỉ cần có thể cứu con, có ra sao ông bà cũng chấp nhận.

Sau gần một tháng điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng của anh Trọng càng ngày càng nặng; phần da bị mất quá nhiều, cần phải có phần da người khác đắp lên làm vật liệu che phủ. Lập tức, ông Công đề nghị bác sĩ lấy da mình để cứu con.

Ông ngậm ngùi, nước mắt lăn dài chia sẻ trên báo Thanh niên: “Lúc đó không có nghĩ gì nhiều, thấy con cháy hết da, phận làm cha thì mình cho con, cầu cho con được sống. Khi vào gây mê, BS làm gì mình đâu có biết, tỉnh rồi thì thấy hơi rát rát chứ không đau nhiều nhưng đến 2-3 ngày sau thì nó đau dữ lắm, đi hết nổi, hành nóng sốt” – ông Công nhớ lại lần đầu lóc da hai bắp chân.

Nhờ cha là ông Quản Trọng Công hai lần lóc da vá vết thương, anh Trọng (ảnh nhỏ góc phải) đã vượt qua cửa tử và dần hồi phục (ảnh chụp màn hình từ báo Thanh Niên).

Những tưởng lần đầu lóc da đau đớn ông Công sẽ suy nghĩ lại nhưng hai tuần sau ông tiếp tục chấp nhận lóc phần da hai đùi, tiếp tục cùng con chiến đấu với tử thần. “BS nói tôi phải lóc bao nhiêu da tôi cũng chịu, da mất đi rồi cũng lành lại nhưng mạng sống của con chỉ có một thôi”

Đồng hành với hai cha con ông Công ở BV là bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông Công. Bà Liên xót xa nhớ lại: “Lúc nhập viện, BS nói có da mới cứu được con mà cũng chưa hẳn chắc chắn. Tôi mới nói cha nó, ông ấy đồng ý ngay và nói mình vì con, hy sinh cho con, giá nào cũng phải cứu con dù phải chịu đau đớn”.

Công việc thường ngày của vợ chồng ông Công là thu gom rác. Những ngày ở BV, ông đành nhờ bạn và con gái phụ giúp, chấp nhận mất thu nhập để ưu tiên lo cho con.

TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa phỏng – tạo hình BV Chợ Rẫy, cho biết thời gian gần đây khoa tiếp nhận nhiều trường hợp bỏng nặng được cứu sống nhờ sự hy sinh một phần thân thể của người nhà. Theo BS Hiệp, ngoài hồi sức, nâng đỡ tổng trạng, cắt lọc hoại tử cho bệnh nhân thì vấn đề nan giải nhất là che phủ vùng da bị mất do bỏng.

Thực hiện nhiều ca lóc da cứu người thân nhưng đối với BS Hiệp có lẽ trường hợp cha con ông Công là đặc biệt hơn cả vì người cha đã lớn tuổi nhưng vẫn hai lần quyết tâm lóc da cứu con. Theo BS Hiệp, anh T. bị bỏng xăng đến 87%, bỏng sâu 63%, với tổn thương như vậy không chỉ Việt Nam mà trên thế giới cũng rất khó cứu chữa.

Với anh Trọng, giờ đây mỗi lần nói chuyện hay thấy hình cha là anh lại khóc. Anh tâm sự rằng bản thân mình bị phỏng nên hiểu rõ cảm giác rát, nhức và đau đớn ra sao nên khi biết cha hai lần lóc da cứu mình thì thấy xót không chịu nổi.

Anh chia sẻ: “Tôi biết cha lúc nào cũng thương nhưng không nói ngoài miệng, lần này lóc da đau đớn cũng không than tiếng nào. Giờ tôi nhớ cha, thương cha dữ lắm, không biết làm sao trả hết ơn cha dành cho mình. Cha là động lực để tôi cố gắng mau hồi phục, một phần để cha đỡ lo, một phần lấy lại sức khỏe để sau này có thể chăm lo cho cha mẹ khi về già”, nói đến đây anh chợt rưng rưng.

Có lẽ nghe được những lời này của con trai, hẳn ông Công cũng không giấu được niềm sướng vui cảm động. Dẫu biết cuộc sống còn khó khăn, khi gia đình ông chỉ mưu sinh nhờ lao động chân tay (ông hàng ngày thu gom rác tại chợ Chánh Lưu, bà làm giúp việc); giờ mất sức khỏe, hẳn là kinh tế ảnh hưởng. Nhưng với gia đình ông, còn cha mẹ – còn con là còn tất cả; còn tấm lòng – còn sự hy sinh cho nhau thì vẫn còn là người may mắn giữa cuộc đời.

Video xem thêm: Phóng sự điều tra của BBC về vấn nạn mổ cướp tạng ở Trung Quốc.

videoinfo__video3.dkn.tv||d25f29941__

Ad will display in 09 seconds