Nếu ai đã từng theo dõi câu chuyện xúc động về cậu bé Mahendra Ahirwar ở Madhya Pradesh, Ấn Độ, được một phụ nữ hoàn toàn xa lạ vận động tài trợ phẫu thuật can thiệp làm thẳng cổ khiến cậu đã có thể nhìn ngắm thế giới theo cách của một người bình thường, hẳn sẽ rất quan tâm đến thông tin trong bài viết này.

Có những căn bệnh kỳ quái hiếm gặp mà y học, dù được coi là đã có những bước tiến đáng kể, cũng buộc phải bó tay. Một trong số đó là bệnh rối loạn cơ bẩm sinh. Theo ước tính của giới chuyên môn, cứ 100.000 ca sinh hàng năm trên thế giới, sẽ có 6 trẻ bị căn bệnh quái ác này.

Mahendra Ahirwar ở Madhya Pradesh, Ấn Độ, là một cậu bé kém may mắn, sinh ra đã mang trong mình căn bệnh kỳ quặc. Khi em mới sinh, gia đình không phát hiện ra, nhưng càng lớn xương cổ của em càng yếu dần và đến khi bị ngoẹo hẳn sang một bên, đổ gục ở một góc 180 độ thì em hoàn toàn không thể tự mình làm được việc gì nữa.

Gia đình Mahendra không ngừng tìm thầy kiếm thuốc mong trị bệnh cho con. Cho đến hai năm trước, các bác sĩ họ đã gặp đều tuyên bố bó tay, không có một phương pháp trị liệu hay thuốc nào có thể giúp cơ cổ của cậu bé hồi phục được, thì gia đình họ mới chịu an phận buông xuôi.

Những đau đớn về thể xác tuy nhiều đến đâu cũng không thể so được với nỗi buồn thẳm sâu trong tâm hồn cậu bé, khi càng lớn cậu càng ý thức được sự khác biệt của mình với chúng bạn cùng trang lứa.

“Cháu nhìn thấy những con ngựa, nhưng mà thấy chúng đều lộn ngược”, lời nói ngây thơ của cậu bé chạm đến trái tim của mỗi chúng ta

Nhìn đứa con bé bỏng ngày đêm đau đớn, vật vã trong một hình hài tàn tạ yếu nhược, có cha mẹ nào mà không xót xa! Thậm chí cha mẹ của Mahendra cũng đã từng nghĩ đến việc cho cậu bé một cái chết ân huệ còn hơn là chứng kiến cậu phải chống chọi với kiểu sống đầy chịu đựng và khổ đau như vậy suốt cả cuộc đời.

Tuy nhiên, khi mà gia đình cậu cảm thấy không còn một tia hy vọng, thì phép màu xảy ra…

Một vị bác sỹ phẫu thuật tủy sống, được đào tạo tại Anh, và có kinh nghiệm 15 năm trong nghề, ông Rajagopalan Krishnan, hiện công tác tại bệnh viện Apollo ở thành phố Delhi, khi biết đến câu chuyện của Mahendra đã quyết định làm một điều gì đó cho cậu bé đáng thương này. Bác sĩ Krishnan chia sẻ: “Khi tôi gặp Mahendra lần đầu, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất chính là vì sao cậu có thể giữ tình trạng này suốt 12 năm. Không hề được chẩn đoán huống chi là chữa bệnh. Lúc ấy, tôi chắc chắn rằng mình có thể chữa cho cậu bé, để cậu có thể nhìn thế giới ở góc nhìn thẳng hơn chứ không bị lộn ngược như bây giờ”.

Vậy nhưng, gia cảnh nhà Mahendra không cho phép họ được tiếp cận với phương pháp can thiệp đắt đỏ này. Làm sao bây giờ…?

Chắc hẳn nỗi lòng của người mẹ chăm con tật nguyền đã thấu đến tận trời xanh. Câu chuyện về cậu bé với hình dạng bất thường đã làm xúc động trái tim của hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới. Một cô giáo trung học hoàn toàn xa lạ sống ở Liverpool, sau khi biết chuyện về cháu, thông qua một website đã vận động được 12.000 bảng (tương đương với khoảng 335 triệu đồng Việt Nam) giúp gia đình chi trả viện phí cho Mahendra làm phẫu thuật.

Cô chia sẻ: “Thật đau lòng khi thấy những bức ảnh chụp của Mahendra… Những gì tôi nghĩ lúc ấy chính là con trai tôi và tôi sẽ như thế nào nếu con tôi cũng bị như vậy”.

Vậy là khi Mahendra tròn 13 tuổi, gia đình đã đưa em đến bệnh viện Apollo, Delhi.

Thông tin về trường hợp của em được truyền đi hàng giờ trên mạng xã hội. Ai cũng lo lắng, hồi hộp và rồi đều vỡ òa hạnh phúc khi được chứng kiến nụ cười tỏa sáng trên gương mặt cậu bé sau ca phẫu thuật.

Trước cuộc phẫu thuật, mẹ của Mahendra – chị Sumitra, 36 tuổi, tràn ngập hi vọng: “Tôi sẽ không phải chứng kiến cảnh con mình chịu đựng thêm một chút nào nữa. Nhìn cuộc sống của con bây giờ, tôi đau lòng lắm. Thằng bé không thể tự làm bất cứ chuyện gì. Nó cứ ngồi trong góc phòng cả ngày. Đó không phải là sống. Tôi phải đỡ con như một đứa trẻ dù ở bất cứ nơi đâu. Rồi đây khi con lớn hơn một chút nữa thì làm sao tôi đỡ được nữa? Nếu các bác sĩ không thể chữa trị cho con tôi được nữa thì thôi hãy để ông trời mang nó đi”.

Bác sĩ Krishnan.

Mahendra đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài 10 tiếng đồng hồ, bác sĩ Krishnan đã thực hiện mổ phần trước cổ của Mahendra. Phần trước cột sống của em gần như không được che chắn, bảo vệ bởi lớp da cổ ở đây cực kì mỏng. Bác sĩ Krishnan phải bỏ đĩa đệm ra khỏi cổ và thay vào đó bằng xương lấy từ phần xương chậu của cậu bé, cuối cùng sử dụng nẹp kim loại để giữ thẳng cổ.

Mahendra đã nằm tại bệnh viện Apollo suốt nửa tháng sau cuộc phẫu thuật để đảm bảo rằng cổ của cậu thật sự ổn định. Bảy tháng trôi qua, cổ của Mahendra vẫn thẳng và tương lai của cậu bé dường như đang sáng lên từng ngày.

Ai ai cũng tin tưởng rằng, Mahendra sẽ có một cuộc sống bình thường như bao cậu bé khác: được tung tăng đến trường, tập đọc, tập viết và nô đùa cùng bạn bè.

Bác sĩ Krishnan cho biết ông sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng của Mahendra nhưng ông cho rằng cậu bé đang hồi phục rất tốt. “Thật tuyệt khi thấy cậu bé như ngày hôm nay. Giờ cậu bé có thể giữ thẳng đầu. Kết quả chụp X-quang cũng cho thấy không hề có biến chứng gì sau phẫu thuật”.

Cha của Mahendra – anh Mukesh, 41 tuổi, chia sẻ: “Quả thật là một phép màu! Thằng bé giờ đã rất khỏe mạnh, cổ thẳng trở lại và cuộc đời của con tôi đã khác đi rất nhiều!”.

“Mọi người bắt đầu gần gũi với cháu hơn. Trước đây cháu luôn thấy buồn và cô đơn bởi chẳng ai muốn chơi với cháu cả. Giờ thì khác rồi, cháu rất vui vì ai ai cũng sẵn sàng chơi cùng cháu” Mahendra nói, cậu bé hân hoan với niềm hạnh phúc mới.  

Vậy mà, hạnh phúc vốn chẳng tày gang, ca phẫu thuật tuy đã thành công khi cho Mahendra nhìn được thế giới theo cách của một người bình thường, nhưng lại không thể kéo dài được cuộc sống cho cậu bé xấu số. Tám tháng sau khi được phẫu thuật, Mahendra đã phải vĩnh viễn lìa xa gia đình, bạn bè, người thân và hàng nghìn người không quen biết, nhưng hàng ngày vẫn lo lắng dõi theo sức khỏe của em qua mạng xã hội.

Mẹ Mahendra kể lại, con trai cô vẫn rất ổn vào buổi sáng, nhưng sau khi ăn trưa, vào lúc khoảng 3 giờ, cậu ho 2 tiếng khi đang xem tivi. Chỉ ngay khi tiếng ho thứ 3 vừa dứt, cậu bé liền tắt thở.

“Bác sỹ đến ngay trong khoảng 15 phút sau, thông báo cho gia đình tôi rằng con tôi đã chết. Tôi ôm con khóc ngất dưới nền nhà. Không thể như vậy được, vừa đấy thôi, con tôi còn nói, cười, hạnh phúc. Chỉ một tích tắc… cho đến bây giờ tôi vẫn không thể tin điều này là sự thật,” cô Sumitra, đau đớn nói.

Bác sỹ Krishnan, nhận được tin dữ đã vô cùng bàng hoàng, ông cho biết:

“Tôi chỉ có thể phỏng đoán điều xảy ra có khả năng do nghẽn tắc động mạch phổi và tim thể nặng, và thường sẽ không có dấu hiệu báo trước trong những trường hợp như thế”.

Ông cũng nhấn mạnh trường hợp biến chứng của Mahendra là bất thường sau phẫu thuật loại như vậy.

“Tôi cũng nghĩ rằng chứng rối loạn cơ kèm với thể trạng cơ ngực yếu đã quật ngã cậu bé.

Mahendra là một trong số những đứa trẻ dũng cảm nhất mà tôi từng gặp ​​kể từ khi tôi trở về Ấn Độ. Tôi đã chứng kiến hầu hết những trường hợp dị dạng khủng khiếp và thường không được chăm sóc đúng cách.

Với tôi niềm vui và nụ cười trên gương mặt cháu, khi đầu không còn bị gục sang một bên, là động lực cho tôi tiếp tục thực hiện những ca phẫu thuật cho các em bé bị dị tật cột sống.

Tôi chắc chắn rằng sự ra đi của cháu sẽ làm tất cả những ai quan tâm đến cháu bị hụt hẫng, đau khổ, nụ cười của cháu sáng hơn cả mặt trời sau khi cổ của cháu được thẳng lên.” Vị bác sỹ nói thêm.

Cha của Mahendra, ông Mukesh Ahirwar, 42 tuổi, và vợ ông đã chia sẻ những cảm xúc đau đớn của họ trong lễ tang Mahendra: “Chúng tôi đã có rất nhiều dự định tương lai chuẩn bị cho cháu, những mong cháu sẽ trưởng thành và thành công.

Cháu từng mơ sẽ mở một cửa hàng tạp hóa và chúng tôi sẽ giúp cháu. Giờ thì những giấc mơ ấy đã tan vào hư không…”

Mahendra trân trọng từng món quà được tặng và luôn đặt chúng bên giường mình. Trong số đó, những món đồ chơi ô tô làm cậu bé đặc biệt yêu thích. Không ai có thể ngờ, Mahendra lại đột ngột ra đi như thế.

“Nhà cháu chứa đầy đồ chơi của em. Không ai nghĩ, em có thể ra đi. Em ấy vẫn ổn mà…”. Chị gái Mahendra, cô bé Manisha thổn thức.

“Giờ thì con tôi đã được về bên Chúa. Hi vọng cháu đã tìm được bình an, sau cả một quãng đời chịu quá nhiều đau đớn. Dù giờ này con đang ở phương trời nào, mẹ tin rằng, con sẽ không còn phải chịu đau thêm một giây phút nào nữa”, mẹ em cố nuốt những giọt nước mắt vào trong, chia sẻ.

Mahendra đã từ biệt chúng ta. Niềm hi vọng vừa lóe sáng đã vội vụt tắt với cuộc đời của cậu bé. Nhưng những tình cảm yêu thương mà biết bao người dành cho em vẫn còn mãi. Dù chỉ được tận hưởng một cuộc sống bình thường trong thời gian ngắn ngủi nhưng có lẽ, đối với em, đó đã là tất cả niềm vui sướng. Ở trên kia, nụ cười hạnh phúc, chỉ có sau khi được phẫu thuật của em, đang lấp lánh, thắp sáng những tia hi vọng cho những mảnh đời có cùng cảnh ngộ như em.  

Theo NTD.TV

An Nhiên biên dịch

Xem thêm: