Thế giới trong mắt trẻ thơ vốn rất hoàn hảo và tươi đẹp, nơi ấy không có chỗ cho những muộn phiền, âu lo. Nhưng rồi, theo thời gian chúng ta khôn lớn, những ký ức trong trẻo đó dần mất đi và mãi mãi không thể tìm lại nữa. Vậy nên, người ta mới nói: trái tim ngây thơ, thuần khiết của những đứa trẻ là món quà quý giá nhất của cuộc đời.

Cậu bé lượm ve chai vô tư… xếp dép cho các bạn

Hồi tháng 3 vừa qua, cộng đồng mạng xã hội liên tục chia sẻ, bình luận về đoạn clip ghi lại cảnh cậu bé lượm ve chai xếp dép cho một nhóm cô trò đi dã ngoại tại công viên 30/4 tại Quận 1, TP.HCM do anh Phạm Nghĩa đăng tải trên trang cá nhân.

Cậu bé 4 tuổi, mang trên mình một chiếc áo xám đã nhàu nát, đi đôi dép to quá khổ, đầu đội mũ lưỡi trai đang xếp dép cho cô giáo…

Đó là một cậu bé 4 tuổi, mang trên mình một chiếc áo xám đã nhàu nát, đi đôi dép to quá khổ, đầu đội mũ lưỡi trai của người lớn. Cậu bé ấy đáng lẽ cũng sẽ được đến trường như những người bạn cùng trang lứa, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên hàng ngày em phải theo mẹ đi lượm ve chai kiếm sống khắp mọi nẻo đường, góc phố Sài Gòn.

Cậu bé hồn nhiên múa theo rất thích thú.

Một ngày, khi đang đứng nhìn các bé mầm non khác được nhà trường đưa đi tham quan và thấy cô giáo bỏ dép không đúng vị trí các bạn sắp xếp, cậu bé liền lại gần cầm đôi dép của cô rồi xếp cạnh hàng dép của các bạn. Làm xong, cậu bé không đi ngay mà còn chăm chú đứng nhìn các bạn nhỏ vui chơi, thỉnh thoảng lại hồn nhiên múa theo rất thích thú.

Một đứa trẻ mới 4 tuổi, không được đến trường nhưng đã biết cư xử thật “tinh tế” và biết nghĩ cho mọi người.

Khoảnh khắc đẹp ấy sau khi được lan tỏa trên mạng xã hội đã khiến nhiều người suy ngẫm. Có người cảm thương với cuộc sống thiệt thòi của cậu bé, có người xúc động vì một đứa trẻ mới 4 tuổi, không được đến trường nhưng đã biết cư xử thật “tinh tế” và biết nghĩ cho mọi người.

Phía sau là một câu chuyện buồn

Cậu bé 4 tuổi này có cái tên rất thú vị: Nguyễn Danh Thành Đạt. Chị Phương Linh (26 tuổi – mẹ bé Đạt) kể rằng cái tên do bà cố nuôi đặt cho này là mang theo biết bao nhiêu kỳ vọng của cả nhà. Nhờ trời, Đạt từ bé đã rất ngoan và thông minh, lanh lợi.

Chị Linh chịu đựng trăm ngàn khó nhọc, cay đắng để nuôi con khôn lớn…

Chị Linh tâm sự, chị vốn mồ côi cha mẹ từ bé, được một gia đình ở Quảng Ngãi cưu mang và nuôi nấng. Sau này, chị lập gia đình với bố Đạt nhưng sau đó hai vợ chồng ly hôn bởi anh suốt ngày rượu chè, cờ bạc.

Ngày bố mẹ chia tay, Đạt chỉ mới hơn 1 tháng tuổi. Có những lúc khó khăn và tuyệt vọng không biết bước tiếp như thế nào, người mẹ trẻ đã bế con vào trại trẻ mồ côi với mong muốn vứt bỏ gánh nặng quá khứ để làm lại cuộc đời. Nhưng rồi, chứng kiến gương mặt thơ ngây mà sớm đượm nỗi buồn của những đứa trẻ trong trại mồ côi, chị lại không đành lòng nhẫn tâm để con ở nơi ấy.

Thế là, chị Linh lại bế con về, chịu đựng trăm ngàn khó nhọc, cay đắng để nuôi con khôn lớn. Chị tự nhủ với lòng, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo; dù cơ cực đến đâu cũng không để con phải chịu cảnh mồ côi như những gì mình đã từng phải trải qua. Thế nhưng, quả thực, mưu sinh qua ngày ở thành phố vốn lắm xô bồ, bon chen như Sài Gòn thật không dễ dàng với một bà mẹ đơn thân như chị.

Thích đi học là vậy nhưng cuối cùng Đạt cũng phải nghỉ học vì cuộc sống quá khó khăn

Suốt 6 năm ở Sài Gòn, chị Linh đã trải qua biết bao khổ nạn, thiệt thòi. Lúc đầu, chị làm công nhân trong một khu công nghiệp. Tuy đồng lương ba cọc ba đồng nhưng cố gom góp thì cũng đủ để lo cho con đi nhà trẻ. Nhưng rồi, công ty gặp khó khăn, chị bị mất việc, phải chuyển sang làm thuê theo giờ và nhặt ve chai lấy tiền sống qua ngày, còn bé Đạt thì cũng không được đi học nữa.

Người mẹ trẻ đau xót để lại: Hồi trước, Đạt đi học được cô giáo dạy phải lịch sự, ngăn nắp nên về nhà là làm lại y chang. Quần áo, giày dép của mình, cậu bé đều tự bỏ vào tủ, phân loại, sắp xếp cẩn thận. Hàng ngày, mỗi lúc ăn cơm xong, cu cậu còn tự mang bát đĩa đi rửa mà không cần mẹ nhắc. Có lẽ cũng vì vậy mà khi thấy dép của các bạn để lung tung, cậu bé lượm ve chai mới tới xếp lại cho ngay ngắn.

Thích đi học là vậy nhưng cuối cùng Đạt cũng phải nghỉ học vì cuộc sống quá khó khăn. Khi nghe mẹ nói nhà không còn tiền, phải tạm nghỉ học, cậu bé cứ khóc mãi không thôi. Ước mơ duy nhất lúc ấy của bé Đạt chỉ đơn giản là: con muốn được đến trường, “con muốn có một quyển tập tô và cây viết.”

Được biết, hai mẹ con thuê nhà trọ mãi tận Thủ Đức, sáng sáng bắt xe buýt lên khu vực bưu điện thành phố để nhặt ve chai, chiều lại đi xe buýt về. Sau bữa cơm tối đơn giản, Đạt đi ngủ thì chị Linh lại đi làm thuê đến tận 2h sáng mới về.

Thế rồi phép màu đã xuất hiện, sau khi câu chuyện được chia sẻ, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến và giúp đỡ hai mẹ con. Hiện tại, chị Linh đã được một công ty nhận vào làm và bé Đạt cũng được đi học giống như các bạn cùng trang lứa. Tuy vẫn còn khó khăn, thiếu thốn nhưng sự sẻ chia của cộng đồng đã vơi bớt đi nhiều gánh nặng của người mẹ khắc khổ và đứa con thơ bất hạnh.

Mỗi đứa trẻ cũng là một món quà sinh mệnh

Người ta nói, khi đến với thế gian này, mỗi chúng ta đều mang trong mình sự lương thiện, đó chính là món quà sinh mệnh mà Thượng Đế dành tặng cho nhân loại. Thế nhưng, khi phải sống trong xã hội phức tạp này, vì sự sinh tồn của bản thân mà con người ngày càng trở nên tư lợi và ích kỷ.

Những đứa trẻ không như vậy, những nét ngây thơ, thuần khiết từ trong sâu thẳm chưa bị vùi lấp bởi định kiến xã hội, và niềm vui, hạnh phúc trong thế giới của chúng cũng đơn giản, tự nhiên đến lạ lùng.

Khi ngắm nhìn nụ cười trong trẻo như giọt nước, không hề bị bám bẩn bất cứ thứ gì của những đứa trẻ, chúng ta đều cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm, bình yên vô cùng. Trẻ con thực sự có một khả năng kỳ diệu, đó là luôn sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, luôn tìm thấy niềm vui từ mọi điều của cuộc sống và mang đến nụ cười cho tất cả những người xung quanh.

Cũng giống như câu chuyện kể trên, đối với bé Đạt, sắp xếp lại dép cho cô giáo và các bạn dường như là việc rất đơn giản và tự nhiên. Thế nhưng, chính sự đơn giản đó đã làm lay động biết bao trái tim, khiến cho người ta khao khát muốn tìm lại nét ngây thơ đáng quý đã bị quên lãng từ khi nào.

Linh An

Xem thêm: