Trên thế gian này có một nghề đặc biệt, mỗi ai làm nghề này đều được “ăn cơm dương gian nhưng lại làm việc ở âm phủ”, nghe rất lạ nhưng đây là cách người thợ lò tự gọi công việc của mình.

Kẻ ăn cơm dương gian làm việc âm phủ

Chẳng đúng vậy hay sao khi những nghề khác đều được ngắm ánh Mặt trời mỗi buổi bình minh, còn nghề của những người thợ lò, họ bắt đầu một ngày làm việc của mình ở dưới tận tầng sâu thẳm trong lòng đất. Như cách mà họ vẫn thường nghêu ngao ngân nga lời ca của nhạc sĩ Trần Chung:

Khi chúng tôi vào lò, trăng về khuya chờ đợi.

Khi chúng tôi vào lò, sương dần buông đầu núi…

Khi chúng tôi vào lò, những vì sao mờ dần.

Khi chúng tôi vào lò, ánh bình minh rạng rỡ…

Bữa cơm đoàn tụ của gia đình thợ lò Phùng Văn May. (Ảnh: Minh Cương)

Cũng như câu chuyện về người thợ lò Phùng Văn May, khi vợ con của anh chuẩn bị đi ngủ cũng là lúc anh bắt đầu hành trình công việc của mình. Từ nhà anh May đến mỏ than Hà Lầm mất khoảng 1 tiếng đi xe ô tô và thêm 1 giờ đi bộ tới chợ than, nhưng bước chân lầm lũi vẫn đều đặn mỗi đêm vắng.

Cánh cửa lò mở ra, ngăn cách dương gian và âm phủ. Những người thợ lò bắt đầu một ngày làm việc của mình. (Ảnh dẫn qua Tuoitre)

Tiến sâu vào lòng đất, cứ vài chục mét lại xuất hiện thêm các cửa lò ngách, và đường lò cứ nhỏ dần. Càng vào sâu, đường lò càng nhỏ, nước tí tách trên vòm lò nhỏ xuống. Nền dưới chân ướt nhoẹt, nhão nhoét bùn than. Nhiều chỗ phải đu, trượt vì độ dốc trong lò cao…

Không gian làm việc là khoảng không đen tuyền, ngột ngạt, càng đi vào sâu xuống phía dưới khí oxy giảm và khí độc hại cũng theo đó tăng dần.

Nghề nguy hiểm

Công việc của anh May là tìm vị trí đặt thuốc nổ. Từ ngày nhận việc, anh đã thuộc lòng các quy định của người thợ mỏ, thuốc lá, điện thoại di động là những thứ cấm kỵ mang vào hầm. Anh May phải khoan thăm dò, dùng kinh nghiệm xác định điểm an toàn. Trước khi kích nổ, vòm hầm được chằng chống kỹ lưỡng, công nhân tìm chỗ nấp an toàn.

Anh May chia sẻ: “Chỉ cần một cục than như nắm tay văng trúng khi nổ mìn có thể gãy tay chân như chơi. Nguy hiểm nhất khi lò bị sập, bục túi nước hoặc ngạt khí… không chạy kịp thì mất mạng, còn tai nạn là chuyện bình thường”.

Ngày 31/3/2006, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra tại mỏ than Mông Dương khiến 16 người thợ lò bị mắc kẹt. Sau 3 ngày liên tục tìm kiếm, 12 người thợ lò được cứu thoát, 4 người còn lại đã vĩnh viễn không trở về…

Tiếp đến, vụ sập hầm kinh hoàng ngày 20/8/2015 tại mỏ than Thành Công, thuộc Cty Than Hòn Gai (TP Hạ Long) làm 12 thợ mỏ thương vong và mất tích, sau 3 ngày cứu nạn mới tìm được xác nạn nhân cuối cùng.

Tuy nhiên, sau tất cả những khó khăn và hiểm nguy ấy, những người thợ lò yêu nghề vẫn lạc quan yêu đời, động viên nhau cùng tiếp tục cố gắng bám trụ với nghề và nghiệp.

Anh Nguyễn Hữu Toản, 44 tuổi quê ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng hiện đang công tác tại cửa lò Thanh Niên của Công ty than Thống Nhất đã theo nghề thợ lò được hơn 20 năm. Từng đấy năm đội mũ chui lò, thậm chí đã có lần anh gặp tai nạn bung đường ống áp lực, 2 mắt tưởng mù, nhưng sau hơn một tháng điều trị, anh qua khỏi và tiếp tục chui lò.

Anh Toản chia sẻ: “Khi nằm viện cả tháng, vợ con hầu hạ, cũng nghĩ nếu gặp tai nạn thiệt thân thì vợ con nheo nhóc, đơn côi. Rồi thi thoảng vợ cũng can gián nên bỏ nghề hoặc chọn việc trên mặt đất mà làm. Nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ nghề. 

Mỗi nghề có một cái đam mê. Tôi lại thích đi lò, hết mỗi ca làm việc, trở lại mặt đất là lại thấy tinh thần được vực dậy, có gì đó rất vui thích”.

Anh May cũng là một trong hơn 28.000 thợ lò vẫn bám trụ bởi “bốn miệng ăn đều trông chờ vào đồng lương của tôi, chưa kể khoản nợ ngân hàng 200 triệu đồng xây nhà”.

Anh nhẩm tính mỗi tháng trả góp ngân hàng khoảng 4 triệu đồng, tiền hai con ăn học, sinh hoạt phí tằn tiện cũng 5 triệu đồng nữa nên mức lương 10 triệu không thấm vào đâu. “Hàng tháng, tôi thường xin ứng trước lương thêm 2 triệu”.

“Với lại, nếu ai cũng bỏ nghề thì ngành than làm gì còn công nhân nữa”, anh May hồn nhiên.

Thợ mỏ là một nghề vất vả, nặng nhọc và nhiều hiểm nguy. Bao năm qua, lớp lớp thế hệ người thợ mỏ đã cung cấp hàng trăm triệu tấn than phục vụ vào những công việc khác nhau, đem ánh sáng từ hầm lò tối tăm đến thắp sáng từng ngôi nhà. Bỏ mặc lại những hiểm nguy phía sau, mỗi ngày làm việc của người thợ lò là đoạn khúc ngân nga câu hát:

Khi chúng tôi vào lò, thấy ngày mai gần lại.

Khi chúng tôi vào lò, thấy càng yêu cuộc sống…

Những người thợ lò lạc quan, yêu đời sau ngày làm việc vất vả. (Ảnh: Vinacomin)

Câu chuyện những người thợ lò dưới tầng sâu trong lòng đất, can đảm chấp nhận hiểm nguy, phần gai góc của nghề để sống, để yêu thương, để cống hiến vì người khác đã trở thành đề tài sáng tác vô tận cho những ca khúc bất hủ về những người thợ lò kiên cường, mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần hài hước, yêu đời. 

Gia Viên – Hồng Tâm