Tại những nước thuộc thế giới thứ ba, nơi cái nghèo là những cơn ác mộng triền miên, bệnh tật trở thành nỗi kinh hoàng với những gia đình nghèo khổ. Bayezid Hossain, một bé 5 tuổi ở Bangladesh, khi vừa sinh ra đã mắc một căn bệnh không thể chữa trị. Cuộc sống của em và gia đình không chỉ ngày càng nghèo khổ mà thậm chí sắp tới lúc kiệt quệ.

Bayezid Hossain sống ở vùng ngoại ô thành phố Magura, miền nam Bangladesh. Trong khi những đứa trẻ ở độ tuổi của em mỗi ngày được cắp sách tới trường, chơi đùa vui vẻ thì chú bé “già lão” này lại đang phải vật lộn với những khớp xương đau nhức và sự đau đớn trên thân thể.

Chân dung cậu bé Bayezid Hossain.

Bé mắc chứng lão nhi, một rối loạn gen cực hiếm gặp, gây ra các triệu chứng tương tự như lão hoá ở độ tuổi còn rất nhỏ. Vì thế, mặc dù mới lên 5 tuổi nhưng Bayezid Hossain lại khoác trên mình vẻ già nua của người 80 tuổi. Khuôn mặt của Bayezid bị phình, đôi mắt hõm xuống và da bị chùng.

Không chỉ có diện mạo của một ông lão, bé còn bị đau các khớp, xương dễ gãy, răng bị mẻ và gặp khó khăn trong rất nhiều sinh hoạt khác.

Nhận thức rõ về tình trạng của bản thân mình, Bayezid thường chỉ im lặng, nhưng sự non nớt của một tâm hồn trẻ thơ đôi khi vẫn không thể vượt qua cái khắc nghiệt của số phận và sự cô đơn vì không được mọi người xung quanh đón nhận. Những khi ấy, Bayezid thường oà khóc.

Dù vẻ bề ngoài không bình thường nhưng trái lại Bayezid có một trí óc linh hoạt và rất lanh lợi. Do không hiểu biết về căn bệnh này nên những người dân trong làng không thích tới gần em, lũ trẻ con cũng sợ không dám chơi với Bayezid mặc dù trí thông minh của em ở trên mức trung bình, hơn nữa em còn có tấm lòng thiện lương và rất tốt bụng.

Bayezid có trí óc linh hoạt, lanh lợi và rất tốt bụng.

Năm 2012, Bayezid chào đời và cha mẹ bé đã hoảng sợ khi lần đầu tiên nhìn thấy bé. Tripti Khantun, người mẹ 18 tuổi của em nói rằng con trai cô rất thông minh và cô hết sức ngạc nhiên về tất cả những câu hỏi của bé, nhưng điều làm cô đau đớn là bé quá ốm yếu và hình dáng của Bayezid khiến mọi người xa lánh.

“Đến năm 3 tuổi, Bayezid mới đi được, nhưng con lại mọc đủ răng từ lúc mới 3 tháng tuổi”, mẹ bé nói với tờ Daily Mail.

“Sự phát triển thể chất của con hoàn toàn bất thường, nhưng về mặt tinh thần, con có khả năng tương tác tuyệt diệu, rất có ý thức và có trực giác tốt ở lứa tuổi của con”.

Bayezid vui vẻ bên mẹ.

“Con không giống những đứa trẻ khác, không có làn da mềm mại và hồng hào khi mới được sinh ra. Trông con giống như một ông già. Lần đầu làm mẹ, tôi quá đau đớn khi thấy con mình lại như thế”.

Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân lão nhi thường chết vì bệnh tim hoặc đột quỵ vào khoảng tuổi 13. Bayezid còn bị một dạng rối loạn mô liên kết hiếm gặp, khiến làn da của em lòng thòng, không dính liền vào cơ thể.

“Tôi bàng hoàng khi nhìn thấy con lúc ra đời. Bé chỉ có da và xương. Bé trông như một người ngoài hành tinh và làm trái tim tôi tan nát. Bác sĩ không biết cần làm gì, họ chưa từng nhìn thấy một đứa trẻ như thế. Họ bảo chúng tôi là họ không thể làm được điều gì”, cô Tripti nói.

Lovelu Hossain, người cha 22 tuổi của Bayezid, nói: “Tôi rất tự hào về Bayezid của chúng tôi. Con linh hoạt hơn những đứa trẻ khác ở độ tuổi của con. Bayezid thường chơi với những người anh em họ và con rất thân thiện, vui vẻ”.

“Con là đứa trẻ mạnh mẽ và rất hiểu chuyện. Bayezid rất hay cười và sự lạc quan của con chính là nguồn động viên, an ủi dành cho chúng tôi.”

“Con hiểu tình trạng của mình nhưng dường như không muốn đề cập đến nó. Con là đứa trẻ mạnh mẽ và rất hiểu chuyện. Bayezid rất hay cười và sự lạc quan của con chính là nguồn động viên, an ủi dành cho chúng tôi. Bayezid lẽ ra là người cần được quan tâm và khích lệ nhiều nhất, nhưng con lại hành động hoàn toàn ngược lại, trở thành điểm tựa tinh thần cho mọi người. Chỉ khi nào cảm thấy lúng túng, con mới bật khóc”. 

Tại những nước thuộc thế giới thứ ba, nơi cái nghèo là một nỗi ám ảnh, là những cơn ác mộng triền miên, những căn bệnh hiếm gặp như vậy sẽ trở thành gánh nặng tài chính đối với những gia đình nghèo khổ. Cha mẹ Bayezid đã phải tiêu gần hết số tiền tiết kiệm để chữa trị cho căn bệnh không thể chữa trị được của em.

Cha mẹ Bayezid đã phải tiêu gần hết số tiền tiết kiệm để chữa trị cho căn bệnh không thể chữa trị được của em.

“Giống như những bậc cha mẹ khác, chúng tôi muốn con mình sống lâu và khoẻ mạnh, nhưng hiện nay chúng tôi thấy chỉ có phép màu mới có thể cứu vớt được chúng tôi”, cha của Bayezid nói.

Câu chuyện về cậu bé Bayezid sẽ không chỉ dừng lại ở việc phản ánh hiện thực cuộc sống, luôn có hạnh phúc và khổ đau đồng thời tồn tại. Với bất kỳ ai có cơ duyên biết về Bayezid và nỗi bất hạnh của em, hạt giống thiện lương có lẽ đã vừa nảy mầm trên mảnh đất tâm hồn họ. Hy vọng Bayezid sẽ giúp những ai đang đắm chìm trong những tháng ngày vội vã vì công việc và theo đuổi nhu cầu cá nhân có thể nhìn lại cuộc sống của mình. Bởi khi các điều kiện vật chất “đầu hàng” trước hoàn cảnh, tình thương và sự đồng cảm mới là chiếc chìa khóa vạn năng.

Tuệ Minh

Video xem thêm: Trong cuộc đời, điều gì mới là trân quý nhất?

videoinfo__video3.dkn.tv||4f7ddec95__