Sáng nay, hơn 900.000 thí sinh trên khắp cả nước đã làm bài thi môn Ngữ Văn, môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT Quốc gia 2018. 

Nữ sinh nhiễm chất độc da cam được mẹ bế đến dự thi

Theo báo Thanh niên đưa tin, tại địa điểm thi trường THPT Hạ Long (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), thí sinh Phạm Thị Hoài Thương (23 tuổi), học lớp 12A7, Trường THPT Hạ Long, là nạn nhân chất độc da cam đã được mẹ bế đến phòng thi ở trên tầng 4 để dự thi.

Được biết, Hoài Thương cao chưa tới 1 m và không thể đi lại được, vậy nên em đã được thiết kế một chiếc bàn đặc biệt dành cho mình để làm bài thi. Sáng nay, lãnh đạo Sở giáo dục – đào tạo cũng đã đến đến tận phòng thi và giao nhiệm vụ cho hội đồng thi quan tâm đặc biệt tới thí sinh này. Ngoài ra, Hội đồng thi còn bố trí một số thanh niên tình nguyện để sẵn sàng hỗ trợ mẹ con Hoài Thương trong thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia.

Hoài Thương đã được thiết kế một chiếc bàn đặc biệt dành cho mình để làm bài thi. (Nguồn ảnh: thanhnien)

Bà Phạm Thị Nhiễu, mẹ Thương, cho biết: “Cả đêm qua cháu khó ngủ, sáng nay 5 giờ đã dậy chuẩn bị dụng cụ, ăn sáng và mặc đồng phục để đi thi”. 

Theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo, Phạm Thị Hoài Thương được đặc cách tốt nghiệp, tuy nhiên với ước mơ trở thành kế toán, em vẫn đăng ký dự thi. Em đăng ký vào khoa Kế toán Trường Đại học Hạ Long (Quảng Ninh). “Em sẽ quyết tâm làm bài thi thật tốt để có điểm cao, đền đáp sự chăm sóc của mẹ, quan tâm của thầy cô”, Thương chia sẻ.

Hoài Thương được mẹ bế đến phòng thi ở trên tầng 4 để dự thi. (Nguồn ảnh: thanhnien)

Trao đổi với phóng viên báo Thanh Niên, bà Vũ Thị Liên Oanh, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, bày tỏ: “Tôi rất cảm kích trước tinh thần, thái độ của thí sinh Hoài Thương. 

Nữ sinh teo chân dự thi THPT quốc gia

Đó là thí sinh Phạm Thị Thu Thủy, học sinh tại Trung tâm Giáo dục khuyết tật Võ Thị Sáu. Từ nhỏ Thủy đã ở trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và không biết cha mẹ là ai. Em bị dị tật bẩm sinh, đôi chân em co quắp lại từ đầu gối trở xuống khiến việc đi lại vô cùng khó khăn.

Mặc dù vậy, suốt 12 năm đi học, Thủy đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Trong kỳ thi THPT quốc gia này, Thủy đi thi cùng hai người bạn thân bị khiếm thính. Nữ sinh bộc bạch, vì bản thân là một người khuyết tật, từ nhỏ cũng được chung sống và học tập cùng các bạn có chung cảnh ngộ nên em rất thấu hiểu những bất hạnh và khó khăn mà mình và các bạn phải trải qua. Đó chính là lý do em đăng ký thi vào ngành Giáo dục đặc biệt, trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Thủy bị dị tật bẩm sinh, đôi chân em co quắp lại từ đầu gối trở xuống khiến việc đi lại vô cùng khó khăn. (Nguồn ảnh: dantri)

Dù thỉnh thoảng vẫn bị bạn bè trêu chọc nhưng Thủy cho biết không bao giờ buồn vì chuyện đó mà luôn cố gắng vươn lên. Bí quyết của em là luôn nghĩ về những điều tích cực, luôn cười và tự tin về chính mình.

“Cuộc sống thì luôn có niềm vui, nỗi buồn. Cuộc sống của em thì vui nhiều hơn buồn, mà nỗi buồn lớn nhất của em là hơi lùn một chút so với mấy bạn thôi”, Thủy nói rồi nở nụ cười sảng khoái.

. Bí quyết của em là luôn nghĩ về những điều tích cực, luôn cười và tự tin về chính mình. (Nguồn ảnh: dantri)

Nhìn bóng dáng nhỏ bé lọt thỏm trong nhóm thí sinh đứng chật cứng tại trường THCS Colette (quận 3, TP HCM) nhưng nụ cười vẫn luôn rạng ngời trên khuôn mặt Phạm Thị Thu Thủy, người ta càng cảm thấy khâm phục tinh thần lạc quan và nghị lực sống mạnh mẽ của cô bé. Xin chúc Thủy may mắn và thành công.

Hải Dương