Làm mẹ dường như là nguồn động lực lớn lao và đẹp đẽ nhất để người phụ nữ trở nên nhẫn nại hơn với những sóng gió của cuộc đời. Trở thành mẹ của một đứa trẻ, trở thành người chăm sóc cho một nguồn sống mới là một chương khác của cuộc đời: Khó khăn hơn nhưng cũng hạnh phúc hơn gấp nhiều lần. 

Cuộc sống buồn từ thuở còn thơ

Tuổi thơ của chị Trần Thị Cậy, Sóc Sơn, Hà Nội giống như những thước phim đen trắng, chậm và buồn. Ngày chị được sinh ra trên cõi đời, bà con làng xóm đã kéo nhau sang nhà chị để xem “đứa bé không tay”. Chị Cậy sinh ra với di tật bẩm sinh, chân bị khèo, tay bị cụt. Bố mẹ chị thương con, nên dù người nói ra nói vào cũng vẫn giữ chị lại nuôi nấng, chăm non. 

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Vì những dị tật của mình, chị Cậy từ bé chỉ lủi thủi nơi góc nhà. Chị kể hồi đó, không biết vì bố mẹ xác định nuôi mình cả đời nên không bắt chị làm gì cả; hay vì bận công việc đồng áng nên không có thời gian hướng dẫn chị nhiều điều.

Nhưng chị Cậy từ sớm đã có tính độc lập. Khi bé, mọi việc tắm gội, vệ sinh của chị đều được mẹ giúp đỡ. Nhưng từ khi bước sang tuổi 17, 18, có ý thức hơn về cuộc sống, chị bắt đầu mày mò, tự mình tìm cách làm những công việc nhỏ: giặt giũ, quét sân hay thu dọn bát đũa lúc hết bữa cơm. Không có tay, chị tìm cách làm mọi việc bằng đôi chân của mình. 

Chân dung chị Trần Thị Cậy, người mẹ nhỏ bé nhưng nghị lực (Ảnh: Dân Trí)

Dù đã bắt đầu tìm thấy sự độc lập trong những công việc thường ngày, nhưng cuộc sống của chị Cậy vẫn lững lờ trôi trong cảm giác vô định về tương lai. Màu xám nhạt của sự buồn chán phủ lên cuộc sống của chị. 

Cuộc tình lặng lẽ, không nhiều hy vọng

Đến tuổi lập gia đinh, chị Cậy cũng biết yêu. Chị đem lòng thương một người đàn ông. Nhưng rồi câu chuyện tình của chị cũng không có được một kết thúc tròn đầy. 

Mặc cảm với thân hình của mình, lo lắng việc không thể chu toàn cho cuộc sống gia đình, chị khuyên người cũ lập gia đình, còn chị quay lại với cuộc sống cô đơn trước đây của mình. Có lẽ tình thương mà người đàn ông đó dành cho chị chưa đủ lớn, cuối cùng, họ cũng dứt áo ra đi. 

Cái buồn thương tủi phận lại một lần nữa bao trùm cuộc sống của chị Cậy. Tuy nhiên, cuộc sống lần này không muốn chị tiếp tục một mình, tiếp tục cô đơn. Chị phát hiện ra mình mang bầu. 

Niềm vui bất ngờ lúc buồn đau nhất

Khi hay tin, bố mẹ chị Cậy buồn vui lẫn lộn. Mừng vì con gái họ sẽ không phải một mình. Nhưng lo vì thân thể chị Cậy sẽ khiến việc sinh con, nuôi con của chị vất vả, cực nhọc hơn rất nhiều. Nhiều người cũng trông vào thân hình tật nguyền của chị mà khuyên đừng sinh con. 

Nhưng không ai hiểu hơn chị Cậy cảm giác hạnh phúc khi hay tin chị sắp được làm mẹ. Cuộc đời chị như có được một tia hy vọng. Sinh mệnh nhỏ đang lớn lên trong bụng chị mỗi ngày, giống như một tia sáng mặt trời làm tan đi cái màu xám u buồn đã theo chị suốt 35 năm của cuộc đời. 

Là mẹ của con, cuộc sống của mẹ có thêm nhiều ý nghĩa

Cu Khôi là nguồn sáng mới cho cuộc đời mag màu xám nhàn nhạt của chị Cậy nơi vùng đất Sóc Sơn hiu quạnh (Ảnh: Dân Trí)

Khi mang thai con, nỗi lo lắng lớn nhất của chị Cậy là con chị cũng mang thân hình giống mẹ. Trong cả thai kỳ, chị nhờ các em họ thường xuyên chở đi siêu âm để biết chắc rằng con khỏe mạnh và lành lặn. Chỉ đến khi bé Khôi chào đời, chị Cậy mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Ông Trời đã ban cho chị một món quà quá lớn, một cậu bé lành lặn và xinh đẹp. 

Có con, người mẹ ấy càng có thêm động lực để sống, để cố gắng hoàn thiện mình. Trước đây, chị chỉ lo việc chăm lo cho mình sao cho không phải phiền lụy quá nhiều tới bố mẹ. Nhưng nay, có thêm bé Khôi, chị sẽ có thêm rất nhiều việc để học hỏi và phải tự mình làm. 

Giờ đây, chị có thể làm thành thục mọi chuyện với đôi chân của mình (Ảnh: Yan)

Sinh con xong, chị Cậy cũng ra ở riêng trong ngôi nhà cấp bốn nhỏ mà em gái cho mượn. Thời gian đầu, mẹ chị sang ở cùng để đỡ đần. Từ khi Khôi lớn hơn, hai mẹ con trông cả vào nhau. Việc tắm giặt, nấu nướng cho hai mẹ con dần dần chị Cậy cũng đều thành thục. Với đôi chân, chị Cậy giờ đây đã có thể bón cho con ăn, mặc quần áo cho con như bao bà mẹ lành lăn khác. Chị có tấm thân tật nguyền nhưng trái tim chị vẫn vẹn nguyên sự dịu dàng.

Chị có thể tự tay chăm sóc con trai mình như tất cả những người mẹ lạnh lặn khác (Ảnh: Yan)

Mẹ con mình là hy vọng của nhau

Không nghề nghiệp, khả năng lao động cũng hạn chế, ban đầu chị Cậy không biết mình và con sẽ trông cậy vào đâu để sống. Nhưng rồi, các mạnh thường quân biết hoàn cảnh của chị. Mọi người hùn tiền, mua cho chị một con bò giống. Chị Cậy yêu quý và trân trọng món quà này lắm. Chị yêu quý gọi chú bò là “con của”. Nhiều người thấy chị vừa chăm con, vừa đi chăn bò vất vả lại khuyên: Bán bò đi lấy tiền cho nhàn thân. Nhưng chị Cậy không nghĩ thế: 

“Nhiều người thấy chăn bò vất vả nên xui bán nhưng bán đi rồi nay mai tôi lấy gì trông vào? Hơn nữa, làm như vậy phụ lòng mọi người nên dù thế nào tôi cũng phải chăm ‘con của’ ấy. Thấy tôi vươn lên trong cuộc sống, chắc họ cũng phấn khởi”. 

Với chị, chú bò này chính là niềm hy vọng để bé Khôi được đến trường. Việc cho con đi học là điều mà chị vẫn luôn đau đáu. Chị hiểu để con thoát được cái gia cảnh nghèo nàn, chỉ có duy nhất một con đường, đó là ăn học cho thành người. “Con trở thành một người có ích cho xã hội sau này” là mong ước lớn nhất của người mẹ bé nhỏ này. 

Mẹ con mình là hy vọng của nhau (Ảnh: Dân Trí)

Chị tâm sự, khi Khôi lớn, nếu con ham mê việc học, thì khổ cỡ nào chị cũng gắng sức được cho con được đến trường, được đi học như những bạn bè trang lứa. 

Nay Khôi còn hai năm nữa mới đến tuổi đến trường, nhưng ở nhà, chị Cậy đã dạy cho con tính tự lập. Khôi cùng mẹ rửa bát, úp bát rồi làm những công việc nhỏ trong nhà.

Cu Khôi đã sớm cùng mẹ làm những việc trong nhà (Ảnh: Dân Trí)
Khôi lanh lợi và cũng rất tình cảm (Ảnh: Dân Trí)
Cậu bé chắc chắn sẽ trở thành người tốt, bởi em có một người mẹ dịu dàng nhưng vô cùng mạnh mẽ (Ảnh: Dân Trí)

Từng chút, từng chút một, người mẹ nhỏ bé dùng sự tảo tần, siêng năng của mình để hướng dẫn con. Chắc rằng, bé Khôi sẽ học được rất nhiều khi được sống và lớn lên trong vòng tay yêu thương của chị Cậy, một người phụ nữ hiền thảo nhưng tự lực và kiên cường.

Hai mẹ con có một cuộc sống bình yên, dù vẫn còn đó rất nhiều những khó khăn (Ảnh: Dân Trí)
Tinh thương và nghị lực sống của mẹ sẽ giúp nuôi dưỡng trái tim thiện lương của cậu bé này (Ảnh: Dân Trí)

Chị nói rằng chị chỉ mong Khôi nên người, sau có thể nuôi được mẹ. Khôi chính là hy vọng của chị. Còn cách sống của chị chính là niềm hy vọng để trở thành một con người tốt đẹp của cậu bé kháu khỉnh, nhanh nhẹn nhưng cũng rất tình cảm Minh Khôi.

Hy Văn