Thi hào nổi tiếng của nước Anh thế kỉ 18 Samuel Johnson đã từng đúc kết rằng: “Những thành tựu vĩ đại không được gặt hái bằng sức mạnh mà bằng sự kiên trì”.

Ông Madan Lal (45 tuổi) sống ở bang Haryana, phía Bắc Ấn Độ bị khuyết tật bẩm sinh. Thế nhưng, dù không có hai tay như người bình thường, ông vẫn trở thành một thợ may tài hoa và nổi tiếng trong vùng.

Kể về thời thơ ấu, ông Madan chia sẻ, ở nhà ông được chăm sóc rất tốt. Ông không cảm thấy khiếm khuyết trên thân thể mình là điều gì quá to tát, bởi ông vẫn được ông bà mình giúp đỡ mọi sinh hoạt trong cuộc sống. Thế nhưng, mọi thứ hoàn toàn thay đổi khi ông ra ngoài xã hội.

Madan từng trả lời phỏng vấn của đài Barcroft TV rằng: “Hầu như tất cả trường học đều không cho tôi học vì khuyết tật. Giáo viên từ chối không cho tôi đăng ký học. Tôi rất thất vọng và quyết định chứng minh với họ tôi có thể làm được bằng cách đạt được một vài thành tựu. Gia đình tôi không thể gánh nổi học phí của tôi, và tôi nghĩ mình phải làm gì đó thì mới sống được.”

Vào năm 23 tuổi, ông Madan quyết định trở thành một thợ may – một công việc đầy khó khăn với một người khuyết tật cả hai cánh tay!

Thật khó để tìm được một người chịu nhận ông làm học trò. Bởi mọi người đều cho rằng phải có tay thì mới sử dụng máy may được, nên ai cũng nghĩ Madan chắc chắn không thể thành công. Madan đi khắp nơi tìm gặp các thợ may. Ông cầu xin họ dạy một chút, nhưng tất cả mọi người đều giễu cợt. Hết lần này đến lần khác, Madan đều thất vọng ra về tay không, nhưng ông kiên quyết không bỏ cuộc.

Và ông trời đã không phụ lòng người. Cuối cùng, ông đã tìm thấy một người thợ may ở Fatehabad đồng ý dạy. Ban đầu ông ta cũng rất nghi ngờ, nhưng vì thấy Madan quá quyết tâm nên đành miễn cưỡng đồng ý. Thật không ngờ, chỉ sau 10-15 ngày, người thợ may này đã hoàn toàn thay đổi quan điểm. Ông nói với Madan bằng giọng chắc chắn: “Anh nhất định sẽ thành công.”

videoinfo__video3.dkn.tv||138e75e64__

 

Chưa đầy một năm sau đó, Madan đã trở thành một thợ may lành nghề. Ông bắt đầu mở một tiệm may trong làng. Ban đầu vẫn có nhiều người nghi ngờ kỹ năng của ông. Họ không tin ông có thể dùng chân may quần áo và lo lắng ông sẽ làm hỏng quần áo của họ. Nhưng dần dần, bằng sự cần mẫn và kiên trì, ông đã bắt đầu được mọi người trong làng tin tưởng. Thậm chí sau này còn có rất nhiều người đến tìm ông để đặt may. Tất cả mọi người đều trầm trồ, kinh ngạc với những gì mà người đàn ông không tay này có thể làm được!

Ông Madan xúc động chia sẻ:

Tôi đã hoàn toàn quên đi mọi nỗi đau mình từng trải qua. Đây là những tháng ngày đẹp nhất trong đời tôi. Nhìn thấy mọi người đến tiệm may hỏi thăm tôi. Cả làng đều rất vui mừng, họ giống như gia đình của tôi vậy.

***

Câu chuyện của ông Madan Lal liệu có giúp bạn hiểu hơn về chữ nhẫn, về đức tính mà con người từ hàng nghìn năm nay vẫn luôn dặn dò nhau phải học, phải ghi nhớ?

Còn tôi thì càng thấm thía rằng dù cuộc sống có thể gặp khó khăn, dù bản thân có những khiếm khuyết, dù người khác có giễu cợt, châm chọc, dù tất cả đều cho rằng ta chẳng thể nào thành công… chỉ cần tiếp tục công việc của mình như chưa có điều gì xảy ra, chúng ta chắc chắn sẽ tiến đến mục tiêu cần đạt. Bởi, Trời cao sẽ không bao giờ phụ người có tâm.

Người phương Tây có câu “Hãy hướng về phía ánh sáng, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn”. Thực ra, vận mệnh luôn được giấu kín trong tư tưởng của mỗi con người. Nhưng chúng ta cần phải “nhẫn”, cần kiên trì và quý trọng bản thân, có như vậy, chúng ta mới thấy được lối đi sau những chướng ngại.

(Nguồn ảnh: Barcroft TV)

Thiện Nam