Café là thức uống khó chiều và không phải ai cũng mê. Một tách café ngon không chỉ bởi nguyên liệu, cách pha, mà còn ở tâm thái thưởng thức. Nếu cuộc sống là café, còn công việc, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc, thì mong bạn nhớ rằng: Thưởng thức café, đừng thưởng thức những chiếc cốc.

Chuyên mục ‘Café cuối tuần’ ra mắt với hy vọng sẽ là nơi giãi bày về những vấn đề trong cuộc sống, nơi độc giả có thể tâm bình khí hòa NHÌN và NGẪM về cuộc đời, để sống đơn giản, nói chân thành và yêu rộng lượng… Mong bạn sẽ luôn an nhiên, tự tại để thưởng thức trọn vẹn tách café dành cho riêng mình!

***

Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Charlie Chaplin, mang đến cho chúng ta bài học tuyệt vời về sự phát triển cá nhân, bắt đầu bằng câu: “Ngày tôi thực sự yêu bản thân mình, tôi đã hiểu trong mọi hoàn cảnh, tôi ở đúng vị trí, vào đúng thời điểm. Và, tôi đã có thể thư giãn. Hôm nay tôi biết nó được gọi là …. Sự tự tin”.

Lịch sử cho thấy trong giới nghệ thuật, khoa học và văn hóa vào thời đó chỉ có hai cái tên tỏa sáng, đó là Charlie ChaplinSigmund Freud. Nếu người đầu tiên có khuôn mặt rất đỗi quen thuộc và được ngưỡng mộ nhất, thì người thứ hai có tư tưởng chói sáng nhất.

“Chúng ta không sợ phải đối mặt với nhau … ngay cả các hành tinh cũng va chạm vào nhau và từ hỗn mang đã hình thành các vì sao”.

-Charles Chaplin-

Sự nổi tiếng của hai cá nhân này khiến Hollywood đã dành nhiều năm để thuyết phục cha đẻ của Phân tâm học tham gia vào một hãng sản xuất lớn. Vào năm 1925, giám đốc hãng phim MGM (Metro-Goldwyn-Mayer) Samuel Goldwyn đề nghị Sigmund Freud cho phép chuyển thể các tác phẩm của ông như “Chuyên gia tình yêu lớn nhất thế giới”, và đề nghị cộng tác với ông trong bộ phim mới: “Mark Antony và Cleopatra“.

Goldwyn đã trả cho Freud hơn 100.000 đô la, nhưng ông từ chối. Thái độ ngập ngừng của nhà phân tâm học người Áo đối với loại hình nghệ thuật này  khiến người ta cho rằng ông ghét phim và toàn bộ ngành điện ảnh. Tuy nhiên, vào năm 1931, Sigmund Freud đã viết một bức thư cho một người bạn để kể về sự ngưỡng mộ sâu sắc của ông đối với một người mà ông gọi là “thiên tài”, người đó đang cố gắng chứng tỏ cho thế giới thấy sự trong sáng đáng ngưỡng mộ nhất và đầy cảm hứng nhất của con người. Đó là Charlie Chaplin.

Vua hề Charlot nổi tiếng với hình ảnh bộ ria mép đặc trưng (Ảnh: independent)

Trong thư, Freud phân tích cách thức bề ngoài mà Chaplin thể hiện trong mỗi bộ phim của ông: Một con người nghèo khó, với thời thơ ấu khó khăn, nhưng đã trưởng thành với những giá trị nhân văn nhất. Không quan trọng cuộc sống hàng ngày khó khăn như thế nào, Chaplin luôn là người với trái tim khiêm nhường. Bất chấp những nghịch cảnh và những rào cản của một xã hội phức tạp và bất bình đẳng, ông luôn luôn giải quyết mọi vấn đề của mình nhờ vào tình yêu thương.

Chúng tôi không biết liệu Freud đúng hay sai trong phân tích của mình, nhưng điều này luôn tương hợp với những gì Chaplin muốn truyền đạt trong các bộ phim của ông, và nhất là trong các bài thơ của ông. Những bài học chân thực về đạo lý và về sự phát triển  nhân cách.

Charlie Chaplin, con người đằng sau những vần thơ

Chân dung một con người phía sau màn ảnh (Ảnh: artspace.com)

Người ta cho rằng Charlie Chaplin đã viết bài thơ Ngày tôi thực sự yêu bản thân mình khi đã 70 tuổi. Tuy nhiên, một số người cho rằng đây không phải bài thơ của ông, mà là một sự tự cải biên một đoạn trong cuốn sách của Kim và Alison McMillen có tựa đề “Khi tôi yêu bản thân mình”. Dù sao đi nữa, nó không phải là những ca từ duy nhất mà từ đó Charlie Chaplin làm ra  một bài thơ thực sự đẹp, tinh tế và truyền cảm về sức mạnh và giá trị của tinh thần.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng tìm thấy bài thơ “Sống”,  như lời nhắc nhở chúng ta rằng thế giới thuộc về những người dám làm, dám vượt lên hoàn cảnh, dám vật lộn để cảm nhận, để trải nghiệm, để yêu thương với sự quyết tâm. Vì vậy, không quan trọng nếu người ta nói bài thơ này là một sự cải biên từ một đoạn văn  khác hay nó xuất phát từ cái tâm và trái tim của thiên tài này, người đã quyến rũ chúng ta với dáng đi, bộ ria và cây ba toong của ông.

Mỗi đạo cụ của ông đều mang một ý nghĩa của riêng nó (Ảnh: Pinterest)

Charlot, nhân vật còi cọc, gã lang thang cô độc, nhà thơ và con người mơ mộng không ngừng tìm kiếm lãng mạn, hay mạo hiểm phiêu lưu, có một tâm trí chói sáng, đó là một người với những ý tưởng rất rõ ràng về những gì ông muốn truyền đạt. Và những gì ông thể hiện trong mỗi bộ phim hoàn toàn phù hợp với từng từ của bài thơ này. Hơn nữa, trong hồi ký của mình ông kể rằng mỗi đạo cụ của nhân vật của ông (Charlot) đều có một ý nghĩa:

Chiếc quần của Charlot là một thách thức của niềm tin.

Chiếc mũ và cây ba toong là một nỗ lực chứng tỏ sự trang nghiêm.

Bộ ria mép nhỏ bé là một nét kiêu hãnh.

Đôi giày há mõm là những trở ngại hàng ngày xuất hiện trên đường đời của bất kỳ ai.

Ngoài ra, thông qua sự trong sáng của nhân vật của mình, Charlie Chaplin luôn cố gắng giúp chúng ta nhận thức, và phản ứng với những nghịch lý và phức tạp của thế giới, chỉ sức người và tâm lý của chúng ta mới có thể chống lại sự vô lý, bất bình đẳng, sự hiện diện của cái ác. Trong bộ phim “Kẻ độc tài”,  chúng ta có thể khám phá ra những điều này, và nó khiến ta kết nối nhiều hơn với chính chúng ta và với những người khác, để bảo vệ các quyền của con người và hành tinh của chúng ta.

Không chỉ có những bộ phim, Charlie Chaplin còn để lại cho thế hệ sau những vần thơ đáng ngẫm (Ảnh: Pinterest)

Ngày nay, chúng ta không thể phủ nhận di sản của Chaplin, nó không lỗi thời, mà trái lại, nó luôn cần thiết và không thể thiếu. Những bài học mà nhà bi-hài kịch này đưa ra khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn đến ông và các bài thơ của ông, như bài “Ngày tôi thực sự yêu bản thân mình“, nó là những món quà từ trái tim, những tiếng nói trực tiếp để chúng ta hoàn thiện mình.

Ngày tôi thực sự yêu bản thân mình, Charlie Chaplin

Ngày tôi thực sự yêu bản thân mình, tôi nhận ra rằng trong mọi hoàn cảnh, tôi đã ở đúng vị trí, vào đúng thời điểm. Và, tôi đã có thể thư giãn. Hôm nay, tôi biết nó được gọi là … Sự tự tin

Ngày tôi thực sự yêu bản thân mình, tôi có thể cảm nhận được sự lo âu  và cảm xúc đau khổ của mình chỉ là một tín hiệu khi tôi đi ngược với những niềm tin của mình. Hôm nay, tôi biết nó được gọi là … Tính xác thực

Ngày tôi thực sự yêu bản thân mình, tôi đã ngừng muốn một cuộc sống khác và bắt đầu thấy rằng mọi thứ xảy ra với tôi đều góp phần vào sự phát triển cá nhân tôi. Hôm nay, tôi biết nó được gọi là …Trưởng thành

Ngày tôi thực sự yêu bản thân mình, tôi đã nhận thấy lạm dụng để ép buộc một tình huống, hoặc một người, với mục đích duy nhất là để có được những gì tôi muốn, dù biết rất rõ chẳng ai sẵn sàng và cũng không phải thời điểm. Hôm nay, tôi biết nó được gọi là … Tôn trọng

Ngày tôi thực sự yêu bản thân mình, tôi bắt đầu tự giải thoát khỏi tất cả những điều không tốt cho tôi, con người, hoàn cảnh, tất cả mọi thứ làm giảm nhiệt huyết  của tôi. Ban đầu, tôi gọi đó là ích kỷ. Hôm nay, tôi biết nó được gọi là … Tự trọng

Ngày tôi thực sự yêu bản thân mình, tôi ngừng sợ thời gian rảnh và tôi ngừng lập kế hoạch lớn, tôi từ bỏ những dự án lớn trong tương lai. Hôm nay, tôi làm những gì là đúng, những gì tôi thích, theo nhịp độ của tôi. Hôm nay, tôi biết nó được gọi là … Giản đơn

Ngày tôi thực sự yêu bản thân mình, tôi ngừng tìm lý do để cho rằng tôi luôn luôn đúng và tôi nhận ra tất cả những lần tôi đã sai. Hôm nay, tôi phát hiện ra …Khiêm tốn

Ngày tôi thực sự yêu bản thân mình, tôi dừng sống với quá khứ, và quan tâm đến tương lai. Hôm nay, tôi sống với hiện tại, nơi toàn bộ cuộc đời diễn ra. Hôm nay, tôi chỉ sống một ngày tại một thời điểm, và nó được gọi là …Trọn vẹn

Ngày tôi thực sự yêu bản thân mình, tôi nhận ra suy nghĩ có thể làm mình nhầm lẫn và thất vọng, nhưng nếu tôi suy nghĩ với trái tim, nó sẽ trở thành một đồng minh rất có giá trị. Đó là … Biết  sống!

Bài thơ của Charlie Chaplin có phải đang muốn truyền đến bạn thông điệp “Hãy trân trọng chính mình”! (Ảnh: thefamouspeople)

Hy vọng bài thơ của Charlie Chaplin có thể nâng đỡ tâm hồn bạn nếu bạn đang không may ở dưới hố sâu của tự ti, của thất vọng với bản thân mình. Bạn biết không, sự sống của bạn rất quý giá, chỉ là chúng ta có đủ trân trọng chính mình để nhìn thấy điều đẹp đẽ ấy không mà thôi. Vua hề Charlot có lẽ đã cố gắng rất nhiều để truyền tải đến bạn điều này qua từng con chữ trong bài thơ của ông. 

Cũng hy vọng rằng, bài thơ nhỏ bé này có thế chắp cho bạn một đôi cánh nếu bạn đã may mắn hiểu đúng về sự quý giá của bản thân mình. Bạn biết không, thế giới ngoài kia đang đón chờ những viên ngọc sáng trong tâm hồn bạn. Những viên ngọc ấy chính là những đức tính, những phẩm chất đẹp mà mỗi giờ phút của cuộc sống bạn đang cẩn thận giữ gìn. Vua hề Charlot có lẽ sẽ ngả mũ chào bạn khi thấy rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào bạn cũng có thể mỉm cười và dũng cảm hướng mình về những điều tốt đẹp và thiện lành nhất trong cuộc đời. 

Xin hãy trân trọng chính mình!

Xuân Hà – Hy Văn