Café là thức uống khó chiều và không phải ai cũng mê. Một tách café ngon không chỉ bởi nguyên liệu, cách pha, mà còn ở tâm thái thưởng thức. Nếu cuộc sống là café, còn công việc, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc, thì mong bạn nhớ rằng: Thưởng thức café, đừng thưởng thức những chiếc cốc.

Chuyên mục ‘Café cuối tuần’ ra mắt với hy vọng sẽ là nơi giãi bày về những vấn đề trong cuộc sống, nơi độc giả có thể tâm bình khí hòa NHÌN và NGẪM về cuộc đời, để sống đơn giản, nói chân thành và yêu rộng lượng… Mong bạn sẽ luôn an nhiên, tự tại để thưởng thức trọn vẹn tách café dành cho riêng mình!

***

Hùng có khuôn mặt tròn trịa với gọng kính mỏng đúng kiểu của một bác sĩ đa khoa, giờ đây cậu đã thực hiện được ước mơ của mình. Hay nói đúng hơn là ước mơ của cha mẹ cậu, trở thành sinh viên của một trường đại học y danh tiếng.

Ngõ phố vắng vẻ trong những ngày hè (Ảnh: Zing.vn)

Vẻ mặt hớn hở vì lâu ngày không gặp, Hùng lôi tôi vào quán cafe ven đường gần nhà. Ngồi xuống, chúng tôi cùng nhau hàn huyên về những chuyện đã qua. Con ngõ vắng vẻ trong ngày hè oi ả không khiến cho cuộc trò chuyện bớt phần thú vị. Giờ đây Hùng là sinh viên năm cuối, còn tôi thì đã đi làm, mỗi người một trải nghiệm và mỗi người cũng có những cảm nhận riêng về cuộc sống để kể cho nhau.

Đôi bàn tay của Hùng xoa vào nhau khi nhớ lại thời gian ôn thi đại học. Giọng Hùng nặng hơn và lặng lẽ hơn bên giọt cafe tý tách chảy.

“Tao thấy sai lắm mày ạ, ngành này không hợp với tao, nhưng tao không bỏ được. Bao nhiều tiền ăn học và …”

Tôi hiểu rằng đằng sau câu nói bỏ lửng đó chính là từ “Danh dự cha mẹ”. Tôi thầm thương cho Hùng.

Những kỳ vọng của gia đình

(Ảnh: baomoi.com)

Hùng kể về ngày ấy với một nỗi buồn man mác, chúng tôi còn chưa ý thức rõ ràng về động cơ lựa chọn ngành học của cả hai đứa. Chỉ vì gia đình đề xuất và ước ao, chỉ vì thầy cô cũng thấy thế là phải lẽ, chỉ vì bạn bè ngưỡng mộ, và quan trọng hơn chỉ vì chúng tôi là những thằng nhóc mới lớn chưa hiểu sự đời là gì.

Chúng tôi cứ thế lặng lẽ đạp xe trên những con đường nhựa rực lửa để đến các lò luyện. Trong cặp là những tập tài liệu trắc nghiệm, và trong đầu khi ấy chỉ nghĩ đến viễn cảnh những mâm cỗ to mà hai gia đình sẽ làm để tiễn chúng tôi lên đường vào đại học.

Những ký ức ùa về trên con ngõ nhỏ bao lần 2 đứa rủ nhau đi học, chiếc xe đạp chông chênh như gánh trên mình nỗi lo toan thi cử. Thời đó, cả hai đứa đều học rất khá môn Sinh, lại thêm thầy cô kỳ vọng nhiều vì kết quả cao trong kỳ thi học sinh giỏi, ngành bác sĩ đang là ngành thời thượng mà chẳng nhiều người dám mơ. Mọi thứ như khiến chúng tôi tự ám thị mình rằng: “Đại học Y có lẽ là định mệnh tuyệt vời”.

Nhưng định mệnh thật sự chính là cả hai đứa đều thi trượt ngành Y sau khi tốt nghiệp…

(Ảnh: baomoi.com)

Ba mẹ tôi khá cởi mở với chuyện ấy, mặc dù tôi cũng mất nhiều thời gian để vượt qua thất bại đầu đời. Họ chấp nhận cho tôi một năm để làm lại, thậm chí bố tôi còn đề xuất việc hướng tôi trở thành tài xế xe tải cùng với ông.

Nhưng nhà Hùng thì không nghĩ thoáng được như vậy. Dù rất mực yêu thương con, nhưng cái danh tiếng hão huyền đã làm họ quá mệt mỏi. Mẹ Hùng không muốn con học trường nào khác. Bà cho con trai về quê ở để ôn thi lại, năm sau chắc chắn phải thi đậu! Còn ở thành phố cha mẹ Hùng nói với bà con cô bác là nó đã đi học trường Dược… Cơ sự cũng chỉ vì cái mâm cỗ to vào ngày tiễn Hùng lên đường học nguyện vọng hai, đã lỡ khoe rồi thì sao mà rút lại được!

Tôi dành một năm để ngẫm về thất bại của mình. Cha mẹ tôi không nói nhiều, dù trong họ vẫn tiếc nuối. Tôi cũng bặt tin của Hùng từ đó, mãi cho đến gần ngày thi, tôi mới rõ cơ sự của cậu. Ngỡ ngàng vì Hùng cũng quyết định thi lại, và còn ngỡ ngàng hơn nữa vì cái hoàn cảnh của cậu trong một năm xa gia đình, phải ở trọ để ôn luyện.

Về phía mình, sau những khoảng lặng để suy xét, tôi đã quyết định bỏ ngang ước mơ trở thành bác sĩ. Vì dù sao đó cũng chỉ là ước mơ vay mượn. Mặc dù cho đến giờ phút ấy bản thân vẫn chẳng quyết nổi mình thực sự thích gì. Nhưng thời gian đã điểm, vậy tặc lưỡi thi vào ngành kinh tế xem sao.

Cha mẹ tôi không ủng hộ nhưng không phản đối, tôi cũng vui vì học kinh tế có thể làm nhiều ngành khác nhau sau khi ra trường. Tôi không thể bó cứng cuộc đời trong một cái mục tiêu định sẵn của ngành Y. Huống hồ học làm bác sĩ chắc chắn là phải vất vả và phải kiên trì, nếu không có đam mê thực sự thì khó mà theo nổi.

Hùng thì khác, Hùng không có lựa chọn, hoặc ít nhất cậu nghĩ như thế. Số tiền mà cha mẹ cậu dành dụm cho canh bạc mang tên “Đại học” là tương đối lớn. Quan trọng hơn là cái hư danh mà họ đã trót khoe khoang với hàng xóm láng giềng từ độ nào. Trở thành bác sĩ như là một cái kết vẹn toàn cho tất cả mà chính Hùng cũng nhận thấy rằng mình buộc phải làm như thế.

Nếu được làm lại

(Ảnh: tintucmientay.com.vn)

Chúng tôi mỗi người mỗi ngã rẽ kể từ đó, Hùng thi đậu với số điểm suýt soát vào một Trường Y, trở thành bác sĩ đa khoa với những nỗ lực vượt bậc mà đến tôi cũng phải nể phục. Buồn thay cho đến giờ tôi mới nhận ra bạn mình không hề hạnh phúc.

Hùng kể về những đêm dài ở bệnh viện, về những thứ máu me cậu đã trải qua, không sợ nhưng cũng thấy ghê ghê. Hùng còn kể về những ngày ôn thi vất vả và cái cuộc sống loanh quanh giữa giảng đường và bệnh viện khiến cậu đôi lúc cũng bí bách, chán chường. Rồi thi thoảng dăm ba cái tin thời sự về nghề nghiệp bị rẻ rúng, vì áp lực công việc và những áp lực vô hình khác nữa. Đôi lúc Hùng cũng mệt mỏi…

Tôi hiểu cho những khó khăn của Hùng, tôi cũng hiểu về những trách nhiệm mà một người con phải làm cho trọn vẹn. Nhưng nếu có một cơ hội được làm lại thì sao? Hùng suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời: “Có lẽ vẫn vậy, không có cách nào, cuộc đời mỗi người không có lựa chọn nào toàn vẹn cả”

Đúng vậy, cuộc đời không ai toàn vẹn cả. Hùng hiểu và chấp nhận con đường mình đã chọn và cất bước theo nó. Nhưng với tôi, nếu tôi được làm lại, tôi chỉ xin bố mẹ, xin nhà trường, bạn bè đừng nuôi dưỡng cho chúng tôi một suy nghĩ “tự ám thị” như thế. Tất cả mọi người không ép buộc chúng tôi thi ngành Y, nhưng họ luôn hướng chúng tôi về nó theo một phương cách vô cùng tinh tế.

Những ngày ấy, họ nức nở khen ngợi chúng tôi vì có chí phấn đấu dẫu biết khó thi đậu. Hàng xóm còn vẽ ra cảnh tượng lương lậu cao ngất ngưởng sau khi ra trường. Rồi thì những ngành khác ra trường đứa nào cũng thất nghiệp cả, học y thì đầu ra chẳng cần phải lo… Những dồn ép nhỏ bé dần dần khiến chúng tôi trở thành con cừu bị dồn vào chân tường bế tắc, lối thoát duy nhất mà hai đứa có thể lựa chọn dường như là: Tự ép bản thân mình rằng Đại Học Y là con đường duy nhất có thể đi.

Lựa chọn tốt nhất chính là lựa chọn hạnh phúc

(Ảnh: WorldLifestyle)

Có lẽ nghề bác sĩ không thể khổ được, nhưng rồi hỏi ra mới biết, nếu sau này ra trường mức lương khởi điểm cũng chẳng cao. Có chăng sau vài năm thành thạo nghề thì mới đủ khả năng làm chủ tài chính. Nhưng mà cái giá mà cậu ấy phải đánh đổi là ba năm cấp ba học tập cho một quyết định, và thêm 6 năm thanh xuân của tuổi trẻ để không thể quay đầu. Những đánh đổi ấy có thể vớt vát được chăng bằng một tương lai có phần ổn định? Câu trả lời là có mà cũng có thể là không, bởi vì … mỗi người một số phận mà ta không thể nói trước.

Nhưng nếu tôi biết sớm hơn về thế giới bên ngoài lớp học, có lẽ chúng tôi đã có nhiều lựa chọn hơn để phấn đấu. Nếu tôi biết rằng tương lai của ngành IT cũng có mức lương đáng kể như bác sĩ. Nếu tôi biết rằng đại học không hẳn đã là con đường duy nhất. Nếu tôi biết rằng trượt đại học cũng chẳng có gì đáng sợ. Và nếu chúng tôi học được sớm hơn rằng bị người khác chế diễu vì thất bại chẳng có gì phải lo lắng thì chắc chắn chúng tôi đã có thể tin tưởng hơn vào quyết định của mình.

Tôi ao ước được sống lại một thời cấp ba không áp lực, một thời cấp ba mà tôi có trách nhiệm với bản thân và có quyền tự quyết hoàn toàn với cuộc đời phía trước. Tôi sẽ không cần lãng phí tới một năm thanh xuân để rồi hiểu được cái giá phải đánh đổi giữa một sự nghiệp có phần “ổn định” và một cuộc sống thú vị nhiều màu sắc.

(Ảnh: Pixabay)

Chúng tôi là một thế hệ với nhiều thiệt thòi, bị áp đặt ý chí một cách âm thầm, vô tình gây áp lực cho bạn bè mình và tự dồn ép bản thân vào một lối đi duy nhất. Nhưng may sao thế giới ngoài kia đủ rộng lớn và vị tha với những thất bại, chúng tôi vẫn kiên trì đứng dậy và bước tiếp. Nhưng cái giá phải trả có lẽ không rẻ chút nào, liệu cha mẹ chúng tôi có hiểu cho điều đó, và liệu còn bao nhiêu cảnh ngộ như chúng tôi đã và sẽ tiếp tục phải vấp ngã trên vết xe đổ của lớp lớp thế hệ?

Tương lai của Hùng đã trở nên vững chãi hơn, còn tôi có lẽ là lông bông thêm vài năm nữa. Nhưng rồi tôi sẽ không bao giờ hối hận về những gì mình đã chọn, bởi vì cái cảm giác được là chính mình rõ ràng rất thoải mái. Cũng chính từ thất bại đầu đời, tôi nhận ra rằng lựa chọn một con đường cho mình không phải chuyện dễ dàng. Khi ngoài kia cả xã hội đang đi theo những trào lưu, những “định kiến” có sẵn về nghề nghiệp, tài chính, địa vị… thì quyết định cho mình con đường mình thực sự muốn đi và kiên định cho đến cuối cùng dù mưa giông, nắng rát cần biết bao dũng khí và quyết tâm.

Năm tháng sẽ dần dần giúp chúng ta định nghĩa lại về hạnh phúc (Ảnh: Shenyun)

Xét cho cùng, đích đến của đời người là “hạnh phúc”, chỉ có điều mỗi người có cách lựa chọn phương tiện khác nhau và đi những đoạn đường khác nhau. Giống như đến một lúc nào đó nếp nhăn sẽ thay thế vẻ thanh xuân, năm tháng sẽ dần dần giúp chúng ta định nghĩa lại về hạnh phúc. Và tôi tin rằng khi mọi thứ bề mặt trở nên “lạc hậu” với thời gian, thì nhân phẩm, đức hạnh và lẽ sống vì người khác sẽ là điều làm nên hạnh phúc trường tồn vĩnh cửu.

Trùng Dương