Bạn thử tưởng tượng một ngày nào đó, bạn bất ngờ nhận được một lá thư đã ố màu và tác giả là… cụ cố của mình. Khung cảnh hơn một thế kỷ trước bỗng dưng trở nên thật sống động, thân thương trong tâm hồn bạn, và bạn chợt cảm thấy trăm năm chỉ như một cuốn phim?

Một lá thư thất lạc được viết vào năm 1894 được tìm thấy trong một ngôi nhà đang bị phá dỡ để nhường chỗ cho Thư viện Bang tại Hobart, thủ phủ bang Tasmania, Úc. ABC News đưa tin, cựu cư dân Hobart, ông Rex Nightingale, 82 tuổi, đã tình cờ phát hiện ra bức thư trong khi đang thi công xây dựng Thư viện Bang với vai trò là một thợ mộc vào năm 1960.

“Bức thư được tìm thấy giữa tấm vải sơn và những tấm ván sàn của ngôi nhà đang bị phá dỡ trên góc phố Bathurst giao Murray”, ông Nightingale nói.

Bức thư được viết bởi cụ ông Sidney Hulbert vào ngày 13 tháng 5 năm 1894.

Cụ ông ghi địa chỉ của mình là Câu lạc bộ Hội đoàn tại Sydney và cho biết mình đã làm việc “13 giờ mỗi ngày và mỗi Chủ nhật” để kiếm 15 shilling (đơn vị tiền tệ trước đây của Úc) mỗi tuần.

“Giá như tớ không đến Sydney”, cụ viết. “Tớ chán ngấy ở đây rồi”.

Ông Nightingale khi đó 23 tuổi, nói rằng ông đã giữ bức thư trong gần 60 năm mà không tò mò mở ra.

“Nó giống như tìm thấy lá thư trong một cái chai trên bãi biển vậy, bạn giữ nó bởi vì bạn biết nó có ý nghĩa đặc biệt với ai đó”, ông nói.

Lá thư được tìm thấy trong một ngôi nhà đang bị phá dỡ để nhường chỗ cho Thư viện Bang tại Hobart, thủ phủ bang Tasmania, Úc vào năm 1960 (ảnh: Flickr).

Hai năm trước, ông đã đưa bức thư cho con gái mình, cô Karen Roberts.

“Chúng tôi không biết phải làm gì với nó. Bố tôi bảo rằng ‘Có lẽ đã quá muộn để tìm được ai biết điều gì về nó'”, cô Roberts nói.

“Tôi thì nghĩ, ‘Không hẳn vậy, chúng ta chưa dùng tới Internet và phương tiện truyền thông xã hội mà'”.

Cô Roberts đã liên lạc với ABC Hobart, sau đó nhà đài đã gọi điện cho cả bang Tasmania và thành phố Sydney để hỏi liệu có ai biết về cụ ông Sidney Hulbert hay người nhận – một cụ ông tên Tod không.

“Thậm chí trong mơ tôi cũng chẳng nghĩ chúng ta sẽ tìm được ai”, cô Roberts nói.

Gia đình tác giả nhận ra bức thư

Sau khi lá thư được đăng lên các trang Facebook của ABC ở cả Hobart và Sydney, cháu gái của tác giả là Robyn Lobb đã nhận ra lá thư.

Ông Nightingale và con gái – cô Karen (ảnh: ABC News).

“Nó giống như một tia sáng đến từ thiên đường vậy”, bà Lobb nói. Bà đã được một email ẩn danh nhắc nhở xem bài đăng trên Facebook. 

“Ngay khi tôi nhìn thấy lá thư, tôi biết rằng nó được viết bởi ông bác của tôi”, bà chia sẻ.

Cụ Sidney đã mất hai năm trước khi bà Lobb chào đời, nhưng bà nhận ra chữ viết tay của cụ và dòng trên cùng của bức thư.

“Bà tôi – người đã mất khi bà 103 tuổi – luôn bắt đầu những lá thư của mình giống hệt như thế này”, bà nói.

Khi ông Nightingale được thông báo rằng đã tìm thấy gia đình của tác giả bức thư, ông cho biết ông “vô cùng sửng sốt”.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng tôi sẽ tìm thấy bất cứ ai liên quan đến người viết thư”, ông nói.

“Tôi thực sự hạnh phúc vì cuối cùng chúng tôi đã tìm được ngôi nhà nơi bức thư thuộc về – chắc chắn là vậy rồi, tôi rất vui mừng”.

Cụ Sidney là ai?

Cụ sinh năm 1878, như vậy bức thư được viết bởi chàng trai 16 tuổi.

“Lá thư được viết vào tháng 5 và bà cố, mẹ của ông, đã qua đời vào tháng 1”, bà Lobb giải thích.

“Trên giấy chứng tử của bà cố, ông bác là nhân chứng cho cái chết của bà”.

Trong khi bà Lobb không chắc chắn về lý do tại sao cụ ông viết lá thư từ Câu lạc bộ Hội đoàn Sydney, bà tin rằng cụ ông từng là một người phục vụ vì cụ hầu như làm việc trên tàu với vai trò tiếp viên, theo thông tin bà đọc được trên một trang web về gia phả.

“Ông ấy đã đến Tây Úc và điều tiếp theo chúng tôi biết là ông đã nhập ngũ vào năm 1916 và đến Pháp trong Thế chiến thứ nhất”, bà Lobb nói.

“Ông đã nhận được giấy phép của khách sạn Canning Bridge ở Perth và giữ nó trong một thời gian. Vào cuối đời, ông chuyển đến Ngôi nhà Ánh Dương ở Perth dành cho những người lính cũ, và ông đã qua đời ở đó vào năm 1945.”

Câu lạc bộ Hội đoàn Sydney, nơi cụ Hulbert đã viết lá thư vào năm 1894 (ảnh: Flickr).

Bức thư trở lại

Cô Roberts cho biết cô và bố đã bàn về cách thức để gửi lại bức thư cho bà Lobb.

“Tôi nghĩ sẽ trao bức thư cho bà Robyn bên ngoài Câu lạc bộ Hội đoàn, nơi nó được viết hơn 125 năm trước”, cô nói.

Bà Lobb chia sẻ: “Thật tuyệt vời! Chúng tôi có thêm một thứ quý giá bổ sung vào những kỷ vật ít ỏi hiện còn giữ được”.

“Tôi đã có bản sao của bức thư từ bà cố sau khi ông cố mất. Cảm giác như được trở lại thời đó vậy”.

Nội dung lá thư

Bức thư của cụ Sidney Hulbert gửi cho cụ Tod có nội dung như sau:

Câu lạc bộ Hội đoàn

Sydney

Ngày 13 tháng 5 năm 1894

Tod thân mến,

Tớ đã nhận được thư chào đón của cậu vào thứ Bảy và rất vui khi nghe tin cậu. Cũng lâu rồi cậu không viết thư cho tớ nhỉ. Tớ cứ nghĩ cậu đã quên tớ rồi cơ đấy. Tớ vẫn đang làm việc ở chỗ cũ. Hiện tại, tớ kiếm được 15 shilling/ tuần. Cậu phải hỏi Tone xem sao mà cậu ấy chẳng hồi âm lá thư cuối cùng tớ viết về đám tang của mẹ tớ. Giá như tớ không đến Sydney. Tôi chán ngấy ở đây rồi. Làm việc 13 giờ mỗi ngày, mỗi ngày Chủ nhật và những ngày lễ khác. À, ở Sydney bắt đầu mùa trượt băng rồi đấy. Tớ đã tham gia hôm thứ Bảy và cảm thấy thật tuyệt vời. Tối mai tớ lại đi tiếp. Tớ sẽ gửi cho cậu một số tài liệu khác mà tớ không nói thêm trong thư này nữa. Tớ kết thư tại đây, với lời chúc tốt đẹp nhất dành cho cậu nhé!

Bạn thân của cậu,

Sidney Hulbert

Xin lỗi vì chữ tớ hơi xấu.

P.S. Tớ đã có một mô hình du thuyền lớn đấy, nó dài gần 1m.

Bạn đang đọc bài viết: “Bức thư thất lạc 125 năm tìm thấy gia đình tác giả nhờ truyền thông xã hội” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||95f2e9d58__