Tình mẫu tử luôn là thứ tình cảm xúc động lòng người vì sự vĩ đại, thiêng liêng và rất đỗi sâu sắc của nó. Tuy nhiên, tình mẫu tử không giới hạn giữa những người máu mủ ruột già, mà còn là thứ tình thân giữa những người không cùng huyết thống. Chính sự yêu thương chân thành và bao dung đã khiến họ xích lại gần nhau. Câu chuyện của chàng trai dưới đây sẽ giúp bạn cảm nhận được những điều kỳ diệu mà trái tim con người có thể mang lại cho nhau.

Trong ký ức của tôi không có hình ảnh về cha, mãi cho tới sau này, ông bà nội mới nói cho tôi biết. Năm tôi được 1 tuổi, kinh tế của gia đình tôi rất khó khăn. Cha tôi hôm đó đã chèo thuyền ra giữa sông đánh cá vì khu vực gần bờ đã đánh bắt hết. Ông chẳng may bị chết đuối. Mẹ tôi ở vậy nuôi tôi trong 2 năm. Năm tôi tròn 3 tuổi, mẹ tái giá, từ đó về sau không bao giờ trở lại thăm tôi nữa. Mẹ tôi đã hoàn toàn cắt đứt quan hệ với chúng tôi, và trong tâm trí non nớt của một đứa trẻ 3 tuổi, hình ảnh của mẹ tôi cũng mờ dần, xa dần.

Tôi bỗng chốc trở thành đứa trẻ bơ vơ, không cha không mẹ. Bác dâu thứ hai của gia đình tôi đã nói với bác trai hãy nhận nuôi tôi, vì hai bác kết hôn đã nhiều năm mà không có con. Chính vì thế tôi luôn luôn được sống trong sự yêu thương, bao bọc của tình thân, của cha mẹ. Hai bác đã cho tôi một tuổi thơ ấm áp, hai bác biết tôi phải chịu nhiều thiệt thòi, nên họ luôn cố gắng để chăm sóc cho tôi, cả về vật chất và tinh thần. Trong ý thức của mình, tôi biết họ chính là cha mẹ của tôi và tôi vẫn muốn một ngày nào đó, tôi sẽ gọi họ hai tiếng “cha mẹ”.

Tuy nhiên, cuộc sống nhiều thăng trầm cứ không ngừng thách thức con người, mang tới đau khổ rồi lại mang đến hy vọng. Năm tôi 9 tuổi, bác trai qua đời vì ung thư. Đó là một cú sốc lớn với bác gái, bác đau khổ và kiệt quệ. Hai bác lấy nhau rồi sống với nhau bằng tình yêu và bằng cả nghĩa tình.

Trong bao nhiêu năm, dù không có con, nhưng không ai nghĩ tới việc ly hôn hay làm việc gì trái với nghĩa vợ chồng. Ngày đưa bác trai về nơi xa xôi, bác gái nắm chặt tay tôi và nói rằng: “Cha đã lên đường tới một nơi khác rồi, từ bây giờ, hai mẹ con chúng ta phải nương tựa vào nhau mà sống. Mẹ sẽ cố gắng hết sức mình để nuôi dạy con, sẽ không bao giờ bỏ rơi con”.

Lần đầu tiên tôi thấy trái tim mình run lên, tôi siết chặt tay bác gái với tất cả tình yêu và lòng biết ơn. Đó cũng là lần đầu tiên tôi cảm thấy tiếng mẹ thiêng liêng và mênh mang đến thế. Từ nay tôi đã thực sự có mẹ, tôi sẽ gọi mẹ mỗi khi tôi đi học về, tôi gọi mẹ mỗi sớm tôi thức dậy, tôi sẽ gọi mẹ cả trong giấc mơ… Vì đó là tiếng gọi tôi khát khao nhất trong cuộc đời mình.

Ngay sau đó, ông nội tôi họp gia đình để bàn bạc xem ai sẽ nuôi tôi. Tôi ngồi cạnh bác gái, và trong cả buổi họp, bác hầu như không nói gì. Ông nội hỏi lần lượt từng người, và mỗi lần nghe họ trả lời, bác gái chỉ biết cúi đầu xuống và lau nước mắt.

Bác trai cả nói bác ấy đã lớn tuổi, không có khả năng kiếm tiền để nuôi tôi nhiều năm như vậy. Chú Tư thì nói chú còn phải gánh vác rất nhiều việc của gia đình chú, hơn nữa chú có tới tận ba người con, nếu thêm tôi nữa, chú thực sự không thể lo nổi. Chú Năm thì nói vợ chú ấy không đồng ý, chú lại càng không muốn vợ chồng chú bất hòa chỉ vì việc này. Tất cả mọi người đều tìm đủ mọi lý do để có thể tránh xa tôi. Tôi có cảm giác mình không phải là một người bị ruồng bỏ, tôi thấy mình giống như một thứ “bệnh dịch” mà người nào cũng muốn đẩy ra, càng xa càng tốt.

Bác gái hiểu tâm trạng của tôi, bác xoa đầu tôi rồi có lúc vỗ nhẹ vào lưng tôi. Từ lâu, tôi đã trở thành con của bác và cuộc họp này là không cần thiết, bác biết tôi hiểu điều đó nhưng bác vẫn sợ tôi bị tổn thương khi bị mọi người ruồng bỏ như vậy. Bác hiểu tôi đã phải chịu rất nhiều mất mát mà một đứa trẻ không đáng được nhận.

Trong khi ai cũng cố gắng tìm ra lý do rồi chỉ muốn mau chóng “thoát khỏi” căn phòng này, bác gái cất tiếng nói: “Tôi sẽ nuôi cháu, mọi người không phải đẩy trách nhiệm cho nhau làm gì. Thằng bé chỉ bằng tuổi con các chú, nhưng nó đã phải chịu đựng biết bao đau khổ, tổn thương. Không còn cha, không còn mẹ, và giờ đây nó không còn cả người thân nữa sao? Dù trong hoàn cảnh nào, khó khổ đến đâu, tôi cũng sẽ nuôi cháu”.

Sau đó bác nắm chặt tay tôi rồi đi ra ngoài, ông nội tôi thấy vậy nói: “Con vẫn còn rất trẻ, còn có cơ hội lấy được một người đàn ông tốt. Một mình con nuôi con như vậy, tương lai sau này sẽ ra sao?”. Bác gái lúc đó dường như không quan tâm tới vấn đề của bản thân mình, tình thương của bác dành cho tôi đã lấn át tất cả mọi thứ cảm xúc và suy tính khác. Rồi bác nhìn ông với ánh mắt quả quyết và nói, ngắn gọn nhưng dứt khoát: “Vậy con sẽ không bao giờ tái giá nữa”.

Tất cả mọi người lúc đó đều sững sờ và im lặng. Mọi người không dám nhìn bác tôi, họ biết rằng trong một vài khoảnh khắc trước, họ đã biến mình trở thành những người vô tâm.

Kể từ hôm đó, tôi đã hoàn toàn quên bác là bác dâu của tôi, tôi gọi bác là “mẹ”, và luôn luôn thầm cảm ơn mẹ vì đã không bao giờ bỏ rơi tôi. Gia đình khó khăn, mẹ nỗ lực hết sức mình để chăm sóc, nuôi dạy tôi. Một mình mẹ chăm bón mấy mẫu ruộng, mẹ trồng cả lúa, ngô, khoai, sắn. Bất cứ thứ gì có thể mang ra chợ bán, mẹ đều trồng. Hàng ngày, mẹ còn đi lang thang khắp xóm để nhặt ve chai, kiếm thêm tiền sinh hoạt.

Mẹ lúc nào cũng tất bật, tôi không thấy có lúc nào mẹ nghỉ ngơi. Mẹ cũng không bao giờ đề nghị ông bà nội tôi hay các chú dì giúp đỡ. Mẹ dành hết những năm tháng tuổi xuân để yêu thương tôi, bù đắp cho những mất mát và tổn thương mà tôi đã phải chịu đựng. Mẹ luôn dành cho tôi tất cả những điều tốt đẹp nhất, từ ăn mặc cho tới việc học hành, không để cho tôi thiếu thốn thứ gì dù gia đình tôi có khó khăn thế nào.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Chứng kiến những giọt mồ hôi của mẹ trong những ngày nắng đi nhặt ve chai, hay đôi bàn tay thâm tím và tê cóng của mẹ trong những ngày đông thu hoạch ngô, khoai, sắn, lòng tôi luôn quặn đau. Tôi tự nhủ phải nỗ lực, cố gắng học tập để không phụ sự hy sinh của mẹ, để mang cho mẹ những trái ngọt sau những ngày gian nan.

Mỗi ngày tan trường, tôi đều nấu cơm và làm các việc nhà khác giúp mẹ. Khi mẹ ở ngoài đồng làm việc, tôi thường chạy quanh quanh khi giúp mẹ lấy thứ đồ mẹ cần, rồi hai mẹ con hì hụi bới khoai, sắn và cười vang giữa đồng khi vụ mùa ấy thu hoạch thắng lợi. Thời gian trôi theo những vất vả của mẹ, và tôi cũng thi đỗ trung học, rồi đại học.

Ngày tôi đậu đại học, mẹ một mình ngồi trong phòng, lấy tấm ảnh của cha (người mà trước kia tôi vẫn gọi là bác trai), vừa khóc trong nghẹn ngào xúc động, vừa nhìn cha hạnh phúc nói: “Con trai của chúng ta thật xuất sắc, con đã thực hiện được ước mơ của mình. Anh ở nơi xa ấy có thấy không?”.

Những năm tháng học đại học, tôi phải xa mẹ, xa những luống ngô, luống khoai, xa cả sự tần tảo lam lũ của mẹ. Ngày tôi lên đường, hai mẹ con đều bịn rịn, tôi lo mẹ ở nhà sẽ cô đơn, lo mẹ sẽ làm việc quá sức để kiếm tiền cho tôi ăn học. Còn mẹ lại lo tôi xa gia đình vất vả, nơi thành phố không có người thân quen. Rồi hàng tháng, mẹ đều đặn gửi tiền sinh hoạt và tiền học cho tôi. Tôi biết rằng hy sinh cho tôi là chân lý của cuộc đời mẹ.

Có lần về nhà, tôi phát hiện trong nhà không có chút đồ ăn nào, mẹ từ lâu chỉ ăn rau trồng trong vườn, mẹ hầu như không đi chợ tiết kiệm tiền gửi cho tôi. Mẹ mỗi ngày lại gầy hơn, già hơn, nước da cũng đen sạm vì nắng gió và lam lũ. Mẹ đã từ bỏ một cuộc đời tốt đẹp và nhường cơ hội đó cho tôi, đứa con không phải do mẹ sinh ra nhưng lại nhờ mẹ mà có thể sống, trưởng thành và được yêu thương. Mẹ đã cho tôi tất cả những gì mẹ có, cho tôi một gia đình và cả trái tim, tấm lòng của mẹ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đi làm và quen biết Lệ Phương, một cô gái giản dị, siêng năng và rất hiếu thuận với cha mẹ. Chúng tôi tâm sự với nhau về hoàn cảnh gia đình mình, về những người quan trọng trong cuộc đời mình. Gia đình cô ấy cũng khó khăn, nên cô rất hiểu tấm lòng của cha mẹ. Lệ Phương nói rằng sau này cô ấy nhất định sẽ yêu thương và hiếu thuận với mẹ tôi, còn tôi cũng tự nhủ sẽ chăm lo cho cha mẹ của cô ấy.

Hai chúng tôi cùng nhau gây dựng sự nghiệp trong 5 năm, và sau những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, chúng tôi đã có một cuộc sống ổn định và khá giả, mua được nhà cửa và xe hơi. Chúng tôi quyết định tiến tới hôn nhân và trở về quê nhà để tổ chức. Lệ Phương nói với tôi: “Chúng ta hãy để tất cả mọi người được chứng kiến niềm hạnh phúc và tự hào của mẹ. Bà cả đời đã hy sinh cho anh, đã cực khổ vì anh rồi”.

Ngày kết hôn, không giống như những nghi thức truyền thống rằng mẹ chồng sẽ trao tặng quà cưới cho con dâu, vợ tôi đã tiến lại chỗ mẹ, cầm tay mẹ và xúc động nói: “Mẹ ơi, mẹ lại có thêm một người con nữa rồi. Con nhất định sẽ hiếu thuận với mẹ, yêu thương mẹ, trân trọng mẹ. Mẹ cũng như mẹ ruột của con vậy”.

Câu nói của vợ tôi khiến mắt mẹ nhòa lệ. Mẹ biết rằng những gian nan mà mẹ đã trải qua, những mùa đông giá rét mẹ đi ươm những mầm ngô, mầm khoai giờ đây đã mang lại cho mẹ những trái ngọt lành. Mọi người đều nói mẹ tôi thật tốt số, có con trai thành đạt và con dâu hiếu thuận. Tôi chỉ thấy rằng đây là những gì mẹ xứng đáng được nhận, bởi mẹ đã cho đi quá nhiều, không một chút tính toán, và không lo sợ bản thân chẳng còn gì.

Chúng tôi muốn đón mẹ lên thành phố sống cùng nhưng mẹ nói mẹ không thể xa nơi này, xa những mảnh vườn, mảnh ruộng, và đàn gà đàn vịt nơi quê nhà. Đây là nơi mẹ sinh ra và gắn bó suốt cả một cuộc đời, còn đối với tôi, cái làng quê nhỏ bé chứa đầy hồi ức này bởi vì có mẹ mà trở nên đặc biệt. Nơi đây không còn những ký ức đau lòng ngày tôi mồ côi cha mẹ, không còn những mất mát cái ngày tôi bị cả nhà ruồng bỏ, mà nơi đây là suối nguồn của yêu thương, của tấm lòng tận tụy đáng kính của mẹ.

Ngày xa mẹ, tôi chỉ biết nắm đôi bàn tay gầy guộc của mẹ thật lâu, tôi nhìn mẹ ứa nước mắt. Tôi ôm mẹ và nói: “Mẹ ở nhà hãy giữ gìn sức khỏe và chăm sóc thật tốt cho bản thân mẹ nhé. Con sẽ thường xuyên về thăm mẹ. Mẹ đừng lo lắng gì cả, mẹ đã sống cả cuộc đời cho con rồi, giờ đây mẹ hãy sống cho chính mình. Cả đời này, con sẽ luôn là hy vọng và nơi nương tựa của mẹ”…

***

Văn học, điện ảnh, hội họa, kiến trúc… rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật đã lấy tình mẫu tử làm cảm hứng để tạo ra các tác phẩm xúc động lòng người. Tuy nhiên, dù nỗ lực nhiều đến đâu, thì tình mẹ mãi mãi vẫn là một bầu trời mênh mông rộng lớn mà không điều gì bao hàm, chứa đựng hết được.

Chúng ta vẫn thấy trong xã hội có những người sẵn sàng hy sinh vì người khác, giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, vì người khác mà gặp thêm phiền phức. Nhưng chúng ta đôi khi cũng quên rằng ngay bên cạnh mình có một người vẫn luôn cần mẫn, âm thầm hy sinh bền bỉ cho mình, không một lời kể công, không một lời oán trách, không cần được ai ca tụng. Đó chính là những người mẹ, những người lấy việc chăm sóc, lo lắng, hy sinh cho con làm hạnh phúc của cả cuộc đời.

Có thể nhiều người cho rằng những điều ấy là quá đỗi bình thường, nhưng chúng ta quên rằng trên đời không ai phải dành tình yêu thương cho chúng ta mãi mãi. Vì thế hãy biết trân trọng món quà quý giá nhất mà số phận trao tặng cho chúng ta. Hãy trân quý người luôn luôn quên cả bản thân mình để yêu thương chúng ta, mang lại cho chúng ta no đủ, bình yên. Hạnh phúc không nằm ở việc có được một điều gì đó, mà nằm ở chỗ biết cho đi…

Thủy Linh

Tham khảo: tinhhoa.net

Video xem thêm: Mẹ già rồi, xin đừng bao giờ nói những lời này với mẹ

videoinfo__video3.dkn.tv||ac56d9f85__