Câu chuyện về người phụ nữ đi dép tổ ong đứng phát tiền giúp người chạy xe máy về quê đã trở thành tâm điểm của cộng đồng mạng mấy ngày nay, xin phép được trích dẫn một đoạn trải lòng về chị của Luật sư Luân Lê đăng trên Facebook cá nhân để chia sẻ cùng quý độc giả.

Đôi dép tổ ong rách rưới và đỏ nhợt theo thời gian, là đôi dép của người phụ nữ đã đứng giữa đường phát từng tờ 500.000 đồng cho mỗi người dân khăn gói với cái đói khổ khi về quê trong đại dịch.

Một phụ nữ quanh năm bán cá, bao nhiêu lời lãi được rút ra để cho người khác mà vẫn thấy chỉ như muối bỏ bể trước dòng người quá dài lặng lẽ đi qua.

Bán cá, cái việc nhà nông làm tôi nhớ tới thuở ấu thơ ở quê mình, nơi mà mẹ tôi đêm khuya sớm hôm lội bùn, mùa hè nắng cháy cũng như mùa đông cắt thịt, mò mẫm bắt cá mang ra chợ bán, hàng năm ròng rã để nuôi con ăn học. Công việc ấy không chỉ nặng nhọc mà còn lấy đi sức khoẻ của con người ta nhanh chóng.

Đôi dép tổ ong rách rưới và đỏ nhợt theo thời gian, là đôi dép của người phụ nữ đã đứng giữa đường phát từng tờ 500.000 đồng

Người phụ nữ này cứ rưng rức mà rằng, chẳng có nhiều tiền hơn để cho thêm được nhiều người hơn nữa. Và người đàn bà ấy cũng nói mười năm qua chẳng mua lấy một bộ quần áo hay đôi dép mới cho mình, có bao nhiêu chị đem giúp người hết, chỉ giữ đủ ăn cho mình và đủ tiền học cho con.
Cái vĩ đại thường không nằm ở những hình tượng lộng lẫy, mà là ở sự đời thường, tột cùng đời thường và hết mức bình dị. Một trái tim vĩ đại, và một tâm hồn cao cả biết nhường nào.

Người không có quyền hành làm điều vĩ đại với bàn tay nồng hậu, lắm kẻ có quyền bính lại làm đủ điều vô đạo và thậm bất nhân, bằng quyền lực của mình để cướp đoạt cho nhiều. Người ta vĩ đại không phải vì người ta giàu có, mà người ta vĩ đại bởi có một trái tim giàu có.

***

Người phụ nữ vĩ đại ấy là chị là Trần Huệ (sinh năm 1979) làm nghề buôn bán hải sản ở Phan Thiết, Bình Thuận. Chị là một mẹ đơn thân đang nuôi 2 con ăn học và mưu sinh bằng nghề bán cá. Người phụ nữ ấy, với khuôn mặt khắc khổ bởi nắng gió, đôi bàn tay chai sần, bàn chân lam lũ chứ chẳng phải là đại gia gì.

Thế nhưng, khi nhìn những đoàn người đi xe máy hàng ngàn cây số về quê, chị không cầm được nước mắt. Từng phải trải qua bao sương gió cuộc đời, phải ngủ gầm cầu, người phụ nữ ấy hiểu lắm cảm giác của những người xa xứ mưu sinh, để rồi phải trở về quê trong hoàn cảnh bất đắc dĩ…

Cảm ơn chị Huệ, cảm ơn những tấm lòng vàng của các mạnh thường quân dành cho những người lao động nghèo trong đại dịch. Trân trọng và biết ơn lắm tấm lòng của các anh chị, thế nhưng, đã bao giờ bạn nghĩ, liệu chúng ta có thể làm điều này được bao lâu… cho đến khi “dập” hết dịch được sao?

Độc giả có thể đọc bài chia sẻ của Luật sư Luân Lê tại đây.

Có thể bạn quan tâm:

videoinfo__video3.dkn.tv||8f5f80cf3__

Ad will display in 09 seconds