Cách đây không lâu, trên mạng xã hội có chia sẻ rộng rãi một câu chuyện với tiêu đề: “Bạn Trung Quốc của tôi bị chó cắn…. khác biêt thực sự rất lớn”. Theo đó, thông qua chuyện bị chó cắn, người ta đã có thể phần nào so sánh được những giá trị quan trong hai xã hội Trung- Mỹ.

Bài viết có nội dung như sau:

Một lần, người bạn Trung Quốc của tôi chạy bộ ở Mỹ thì bất ngờ gặp họa, phía đối diện cậu ấy có một con chó lớn đang đi đến, tuy được chủ dắt, nhưng nó rất hung dữ và đã cắn một cái vào ngay chân của bạn tôi.

Cậu ấy nhanh chóng đến bệnh viện ở địa phương để được thăm khám. Sau khi khám xong, bác sỹ nói: “Anh có thể về được rồi”.

Bạn tôi: “Không cần tiêm ngừa dại sao?”

Bác sỹ: “Không cần”

Bạn tôi: “Tại sao?”

Bác sỹ: “Bởi vì tất cả chó ở Mỹ đều được tiêm ngừa dại rồi”.

Bạn tôi: “Vậy con chó cắn tôi cũng được tiêm rồi sao?”

Bác sỹ: “Chắc chắn cũng đã tiêm rồi”.

(Ảnh: animal life)

Bạn tôi: “Sao bác sỹ có thể quả quyết như vậy được? Nhỡ mà con chó ấy chưa được tiêm ngừa thì sao? Nhỡ người chủ đó lừa bác sỹ để không phải trả tiền thuốc cho tôi thì sao? Nhỡ đâu tôi không tiêm rồi bị gì thì sao? Bác sỹ có dám dùng danh dự của mình để đảm bảo tôi nhất định sẽ không sao nếu không tiêm ngừa không?”

Bác sỹ: “Hãy tin tưởng tôi, tôi có thể đảm bảo”.

Đã mấy năm trôi qua rồi, đương nhiên bạn tôi vẫn sống rất khỏe mạnh, trong số bạn bè, hàng xóm xung quanh tôi cũng có mấy lần bị chó cắn, mèo cào, họ đều chỉ được băng bó đơn giản, không hề tiêm ngừa. Lần nào bác sỹ cũng nói: “Ở Mỹ, nếu bị động vật hoang dã (sóc, dơi) cào hoặc cắn thì mới cần phải tiêm ngừa dại, còn nếu là chó mèo thì không cần”.

Trong khi đó, ở Trung Quốc….

Tháng 6/2017, một người phụ nữ ở Tây An bị chó cắn nên và đến bệnh viện trung tâm thành phố Tây An để tiêm ngừa dại. Khi đó cô không hề nghi ngờ gì, vô cùng tin tưởng vào việc tiêm ngừa. Cô còn vui vẻ gửi tin nhắn cho bạn bè rằng:

“Tuy đi trên đường vô tình bị chó cắn, rất xui xẻo. Nhưng có người chỉ dẫn tôi nên xử lý thế nào, có bạn bè nghe tôi nói chuyện, có cô giáo giúp tôi trông con, có chồng thương tôi, có công ty bảo hiểm trả phí y tế… Việc này có lẽ cũng không tệ cho lắm.”

28 ngày sau, cô ấy phát bệnh dại và không may qua đời.

***

Mỹ và Trung Quốc hiện đang là hai quốc gia sở hữu nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới, tuy nhiên, trong bài viết này chúng tôi sẽ không bàn luận về các vấn đề mang tính vĩ mô của xã hội như kinh tế, chính trị hay những tiêu chí y tế, giáo dục, mà chỉ đề cập đến những yếu tố về niềm tin và uy tín – những thứ thuộc về giá trị tinh thần và đạo đức.

(Ảnh: The Daily Gazette)

Nếu như ở Mỹ, các bác sĩ dám dùng danh dự của mình để đảm bảo cho hành vi của người khác (đảm bảo người chủ của chú chó nhất định sẽ tuân thủ pháp luật quy định phải tiêm ngừa cho thú cưng; đảm bảo rằng bệnh viện thú y và các cửa hàng chắc chắn sẽ tiêm ngừa phù hợp cho động vật; đảm bảo rằng các công ty sản xuất vắc xin sẽ không làm hàng giả…) thì ở Trung Quốc, người ta gần như không dám… chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình, huống hồ là của người khác!

Những chuyện như sữa chứa melamine, thuốc và vắc xin giả, thực phẩm chứa chất hóa học quá liều lượng cho phép…. xuất hiện quá nhiều khiến người Trung Quốc không tin tưởng vào hàng hóa nội địa, tiếp đến là đánh mất niềm tin trong các mối quan hệ xã hội, thậm chí ngay cả ở gia đình. Dần dần, người ta càng trở nên đề phòng và không dám tin tưởng vào bất cứ ai.

(Ảnh: Sarita Magazine)

Thực tế, hệ quả nghiêm trọng nhất khi đánh mất “hệ thống niềm tin” chính là sẽ dẫn đến những biến dị trong giá trị quan của xã hội. Khi không có niềm tin vào người khác, con người sẽ không biết đồng cảm, khi không có niềm tin vào xã hội, con người sẽ không biết sống trách nhiệm. Như vậy, họ sẽ không ngần ngại làm những điều xấu, dối trá và lừa gạt…

Tôi cho rằng, không phải vật chất mà chính những giá trị trong tinh thần con người mới đảm bảo sự phát triển bền vững cho quốc gia, bởi chỉ khi có một hệ thống giá trị quan đúng đắn, con người mới đủ “an tâm” để đi trên con đường “đúng đắn” và “chính xác” được cả xã hội quy chuẩn.

Thiện Nam