Thường thì các bé sẽ rất vui khi có thêm em nhỏ, nhưng cũng có những trẻ sẽ bị “tủi thân” khi biết rằng phải chia sẻ tình cảm, sự quan tâm của cha mẹ cho em. Câu chuyện dưới đây cũng vậy. Người mẹ đã phải mất 6 năm để “hàn gắn vết thương” cho con gái khi có thêm em bé.

Năm Bống 6 tuổi, mẹ sinh em Bi

Sau khi Bi được sinh ra, một người thân đến thăm hỏi, chúc mừng. Mẹ vỗ về em bé, nhẹ nhàng nói với người khách trước mặt con gái: “Bác xem này, cháu là món quà cho chị của cháu phải không nào? Bống nay đã trở thành chị rồi, thật đáng chúc mừng chị Bống, bác nhỉ”. Người thân nghe vậy thì hiểu ý ngay, liền đưa quà chúc mừng cho Bống và nói: “Đúng rồi, món quà này bác dành tặng Bống nhé. Chúc mừng cháu đã được lên chức nha”.

Sau đó, họ hàng và bạn bè đến thăm hỏi đều mang theo hai phần quà cho cả hai chị em.

em trai2
Ảnh minh họa.

Năm Bống 8 tuổi, Bi 2 tuổi

Một ngày, hai chị em giành nhau một quả táo chín đỏ mọng, không ai chịu nhường ai. Mẹ lên tiếng: “Bi ơi, con nhường táo cho chị Bống đi, bởi vì chị của con luôn biết chia sẻ đồ tốt nhất cho người khác”. Mặc dù khóc òa nhưng Bi vẫn ngoan ngoãn đưa quả táo từ trong tay cho chị. Bống nhận lấy táo nhưng cũng rất ngượng, thế là chia cho em cùng ăn.

Thật tâm, mẹ muốn Bống nhường táo cho Bi, nhưng có lẽ, cách này của mẹ sẽ giúp Bống tự giác chia sẻ đồ ăn với em, ra dáng một người chị hơn.

em trai3
Ảnh minh họa.

Năm Bống 9 tuổi, Bi lên 3 tuổi

Bống nói muốn dẫn Bi đến nhà bà ngoại chơi. Lúc ra khỏi cửa, Bống nắm tay Bi để mẹ yên tâm, nhưng chỉ vừa khuất mắt mẹ, Bống đã buông tay em ra. Bi vội đuổi theo chị, vấp ngã mấy lần. Bống thấy em ngã thì lại cười ha ha và chạy tiếp. Đi một đoạn đường nữa, không nhìn thấy em trai đâu, bất giác Bống lo lắng, vừa chạy quay lại tìm em, vừa khóc. Tìm mãi không thấy em trai đâu, Bống nước mắt giàn giụa chạy về nhà bà ngoại. Vừa chạy đến cổng, Bống đã thấy Bi đứng ở trước cửa chờ chị từ bao giờ.

Kỳ thực khi hai con đi ra khỏi cổng, người mẹ đã đi xe đạp đuổi theo phía sau.

em trai4
Ảnh minh họa.

Năm Bống 11 tuổi, Bi 5 tuổi

Mỗi lần mua đồ dùng học tập cho hai chị em, mẹ đều mua hai hộp giống nhau, nhưng Bống lại nghĩ, mẹ không công bằng, đã mua thứ tốt hơn cho em trai. Do đó, nhân lúc Bi đi ngủ, Bống đã lấy hết đồ dùng học tập của em. Mỗi khi nhìn thấy Bi đến mách mẹ là hộp đồ dùng bị chuột tha đi mất thì Bống lại cười khoái trí. Điều kỳ lạ chính là, người mẹ chưa bao giờ hoài nghi lời con trai nói.

Thật ra, mẹ đã nói với Bi rằng Bống tinh nghịch nên chọc Bi cho vui. Do đó, mỗi khi thấy chị lấy trộm đồ, Bi liền giả vờ ngủ và coi như không biết.

em trai5
Ảnh minh họa.

Năm Bống 12 tuổi, Bi 6 tuổi

Hai chị em học sát trường, Bống vào lớp 6, Bi vào học tiểu học. Mỗi lần tan trường, Bi thường đợi Bống ngoài cổng để cùng về nhà. Một hôm, Bống cố ý đi cổng sau để về nhà trước. Bỗng một nhóm học sinh lớp trên chặn Bống lại và bắt đưa tiền cho chúng. Bống sợ hãi chưa biết làm sao thì Bi từ đâu chạy đến, hóa ra cu cậu được bạn mách nên đã đi ra cửa sau để về cùng chị. Bi đã dùng thân hình nhỏ bé của mình để che cho chị, nói: “Ai cũng không được bắt nạt chị của em…”. Nước mắt Bống lăn dài trên má, Bống tự nhủ rằng sau này không bắt nạt em trai nữa.

Kỳ thực, mẹ từng nói với Bi: “Con là nam tử hán, phụ nữ trong nhà đều cần con bảo vệ, kể cả chị của con nữa”.

em trai6
Ảnh minh họa.

Sau lần đó, mẹ quan sát thấy không khí trong nhà đã có thay đổi. Bống ăn gì cũng để phần cho em. Đến thăm bà ngoại, Bống luôn nắm chặt tay Bi, trong cặp sách của Bi cũng thường xuất hiện đồ dùng học tập của chị. Bống lên cấp hai thường hay phải học buổi tối, những ngày mưa, Bi thường mang ô cho chị rồi hai chị em vui vẻ về nhà.

Không có liều thuốc nào có thể chữa lành những vết thương lòng bằng sự thiện lương, bằng tấm lòng khoan dung độ lượng giữa người với người. Nếu như trên đời này chỉ có lòng ích kỷ, tranh đấu thì con người sẽ ra sao và thế giới này sẽ như thế nào? Nhưng may mắn rằng sự lương thiện, từ bi của mỗi người vẫn luôn tồn tại. Bi và mẹ chính là đại diện cho điều đó, Bi là một cơn gió mát lành làm thay đổi thế giới của chị gái mình. Mẹ cũng rất tuyệt vời, luôn chú ý để các con không chịu tổn thương.

Một đứa trẻ có thể làm được những điều tuyệt vời như vậy bằng một trái tim nhỏ bé, vậy thì tại sao chúng ta không cố gắng làm nhiều điều hơn thế? Hãy cùng nhau làm cuộc sống này ý nghĩa hơn. Đừng suy nghĩ nhiều quá, chỉ cần tĩnh lặng xuống và hành động theo con tim mình.

San San (BD)

Video xem thêm: “Phép tắc người con” (Đệ tử quy)

videoinfo__video3.dkn.tv||4a1528235__