Có người ví tình thương của cha mẹ trong cuộc đời này giống như một bản trường ca, có khúc hào hùng, có khúc bi tráng. Cũng bởi tình thương ấy có lúc nhận được sự cảm ân, có lúc vấp phải sự vô tình của những người con. Câu chuyện về dòng sữa mẹ trong bài viết dưới đây vừa cảm động lòng người vừa vô cùng chua xót, như một lời nhắc nhở chúng ta hãy nhìn lại bản thân mình, nhìn lại tấm lòng mình dành cho cha mẹ.

Bà lão cầm trên tay cuốn sổ xét nghiệm ung thư gan thời kỳ cuối của ông lão nhà mình, vừa khóc vừa chạy đến trạm điện thoại trước cổng bệnh viện gọi điện cho con gái. Ở đầu dây bên kia, bà nghe những tiếng báo điện thoại không liên lạc được, điện thoại bàn trong nhà cũng không có người nghe.

Lau khô những giọt nước mắt lăn dài trên mặt, bà lão trở lại bệnh viện. Bà động viên ông lão: “Không có chuyện gì cả đâu, mình già rồi, trong người khó tránh khỏi có chút vấn đề, chỉ cần cố gắng tĩnh dưỡng sẽ ổn ngay thôi.”

Bà lão khi biết tin ông lão mắc bệnh nặng đã vô cùng đau khổ nhưng cố gắng trấn tĩnh bản thân (Ảnh minh họa)

Bài học sâu sắc bố mẹ chuẩn bị trong chiếc hộp 10 năm, khi mở ra cô khóc nghẹn

Làm xong thủ tục xuất viện, bà lão đỡ ông lão ra đón xe taxi và trở về nhà. Trên đường về, ông lão cảm thấy đói bụng, nên đã đề nghị bà lão dừng lại ở một quán ăn bên đường.

Vừa bước ra khỏi xe, bà lão nhanh chóng choàng áo ấm và khăn cho ông lão, sau đó họ dìu nhau vào quán ăn. Ở trong quán, ông lão chỉ gọi 3 món: một là chả giò chiên giòn, đây món mà ông thích ăn; một là gà hấp xả, đây là món bà thích ăn; còn có một đĩa sườn chua ngọt, đây là món mà cô con gái bảo bối của họ thích ăn. Bà lão ngồi nhìn ba đĩa thức ăn, nước mắt bà chảy ra từ hai khóe mắt buồn rầu và đầy thương nhớ. Tất cả mọi niềm vui, nỗi buồn của cả gia đình bỗng chốc ùa về.

Con gái của họ từ nhỏ đã thích ăn món sườn chua ngọt. Mỗi dịp cuối tuần, ông lão đi làm về đều mua một phần sườn chua ngọt cho con. Niềm hạnh phúc của hai vợ chồng đong đầy theo những năm tháng trưởng thành của con gái: từ khi cô bé bước chân vào trường mẫu giáo, lên tiểu học, trung học đến đại học và cho đến khi cô lấy chồng. Giờ đây, con trai lớn của cô đã học lớp hai tiểu học, món sườn chua ngọt của bố mẹ với cô đã không còn sức hấp dẫn nữa.

Cha mẹ mỗi ngày đều mong ngóng con gái về nhà (Ảnh minh họa)

Sống trên thành phố, thi thoảng cô gái đưa con trai về thăm ông bà ngoại, nhưng mỗi lần cũng chỉ ngồi lại một buổi chiều rồi lại vội vàng về. Trước ngày tết trung thu, chồng cô có về thăm cha mẹ và mang theo một giỏ quà, trước khi đi có dặn lại: “Nếu cha mẹ có chuyện gì thì cứ gọi điện cho chúng con.” Tuy nhiên, đã từ rất lâu, ông bà không nhận được điện thoại của con, thậm chí khi bà gọi họ cũng không có thời gian nhấc máy.

Hai ông bà lặng lẽ ngồi ăn cơm, không ai nói một lời nào, cũng không ai đụng tới đĩa sườn chua ngọt ấy. Về đến nhà, bà lão pha nước ấm chuẩn bị rửa chân cho ông lão, tuy nhiên, ông giữ bà ngồi lại trên ghế và nói: “Lần này hãy để tôi rửa chân cho bà vậy”.

Nhìn từng nếp nhăn trên đôi bàn chân già nua của bà lão, ông lão bật khóc: “Đây rất có thể sẽ là lần cuối cùng tôi rửa chân cho bà.”

Hôm sau, ông cụ đi ra ngoài từ sáng sớm, đến giữa trưa mới về. Nhìn dáng vẻ lo lắng của bà lão, ông nói: “Bà mang cho tôi món đồ mà hôm qua chúng ta đã cùng xem nhé”.

Nói rồi ông lão lấy từ trong túi áo ra một chiếc hộp rất tinh xảo, cẩn thận bỏ món đồ mà bà lão vừa mang ra vào trong và khóa lại. Làm xong, ông quay sang nhìn bà lão, gương mặt có vẻ mệt mỏi và thoáng chút buồn: “Tôi có ghé chỗ làm của con gái rồi, nó bảo hai ngày nữa sẽ qua đây”.

Hai hôm sau, cả nhà con gái trở về thăm ông bà. Nằm ở trên giường, gương mặt tái nhợt và không còn một chút hồng hào, ông lão nói với con gái: “Con à, cha e rằng mình không còn nhiều thời gian nữa. Mấy năm này, cha mẹ có tích cóp được một chút tiền, hãy để dành cho cháu ngoại của cha mai này ra nước ngoài du học”.

Sau đó, ông lấy ra chiếc chìa khóa nhét vào trong tay bà lão, nói: “Thứ này sau khi cha đi rồi, mẹ con cũng không được mở ra; sau khi mẹ con đi rồi, các con hãy mở ra xem. Nhất định phải nhớ lấy lời của cha, nếu không cha sẽ không thể yên lòng mà ra đi được” và ông lão đã không thể gắng gượng sang năm mới.

Thoáng cái đã 10 năm, bà lão sống vui vẻ và hạnh phúc cùng các con cháu. Khi cháu trai thi trung học, bà lão trên đường đưa cơm đã không may gặp tai nạn. Nằm trên giường bệnh, bà lão nắm lấy tay con gái, nước mắt tuôn trào và nói: “Con à, mẹ xin lỗi các con”.

Bào lão run run tháo chiếc chìa khóa luôn đeo bên mình trao cho con rồi thanh thản ra đi. Nhận chiếc chìa khóa, cô con gái mở chiếc hộp và tìm thấy trong đó một lá thư.

 “Gửi con gái yêu quý của cha mẹ

Khi con xem được lá thư cũng là lúc cha mẹ đã đoàn tụ ở cõi bên kia rồi.

Trong cuộc đời này, niềm vui duy nhất của cha mẹ chính là con, vướng bận duy nhất của cha mẹ chính là con, nỗi day dứt duy nhất của cha mẹ cũng là con. Cha mẹ thực sự xin lỗi con.

Mấy năm nay, nhà chúng ta ngoài việc cho con học đại học ra, thì không có được khoản tích cóp nào nữa. Sau khi con lấy chồng, cha mẹ uống thuốc khám bệnh, cũng không còn dư lại được bao nhiêu tiền, vậy nên cũng không có chút tài sản giá trị nào để lại cho con.

Phía bên dưới lá thư này chính là dòng sữa của mẹ con. Ngày xưa, khi cất giữ nó, cha xuất phát từ việc hiếu kỳ, bởi vì cha cảm thấy chất lỏng màu trắng sữa đó thật kỳ diệu, có thể khiến cho một sinh mệnh yếu ớt nhỏ bé như vậy mai này sẽ trở thành một thiếu nữ cao ráo xinh đẹp! Ngày cha nhận được kết quả xét nghiệm, cha mẹ đã cùng thu dọn các món đồ kỷ niệm và vô tình thấy được bình sữa này. Cha mẹ đã vô cùng kinh ngạc và xúc động, dòng sữa năm nào trải qua 40 năm cô đọng, đã biến thành màu nâu đỏ, giống như một bình máu loãng. Nhưng, trên đời này lại có mấy người con có thể biết được rằng bản thân chúng lớn lên chính là nhờ dòng sữa mẹ, dòng máu loãng ấy.”

Nước mắt không ngừng lăn dài trên mặt cô gái. Tất cả kí ức của những năm tháng qua xa xưa ùa về trong cô, từ những ngày cô háo hức với món sườn chua ngọt cha mua về, tới lần đầu tiên cô đến trường cùng mẹ và cả lúc cha dẫn cô vào lễ đường, ông khóc khi buổi lễ kết thúc. Cô vẫn luôn yêu thương cha mẹ mình, nhưng sự tất bật của cuộc sống khiến cô nghĩ rằng chỉ cần trong lòng cô luôn có cha mẹ là đủ rồi. Cô không nhận ra chỉ một cuộc gọi điện thăm hỏi hay đôi lần trò chuyện với cha mẹ lại chính là điều quý giá vô cùng với cha mẹ cô.

Hãy yêu thương cha mẹ khi còn có thể, bởi ta đâu biết ngày mai mang đến là điều gì (Ảnh minh họa)

Chúng ta trong cuộc sống nhiều bộn bề, lo toan này hẳn cũng đã có những lúc từ vô tình mà thành vô tâm như cô gái ấy. Nhưng cha mẹ của chúng ta có khi không thể đợi tới ngày ta nhận ra sự thiếu sót của mình, bởi vì đời người là hữu hạn. Cha mẹ dẫu trong hoàn cảnh nào vẫn luôn dành cho chúng ta vị trí quan trọng nhất trong trái tim họ, bởi vậy, chúng ta đừng bao giờ cô phụ những tấm lòng vị tha vĩ đại ấy. Hãy yêu thương cha mẹ và luôn nhớ về cha mẹ khi còn có thể, bởi ta đâu biết ngày mai mang đến là điều gì…

Thiện Sinh biên dịch

Lý Minh biên tập

Xem thêm: