Sinh ra ở miền quê sông nước, bên cạnh những kỷ niệm đẹp đẽ mà dòng nước hiền hòa mang tới, trẻ em vùng này cũng thường phải đón nhận những ký ức đầy ám ảnh, khi những người bạn của chúng đã bị dòng nước lũ cuốn đi…

Vùng sông nước Tháp Mười từng trải qua bao mùa bão lũ nhiều đau thương. Nhưng từ khi có lớp học bơi của bà Sáu Thia, mọi chuyện dường như khác hẳn.

Cứ mỗi dịp hè về, ở khúc sông quen thuộc với những người dân ở các ấp của Đồng Tháp, người ta lại thấy xuất hiện những bể bơi tạm thời được quây lại bằng những cọc tre và những tấm lưới rất đơn sơ. Bà Sáu Thia chính là người đã tạo ra những hồ bơi vuông vắn và vừa vặn với những đứa trẻ thấp bé nơi thôn quê ấy.

Bà Sáu Thia tên đầy đủ là Trần Thị Kim Thia, bà năm nay cũng đã bước sang tuổi 60. Hầu hết mọi phụ nữ ở tuổi của bà đã lên chức bà nội, bà ngoại, đang bận vui vầy, chăm sóc những đứa cháu của mình. Nhưng bà Thia lại khác, bà vẫn một mình đi về nơi căn nhà mà những người dân ở đây thương bà mà cất cho. Hàng ngày, bà đi bán vé số, đi bóc hạt sen hay đi bán hoa trái để kiếm tiền mưu sinh.

Cuộc sống lẻ bóng của bà Thia thoạt nhìn thật vất vả, thật buồn và cũng thật cô đơn, nhưng đó không hẳn là toàn bộ cuộc sống của người phụ nữ tóc cắt ngắn, da đen sạm và khuôn mặt đầy những nét khắc khổ này. Bởi bên cạnh cuộc sống của một người bán vé số cô đơn, bà còn một cuộc sống khác ý nghĩa và vui vẻ hơn rất nhiều. Gọi một cách hình ảnh, đó là cuộc sống của “một huấn luyện viên bơi lội”. Bà nhận lời dạy cho lớp tập bơi của huyện Tháp Mười mỗi dịp hè về.

Tuy nhiên, bà Thia không dạy những đứa trẻ miền sông nước bơi lội để tranh tài cao thấp, bà dạy đám trẻ bơi là để chúng biết cách tự cứu mình khi không may rơi xuống nước và không có ai ở đó để trợ giúp.

Đã từ 15 năm nay, mùa hè nào, trên những khúc sông quê yên bình của Đồng Tháp, nơi những chiếc bể bơi nhỏ tự dựng, tự chế, đều vang lên những tiếng đạp nước, tiếng trẻ con ngụp lặn, vẫy vùng, tiếng cười nói của lũ trẻ và cả tiếng chỉ dẫn sang sảng của bà giáo Sáu.

Người dân đi qua đây đều phải mỉm cười trước cảnh tượng, một đám trẻ ngây thơ, mắt đứa nào đứa nấy đều sáng ngời lóng ngóng làm những động tác tập bơi trên bờ. Bà Sáu rất cẩn thận, trước khi cho những đứa trẻ xuống bể bơi, bà luôn cho chúng khởi động kĩ càng, tập nhuần nhuyễn những động tác tay, động tác chân trên bờ để cơ thể thật sự nóng lên.

Dưới bể, bà đỡ cho từng em nhỏ học bơi, đứa nào cũng được bà đi sát cùng cho tới khi chúng học được cách làm người nổi lên, khua tay chân cho đúng để có thể tiến về phía trước. Những em bơi chưa tốt, bà sẽ cho bơi cùng một bạn khác, để chúng kèm nhau, khiến nhau tự tin hơn. Còn những đứa trẻ bơi tốt được bà động viên tiếp tập luyện tập chăm chỉ.

Sự tận tình của bà Sáu đã khiến lũ trẻ học được một kĩ năng sinh tồn quan trọng chỉ trong một mùa hè. Lớp học của bà đã khiến rất nhiều cha mẹ của vùng sông nước cảm thấy yên tâm. Có vị phụ huynh tâm sự, ở nhà, họ đã cố dạy con bơi ba bốn lần, nhưng đứa trẻ nhất quyết không học. Vậy mà tới lớp, bé ngoan ngoãn nghe lời bà Sáu, học chỉ một khóa là biết bơi. Công việc mà bà Sáu vẫn làm mỗi mùa hè này nhìn thật đơn giản nhưng nó mang thật nhiều ý nghĩa với những đứa trẻ vùng lũ.

Bà Sáu kể lại một trải nghiệm đáng nhớ của mình. Cách đây khoảng 10 năm, khi đó Gấm mới 6 tuổi nhà ở ấp 3. Trong một lần xuống sông đi vệ sinh, em bỗng trượt chân rơi giữa dòng nước. Em nhỏ này đã tự bơi được tới nơi an toàn nhờ đã học khóa bơi chỗ bà Sáu. Thời điểm đó, mỗi em nhỏ học xong sẽ được nhận 20 ngàn từ tài trợ của dự án lớp học bơi. Sau hôm tự cứu được mình, bé Gấm mang số tiền được nhận ấy đến tặng lại cho bà để tỏ lòng cảm ân: “Nhờ bà Sáu mà con té sông không chết”.

Không chỉ dành thời gian và tâm sức của mình cho lũ trẻ, bà còn không nhận một đồng học phí nào. Cả khi phụ huynh muốn gửi tới bà chút tiền bà đều nhất mực từ chối. Bởi bà làm công việc này vì tình yêu với lũ trẻ, vì không còn muốn nhìn thấy cảnh cha mẹ mất con đau đớn trong mùa lũ. Bà chỉ nhận số tiền ít ỏi 1,5 – 2 triệu đồng sau mỗi khóa học bơi mà xã trợ cấp cho để có tiền đổ xăng xe, từ đó mà chạy qua ấp này đến ấp khác để dạy bơi.

Tấm lòng của bà giáo già như làn gió lành của mùa hạ đi khắp bốn phương. Mới đầu chỉ có một, hai ấp là có trẻ em tới học lớp bà. Vậy mà giờ đây, trẻ con ở 5 ấp của huyện Tháp Mười đều biết bà giáo Sáu dạy bơi. Nếu tính cả 15 năm trong nghề huấn luyện của mình, bà Thia đã giúp hơn 2000 đứa trẻ biết tự bảo vệ mình khi rơi xuống dòng nước lớn.

Khi mùa hè trôi qua, khi người ta tháo những hồ bơi, khi những đứa trẻ quay trở lại trường, khi khúc sông quê trở về với sự yên ả vốn có, bà Thia lại quay về với cuộc sống trầm buồn, đượm chút cô đơn với những buổi bán vé số, những giờ lột hạt sen hay những ngày bán hoa quả. Kiên nhẫn kiếm sống và chờ đợi một mùa hè mới lại về. Chờ đợi khoảng thời gian bà được ở bên lũ trẻ, được dạy chúng bơi và cũng là để nhìn ngắm những ánh mắt thơ ngây, những nụ cười tươi rói đầy sức sống.

Khúc sông quê lúc này sao mà yên bình tới thế. Khúc sông chuyên chở bao phù sa để bồi đắp cho ruộng đồng và dòng nước ấy cũng chuyên chở cả tấm lòng bao la của người phụ nữ nghèo dành cho những đứa trẻ miền sông nước…

Hải Lam

Xem thêm: