Coffin house (nhà quan tài) là khái niệm đã trở nên quá quen thuộc đối với người Hồng Kông. Khoảng 200.000 người Hồng Kông đang sống trong những ngôi nhà như thế. Gọi là nhà, nhưng thực chất đó chỉ là một buồng nhỏ được ngăn bởi 4 tấm gỗ đủ chỗ để ngủ và treo vài bộ quần áo.

Gần như mọi sinh hoạt đều diễn ra bên trong không gian tù túng này. Chiếc giường không chỉ là chỗ để nằm mà còn là nơi để bày biện nhiều vật dụng khác, từ các loại chai lọ cho đến chén, bát, quạt…

Năm 2017 đánh dấu mốc thời gian 20 năm kể từ khi Anh trao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc. Với nền kinh tế tăng trưởng đều đặn 3,3%/năm trong suốt thời gian qua, nơi đây vẫn được xem là một trung tâm thương mại – tài chính lớn nhất châu Á.

Tuy nhiên, đi kèm với đó là tốc độ đô thị hóa chóng mặt và mật độ dân số cực cao. Theo số liệu đến năm 2017, dân số Hồng Kông là 7,7 triệu người, trong khi diện tích nơi này chỉ là 1.105 km2 dẫn đến mật độ dân số lên tới 6.968 người/km2, đứng hàng thứ 4 thế giới.

Điều này đã dẫn đến giá thuê nhà tại Hồng Kông đạt mức cao kỷ lục. Ông Lương Chấn Anh, trưởng đặc khu Hồng Kông, đã gọi cuộc khủng hoảng nhà đất này là “mối đe dọa tiềm tàng nghiêm trọng nhất” với xã hội, bởi chỉ có 7% đất tại Hồng Kông được quy hoạch để xây nhà ở.

Trong vài mét vuông sinh hoạt nhưng những người lao động vẫn phải trang bị đầy đủ những vật dụng cần thiết

Ngay giữa trung tâm thành phố xa hoa bậc nhất Châu Á này, người ta chia những căn hộ khoảng 40m2 thành gần 20 buồng ngủ hai tầng kín mít với diện tích chỉ khoảng 1,5 m2 và cho thuê với mức giá trung bình khoảng 300 USD/tháng (khoảng 6 triệu rưỡi VND) (theo Business Insider). Người thuê thuộc đủ loại lứa tuổi và giới tính. Họ là những lao động nghèo có thu nhập thấp, giúp việc, thợ thuyền, sinh viên… và không còn bất cứ sự lựa chọn nào khác bởi giá nhà đã tăng tới 50% trong vòng 5 năm qua.

Người ta chia những căn hộ khoảng 40m2 thành gần 20 buồng ngủ hai tầng kín mít với diện tích chỉ khoảng 1,5 m2 và cho thuê với mức giá trung bình khoảng 300 USD/tháng

Liên Hợp Quốc đã chỉ trích điều kiện sống này là “sự xúc phạm phẩm giá của con người”. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, chính quyền Hồng Kông vẫn chưa giải quyết được vấn đề bức thiết và nan giải này. Khoảng 283.000 người đang trong danh sách chờ mua nhà trợ cấp, và thời gian chờ đợi trung bình cho đến khi họ có thể mua là 4,7 năm.

Một căn phòng nơi toilet và nhà bếp ở cạnh nhau.

Thực tế, nhiều người lao động tìm đến Hồng Kông và mơ về một tổ ấm với đầy đủ phòng khách, bếp, phòng ngủ… trong những tòa chung cư cao chót vót. Tuy nhiên, cuối cùng, họ đã không thể làm được gì hơn ngoài việc “mắc kẹt” trong những “ngôi nhà tí hon”, lọt thỏm giữa những cao ốc tại một trong những thành phố đẹp nhất châu Á.

Một khu nhà lồng điển hình. 10 năm trở lại đây, người ta thay những lưới thép này bằng những ván gỗ

“Hôm đó, tôi trở về nhà và bật khóc”, nhiếp ảnh gia Benny Lam chia sẻ với National Gegraphic sau khi tận mắt chứng kiến và trải nghiệm môi trường sống nói trên. Anh quyết định thực hiện series ảnh “Trapped” (Tạm dịch: Mắc kẹt) với mong muốn cho cả thế giới thấy cuộc sống ngột ngạt của một bộ phận người dân nơi đây đã bị ánh sáng đèn neon hào nhoáng của Hồng Kông làm lu mờ và rơi vào quên lãng.

Tất cả hoạt động đều diễn ra trong không gian vô cùng chật hẹp

“Từ nấu ăn đến ngủ nghỉ, tất cả hoạt động đều diễn ra trong không gian vô cùng chật hẹp. Điểm chung của tất cả những người thuê nhà này là họ khó có thể làm gì khác ngoài việc nằm. Việc đứng dậy cũng rất khó thực hiện” – Lam cho biết.

Nhiều người tới Hồng Kông và mơ về 1 căn hộ tiện nghi trong những chung cư cao chót vót. Tuy nhiên, họ lại “mắc kẹt” trong những ngôi nhà tí hon

“Tôi còn sống sờ sờ ra đây nhưng lại bị nhốt trong 4 tấm ván quan tài…”. Những người sống trong những căn nhà có khi chưa đầy 1,5 m2 ở Hong Kong chua xót cảm thán.

Những người lao động nghèo nơi đây đã bị ánh sáng đèn neon hào nhoáng của Hồng Kông làm lu mờ và rơi vào quên lãng….

Không phải ngẫu nhiên mà những “ngôi nhà tí hon” này được gọi là quan tài; những người lao động nghèo vẫn thường đùa vui với nhau rằng: Tất cả những vật dụng cần thiết để một người chết mang sang thế giới bên kia đều đã được chuẩn bị đầy đủ ở đây rồi, vấn đề chỉ là khi nào sẽ rời đi mà thôi…

Linh An

Xem thêm: