Mỗi căn nhà đều có dấu vết của con người cùng đồ vật gắn bó với những kỉ niệm. Mỗi thành phố luôn ẩn chứa trong nó bao nhiêu vết tích tàn dư của lịch sử. Hôm nay, lật lại từng trang ký ức đang dần bị lãng quên bởi thời gian, tôi muốn làm sống lại một con người, để chúng ta lại có dịp gọi tên ông thêm một lần, và rất nhiều lần nữa… Lịch sử đời đời nhớ đến ông – bác sĩ, nhà bác học Alexandre Yersin, không phải chỉ trong những trang giấy, mà còn trong cả trái tim những người ở lại.

Nếu bạn đã từng một lần được tiêm chủng, chích ngừa…hãy biết ơn người đã cứu mạng mình.

Nếu bạn đã từng được thưởng thức một ly cà phê hay ca cao nóng… hãy nhớ ơn người đã mang chúng về Việt Nam

Nếu bạn đã từng được ăn cà rốt, súp lơ, su su… hay ngắm nhìn vẻ đẹp của hoa lay-ơn, cẩm tú cầu… đừng quên người đã trồng nên chúng…

Đón xem: Phần 1

***

Bởi tình yêu với thành phố biển Nha Trang, bác sĩ Alexandre Yersin đã quyết định dành cả cuộc đời mình cho mảnh đất này. Ông dựng nhà từ một lô cốt 2 tầng bỏ hoang lâu ngày và mở phòng khám cho bà con ở xóm Cồn. 

Sống bình dị nơi xóm Cồn

Dù là một tỷ phú, cổ đông chính của Hongkong and Sanghai Bank (nay là ngân hàng HSBC) nhưng Alexandre Yersin luôn thích sống cùng những người dân lao động nghèo. Người dân nơi đây hàng ngày tiếp xúc với ông, họ không hề có cảm giác xa lạ như một người nước ngoài, mà thấy gần gũi như người làng. Vậy nên, họ gọi ông với cái tên thân thương là “ông Năm”.

Bác sĩ Alexandre Yersin. (Ảnh: pinterest.com)

Ông Năm chẳng bao lâu đã trở thành bạn với đám trẻ con. Thỉnh thoảng, ông cho chúng kẹo và tiền lẻ để mua quà. Ông cũng thường xuyên chiếu phim cho chúng xem, dạy chúng về thiên văn, khí tượng. Có lần, chúng đánh vỡ chậu hoa, ông chẳng những không nổi giận mà còn căn dặn người giúp việc: “Đừng rầy đánh, người ta sợ”.

Lầu ông năm. (Ảnh:uk.wikipedia.org)

BS Kiều Xuân Cư – người may mắn từng được tiếp xúc với ông Năm kể lại:

“Nhà Yersin sát bãi biển, có thư viện mở và tủ sách hồng dành cho trẻ em. Kỷ niệm cách đây hơn tám mươi năm, nhưng tôi vẫn nhớ giọng nói của “ông Năm” mỗi lúc gọi chúng tôi là “người bạn nhỏ thân thiết”. Ngày ấy, tôi thường cùng đám bạn khoảng 12 – 14 tuổi, đạp xe từ Thành (Diên Khánh) xuống Nha Trang tắm biển, mỗi lần vào thư viện của bác sĩ hỏi mượn sách, đều được ông phát kẹo và được nói chuyện bằng tiếng Pháp”

Thời ấy, người dân xóm Cồn có thói quen hay uống rượu say, cãi lộn, chửi bới, gây gổ, thậm chí ẩu đả. Ông Năm lặng lẽ lấy máy quay phim, ghi lại những chuyện không hay ấy. Sau đó, mời mọi người đến xem phim, hỏi họ có hay không, đẹp không? Ai cũng cảm thấy xấu hổ. Nhờ đó mà xóm Cồn gần như không còn nạn say rượu, chửi rủa hay đánh nhau.

Xóm cồn và lầu ông Năm. (Ảnh: delcampe.net)

Vì Nha Trang thường có bão táp nên ông Năm làm thêm trên nóc nhà một vòng tròn để dựng kính thiên văn. Nhờ đó, ông biết được thời tiết nắng mưa để giúp ngư dân đi biển. Ông làm hai cái bồ to, có đường kính một mét, trên sơn màu đen. Khi có bão, hai cái bồ được kéo lên hai cây cột bằng phi lao trên núi Sinh Trung để báo hiệu. Thời bấy giờ, ngư dân tránh được tai họa do bão cũng đều là nhờ ông. 

Tháng 11 năm 1939, đoán biết rằng một cơn bão lớn sẽ đổ vào bờ biển Nha Trang, ông Năm vội tập trung tất cả ngư dân xóm Cồn vào trong nhà mình. Cơn bão biển dữ dội đêm ấy đã cuốn trôi nhiều nhà cửa xóm Cồn, nhưng bà con vẫn an toàn. Từ hôm ấy, ông Năm được nhiều người dân xóm Cồn tặng cho danh hiệu “người đã trị cơn sóng thần”.

Nhà nhân văn lớn nặng lòng với dân nghèo

Người dân xóm Cồn lưu truyền rất nhiều câu chuyện về ông Năm của họ. Kể rằng, một hôm đi xe đạp từ nhà đến sở, ông Năm bị một tài xế bất cẩn đụng ngã. Không nói một lời nào, ông vội vã dựng xe đạp lên, rồi đi đến viện để băng bó, không đả động gì đến lỗi sai của người tài xế.

Dù là một tỷ phú, nhưng Alexandre Yersin luôn thích sống cùng những người dân lao động nghèo. Người dân nơi đây gọi ông với cái tên thân thương là “ông Năm“. (Ảnh: delcampe.net)

Lần khác, ông gặp người nông phu nằm ngủ trên chiếc xe bò dưới gốc cây bàng. Mặt trời lên cao, bóng mát đổi chiều, ông bảo những người phụ tá đẩy xe bò vào chỗ mát cho họ ngủ ngon. 

Ông Năm bỏ tiền riêng thuê kéo ống nước, đặt máy nước nhiều nơi cho dân sử dụng. Ông còn thường khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho dân nghèo. Ông tự coi mình như một người dân trong làng, một người có phần may mắn hơn người khác, vì vậy ông thấy cần có bổn phận an ủi và giúp đỡ những người kém may mắn hơn.

Mẹ hỏi con có thích ngành y không. Có và không. Con rất vui được chữa trị cho những người đến nhờ con khám, nhưng con không muốn biến y học thành một cái nghề, nghĩa là con sẽ không bao giờ có thể đòi một người bệnh trả tiền vì đã chữa bệnh cho người đó. Con coi y học là thiên chức, là mục vụ. Đòi tiền để chữa trị cho bệnh nhân thì chẳng khác nào nói với người đó rằng: tiền hay mạng sống.

(Trích Thư gửi mẹ của bác sĩ Alexandre Yersin)

Alexandre Yersin trong phòng làm việc của ông tại Viện Pasteur vào năm 1900. (Ảnh: pasteur.fr)

Alexandre Yersin đến với người Việt bằng một tấm lòng nhân văn và chân thật hiếm có. Ông thông thạo tiếng Việt, sống chan hòa, vui buồn cùng bà con, như những người thân trong nhà. Có người bảo ông không có vợ và phải sống cô độc, nhưng tôi cho rằng, ông không cô độc chút nào. Ông có một trái tim đủ lớn để yêu thương và bao dung tất cả mọi người. 

Trần Phong