Tương truyền rằng có một vị quý tộc Mạc Phủ của Nhật Bản từng vô tình làm vỡ chiếc bát mà mình rất yêu quý. Ông đã rất thất vọng khi những thợ thủ công Trung Quốc sửa chửa lại những vết nứt bằng những ghim kim loại xấu xí. Vì vậy ông đã gửi gắm chiếc bát cho những thợ thủ công Nhật bản.

Tất cả những gì ông nhận được là những cái ghim kim loại xấu xí (Ảnh: Wikipedia)   

Và rồi một diện mạo mới của chiếc bát được khám phá, khi những vết nứt được lấp đầy bởi những vỉa vàng óng ánh, người ta vô tình phát hiện ra rằng nó cũng có sự cuốn hút kỳ lạ. Nó cũng là đại diện cho một triết lý sống vô cùng sâu sắc và đáng để học hỏi.

(Ảnh: Pa Ti Pa Siempre)

Thiền tông Nhật Bản đã xây dựng một quan điểm triết học dựa trên những chiếc bát vỡ. Qua nhiều thế kỷ, các thiền sư cho rằng không nên vứt bỏ những bình gốm và bát sứ đã bị tổn thương. Dù chúng hư hỏng như thế nào đi chăng nữa, chúng vẫn cần nhận được sự tôn trọng và có thể được chữa lành nếu ta đặt đủ tâm huyết vào việc đó. Quá trình sửa chữa ấy chính là biểu tượng của sự hàn gắn vết thương qua thời gian. Và triết lý đó được khái quát bằng một từ: Kintsugi, trong đó “kin” có nghĩa là vàng, và “tsugi” là hàn gắn.

Nghĩa đen có của cụm từ này là hành động hàn gắn bằng vàng. Khi các mảnh vỡ của chiếc bình gốm vương vãi trên sàn, người ta sẽ nhặt lại chúng một cách cẩn thận. Và sau đó dùng một loại keo làm từ bột vàng để gắn các mảnh ghép lại với nhau. Các nghệ nhân thay vì cố gắng che dấu những vết thương của tác phẩm gốm sứ lại lựa chọn cách làm ngược lại, biến nó trở nên đẹp đẽ và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Một triết lý thiền ẩn chứa trong những vết nứt (Ảnh: Icon Art Magazine)

Nhưng nghĩa bóng của cụm từ này còn thâm sâu hơn rất nhiều. Triết lý Kintsugi bắt nguồn từ thiền học và có mối liên hệ mật thiết với Wabi Sabi: Tôn trọng những gì đơn giản và cũ kĩ – Đặc biệt là khi thứ đó đã phải trải qua sương gió và gian truân.

Có một câu chuyện khác về nghệ thuật Kintsugi liên quan tới trà đạo. Sen No Rikyu – một vị trà sư nổi tiếng có lần tới thăm nhà một người bạn, để tỏ lòng hiếu khách, người bạn của ông đã sử dụng bình trà đẹp nhất để pha trà. Thế nhưng, Rikyu không thèm quan tâm tới bình trà đó mà chỉ nói những chuyện về phong cảnh và hoa lá. Điều này khiến người bạn của ông rất thất vọng và sau khi Rikyu rời đi, chính tay người chủ nhà đã đập vỡ chiếc bình yêu thích của mình.

Những vị khách khác thấy vậy liền nhặt lại những mảnh vỡ và dán chúng bằng nghệ thuật Kintsugi. Sau này khi Rikyu quay lại nhà người bạn ông đã cầm chiếc bình lên và mỉm cưới thông thái, tán thưởng rằng đây đúng là một kiệt tác.

Cách đối xử của chúng ta với những vết nứt

Những câu chuyện nhỏ về Kintsugi cũng tiết lộ cho con người hiện đại một phương pháp để đối diện với những thất bại trong quá khứ. Trong xã hội tôn thờ cái mới, tôn thờ sự thành công và mỹ mãn, đã đến lúc ta cần nhìn nhận một cách công bằng hơn với những điều bị cho là cũ kỹ và thiếu sót.

Tất cả chúng ta đều phải trải qua những lần bị tổn thương trong đời. Nhưng việc những tổn thương ấy được lấp đầy bởi sự tự tin hay sự đau khổ lại nằm ở chính quyết định của bạn. Khi lựa chọn đứng lên và học hỏi từ những gì mình đã trải qua, ta có quyền tự hào rằng mình cũng có những vết nứt bằng vàng lấp lánh. Bạn đang trở nên mạnh mẽ và tốt đẹp hơn từng ngày nhờ những vết nứt đó. 

Kintsugi giúp chúng ta chấp nhận rằng, mình không hoàn hảo và người khác cũng thế, không cần phải xấu hổ với những chuyện đã qua, bởi mọi chuyện đều có nguyên do của nó. Thay vào đó ta nên biết trân trọng và biến nó thành điểm nhấn cho “chiếc bát cuộc đời”.

Trọng Đạt