Canada là quốc gia lớn thứ 2 trên thế giới, cùng với phạm vi rộng lớn là sự đa sắc tộc, đa văn hoá trong ‘đất nước lá phong’ này. Tuy nhiên, vẫn có những nét đặc trưng nhất định trong các phong tục tập quán và văn hoá truyền thống của Canada.

Gần đây, một người Trung Quốc nhập cư tới Canada đã chia sẻ bài viết có tựa đề: “Kỳ thực Canada không giống như người Trung Quốc tưởng tượng”. Bài viết đã nhận được sự chú ý và phản hồi tích cực của đông đảo cộng đồng mạng.

Tác giả bài viết chia sẻ: Bạn có thể thích ứng khi nhập cư tới đây hay không, có cảm thấy yêu mến đất nước này hay không, tất cả đều xuất phát từ việc bạn mong muốn sống trong môi trường như thế nào. Đây là điểm mà tôi có cảm nhận vô cùng mãnh liệt khi tới Canada.

1. Văn hoá đa sắc màu

Văn hoá Canada chịu ảnh hưởng lớn từ Anh và Pháp bởi quá trình xâm lược lâu dài của hai đất nước này. Kết hợp với văn hoá bản địa vốn có, văn hoá Canada mang những nét rất riêng.

Canada còn là đất nước có số lượng người nhập cư vô cùng lớn. Những người từ khắp mọi nơi trên thế giới mang theo các quốc tịch và tôn giáo khác nhau đã góp phần làm nên sự đa dạng trong bản sắc văn hoá tại đất nước lá phong. Với sự cởi mở tiếp nhận mọi sự khác biệt trong văn hoá, Canada là điểm đến yêu thích của rất nhiều cư dân trên thế giới.

Một Canada với văn hoá đa sắc màu. (Ảnh dân theo kienthucduhoccanada.com)

2. Cơ sở vật chất hoàn hảo

Trước khi ra ngoại quốc, tôi thường nghe nói nước ngoài là thiên đường dành cho trẻ em. Khi tới Canada tôi mới thấy câu nói này quả là không sai. Tại đây, cho dù là thành phố lớn hay nhỏ, đâu đâu cũng có một mạng lưới dày đặc các công viên và khu vui chơi giải trí cho trẻ em.

Lâu đài mê cung, khung xoay, cáp thể dục, đài phun nước âm nhạc nhiều tới mức chóng mặt. Cứ tới cuối tuần hoặc sau bữa tối, có thể thấy những đứa trẻ với các màu da khác nhau tập trung tại đây. Nhìn các em vui chơi thỏa thích khiến người ta cảm giác đây đúng là thiên đường giải trí cho mọi người.

Ngược lại, tại nhiều quốc gia châu Á hiện nay, hầu như trẻ em không được chơi đùa hòa mình vào thiên nhiên. Trong các thành phố công nghiệp, các em tiếp xúc chủ yếu với điện thoại và máy tính. Cho dù có khu vui chơi giải trí nhưng cơ sở vật chất tại đó đều không đầy đủ và phong phú cho các em thoả sức thể hiện mình.

Không chỉ cơ sở vật chất cho trẻ em mà những thiết bị vận động và thể dục trong các khu dân cư ở đây cũng được đầu tư. Ở điểm này người dân Canada không hề tỏ ra “thua chị kém em” với người láng giềng Mỹ giàu có của mình.

Ở các khu dân cư trong nhiều thành phố lớn tại Canada đều có sân bóng đá, tennis, bể bơi và tất cả đều cung cấp miễn phí cho người dân.

Mùa hè năm ngoái, anh chị tôi sống ở New Jersey Mỹ tới thăm gia đình chúng tôi. Anh rể tôi là một người ham mê tennis nên lúc nào cũng mang theo vợt tennis bên mình. Khi tới thăm chúng tôi, cả hai đều ngạc nhiên khi tất cả sân tennis tại đây đều mở cửa hoàn toàn miễn phí.

Ở Canada cho dù là thành phố lớn hay nhỏ đều có một mạng lưới dày đặc các công viên. (Ảnh dẫn theo duhoc-canada.vn)

3. Môi trường sống

Điều làm tôi cảm thấy yêu thích nhất khi sống tại Canada chính là môi trường sống nơi đây. Căn nhà nơi tôi sống khi còn ở Trung Quốc rất tốt và tôi cũng là người rất cầu kỳ trong trang trí nhà cửa. Tuy nhiên, khi bước chân ra khỏi cửa, vẫn luôn có những điều làm tôi không dễ dàng chấp nhận. Trong thành phố sầm uất náo nhiệt đó, nơi đâu cũng có tiểu thương và người bán hàng rong, chỗ nào cũng thấy rác và giấy vụn.

Còn hiện tại, bên ngoài cửa sổ nhà chúng tôi là công viên Angrignon tuyệt đẹp và đây thật sự có thể coi là khu rừng rậm với rất nhiều con sông nhỏ nước trong veo uốn lượn quanh co. Ở khắp mọi nơi trong công viên, đâu đâu cũng thấy những chú chim hải âu trắng, những chú sóc đang chơi đùa hay thậm chí là loài sếu trắng quý hiếm.

4. Chế độ phúc lợi xã hội

Người Á Đông thường có thói quen cất giữ tiền, cho dù phải nhịn ăn nhịn mặc cũng muốn có tiền cất giữ. Đây kỳ thực là biểu hiện của một chế độ phúc lợi xã hội yếu kém.

Tại châu Á có một câu ví von rằng, có hai ngọn núi đang đè lên đầu mỗi chúng ta:

Thứ nhất là khám chữa bệnh: Với các loại bệnh, đặc biệt là các bệnh nặng đôi khi phải khuynh gia bại sản, cả gia đình cũng khó có thể chi trả được tiền viện phí và thuốc men;

Thứ hai là giáo dục cho trẻ nhỏ: Thông thường, chi phí cho một đứa trẻ học từ mẫu giáo tới đại học là một khoản tiền khổng lồ. Đối với những gia đình bình thường, đây quả là một gánh nặng vô cùng to lớn.  

Nhưng tại Canada, hơn nửa thế kỷ trở lại đây hệ thống bảo vệ quyền lợi của xã hội vô cùng hoàn thiện. Hiện nay Canada đã trở thành một trong những nước công nghiệp giàu có nhất trên thế giới, mặc dù người dân Canada chỉ có 5% là nông dân, tuy nhiên đây lại là một trong những quốc gia chủ yếu xuất khẩu lương thực của thế giới. Chính phủ thông qua việc thu thuế để điều tiết thu nhập, hạn chế chênh lệch về khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, đồng thời xây dựng hệ thống y tế cũng như hệ thống giáo dục miễn phí trong toàn dân.

Tại Canada y tế và giáo dục là miễn phí. Ảnh dẫn theo duhoccanadauytin.edu.vn

5. Thu thuế và trợ cấp

Thuế suất của Canada cao hơn của Mỹ, tuy nhiên tư tưởng cơ bản trong việc thu thuế của chính phủ Canada là để lấy của người giàu chia cho người nghèo và ngăn chặn sự chênh lệch quá mức giữa hai tầng lớp.

Tại Canada, những người có thu nhập siêu cao sẽ phải chịu một khoản tiền thuế khá lớn và khoản thu này lại được phân bổ cho người nghèo. Một cô bạn của tôi kết hôn với bác sĩ chuyên khoa, lương một năm 210.000 đô la Canada. Tuy nhiên mỗi năm tổng cộng tiền thuế mà anh ta phải nộp cho liên bang và cho tỉnh đã vượt quá 80.000 đô và chỉ đủ nuôi hai người có thu nhập thấp trong gia đình.

Những đại gia bất động sản giàu có mỗi năm còn bị thu một khoản lớn tiền thuế bất động sản và thuế trường học. Nếu bạn có một căn biệt thự hàng chục triệu đô ở Mount Royal thì mỗi năm bạn phải nộp thuế cho căn biệt thự này khoảng vài trăm nghìn đô – một mức đủ để cứu trợ hơn 10 hộ gia đình nghèo khó nơi đây.

Ngược lại, những người nghèo được hưởng rất nhiều khoản trợ cấp và hầu như họ không cần nộp thuế. Trẻ nhỏ thì mỗi tháng được trợ cấp tiền sữa còn người lớn có tiền trợ cấp nhà ở và tiền hoàn thuế vào cuối năm. Các khoản tiền trợ cấp đó tuy không nhiều nhưng đảm bảo duy trì sinh hoạt cơ bản là không vấn đề. Không những vậy, cả nhà đều có bảo hiểm y tế miễn phí và con trẻ đi học cũng lại miễn phí. Người nghèo ở đây dù nghèo nhưng vẫn nghèo một cách rất vui vẻ.

Một người bạn của tôi cũng di cư sang Canada, vợ chồng họ có một cậu con trai hơn 1 tuổi. Khi mới bắt đầu nhập cư, hai vợ chồng vì công việc nên phải đi học nhưng mỗi tháng họ có tiền học bổng và tiền vay là hơn 1.500 đô la, tiếp nữa là trợ cấp tiền sữa của con, tổng mỗi tháng họ có 2.000 đô tiền trợ cấp. Khi người vợ có bầu bé thứ hai, họ lại nhận được trợ cấp tiền sữa và tiền học bổng mỗi tháng cũng tăng thêm 830 đô la.

Hai vợ chồng nhập cư đã được 1 năm, mặc dù chưa thể đi làm nhưng cũng tiết kiệm được vài nghìn đô. Khi họ chia sẻ với tôi về chế độ phúc lợi, tôi nói: “Kỳ thực khoản tiền chính phủ trợ cấp không chỉ dừng lại ở đó. Nếu con của một người nhập cư bắt đầu đi học, họ sẽ được lĩnh khoản tiền trợ cấp là 10.000 đô”.

Trên thực tế, để loại bỏ trở ngại về ngôn ngữ và có thể tiếp nhận nền giáo dục của đất nước mình, chính phủ của quốc gia di dân này thực sự đã phải đầu tư một khoản tài chính khá lớn cho những người dân nhập cư.

Tại Canada, mặc dù có tồn tại khoảng cách giàu nghèo nhưng việc phân bổ của cải đều có xu hướng công bằng. Khoản chi tiêu để bảo đảm chính sách xã hội luôn là mục tăng trưởng nhanh nhất trong dự toán của chính phủ. Riêng tiền bảo hiểm cho người già mỗi năm cũng chiếm 15% chi phí của chính phủ lên bang. Tiền trợ cấp thất nghiệp chiếm 7%, tiền bảo hiểm xã hội chiếm 25%.

6. Dưỡng lão

Tại Canada, chế độ dưỡng lão của chính phủ cũng là một vấn đề đáng đề cập. Một người khi bắt đầu đi làm và nộp thuế sẽ có khoản tiền dưỡng lão định mức. Thông thường nó được tích lũy và tăng dần theo từng năm tháng tham gia lao động, cho tới khi nghỉ hưu số tiền này đạt khoảng vài trăm nghìn đô la Canada, thậm chí lên tới vài triệu. Tôi nhớ chủ nhà người da trắng của tôi từng kể rằng cụ sống độc thân và có số tiền dưỡng lão là 600.000 đô. Lúc cụ bán nhà cho chúng tôi, cụ lại được thêm vài trăm nghìn đô nữa, tiền nhiều như vậy không biết mình cụ tiêu tới bao giờ cho hết?

Một người khi bắt đầu đi làm và nộp thuế sẽ có khoản tiền dưỡng lão định mức. (Ảnh dẫn theo dailymail.co.uk)

Bởi vậy mới nói ở Canada và Bắc Mỹ, người có tiền và nhàn rỗi nhất suốt ngày lái xe BMW và Mercedes chính là các cụ già. Các cụ có thể sống một mình hoặc vào viện dưỡng lão. Khái niệm về viện dưỡng lão ở đây với sự thê lương của viện dưỡng lão tại các quốc gia châu Á là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Hầu như các viện dưỡng lão ở đây đều được xây dựng gần đường giao thông thuận tiện và ở những nơi phong cảnh đẹp như tranh. Trang thiết bị trong đó thì rất đầy đủ và có các loại phòng tập thể dục, bể bơi và khu chăm sóc đặc biệt.

Vào mùa hè, ở hai bên bờ sông Lawrence bạn sẽ nhìn thấy trong sân của viện dưỡng lão có các cụ già đang ngồi trên xích đu, có cụ già đang khiêu vũ. Cuộc sống của các cụ già ở đây đầy tình thơ ý họa và vô cùng tươi đẹp chứ không như trong ấn tượng của chúng ta.

Tại Canada cũng tồn tại vấn đề già hóa dân số, tuy nhiên nguồn dân nhập cư là những người trẻ tuổi không ngừng gia tăng sẽ làm chậm tốc độ già hóa đó. Hơn nữa, với một quốc gia phát triển như Canada đảm bảo đủ tài chính để giải quyết vấn đề dưỡng lão và chế độ phúc lợi cho người già không phải là trở ngại.

Thông thường chỉ cần sống ở Canada đủ 10 năm, sau 65 tuổi mỗi tháng đều có tiền trợ cấp dưỡng lão của chính phủ. Đối với một người già cho dù cả đời chưa từng đi làm ở Canada thì số tiền này đảm bảo đủ cho những sinh hoạt cơ bản hằng ngày.

Bình Nhi

Xem thêm:

Từ Khóa: