Lạc Sơn Đại Phật, còn gọi là Lăng Vân Đại Phật, là bức tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới. Bức tượng tạc vị Phật Di Lặc với đôi mắt hơi mở đang từ bi nhìn xuống chỗ hợp lưu của ba con sông bên dưới. Nhưng trong tiến trình lịch sử của xã hội nhân loại, người ta đã bốn lần chứng kiến bức tượng Phật này chảy nước mắt.

Bức tượng Phật Di Lặc được tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân, nằm ở chỗ hợp lưu của ba con sông là Mân Giang, Đại Độ và Thanh Y ở miền nam tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Công việc tạc bức tượng được khởi đầu vào năm 713, dưới triều đại nhà Đường và mất 90 năm để hoàn thành.

Bức tượng Lạc Sơn Đại Phật được tạc vào vách đá của núi Lăng Vân

Bức tượng Phật này cao 71m, hoàn toàn được tạc từ đá, ngoại trừ phần tai bằng gỗ được bọc đất sét. Đặc biệt, phần tóc của Phật là 1021 lọn tóc xoắn ốc được xếp cạnh rất đều đặn và vô cùng cẩn thận. Hai bên tượng Phật có hai hộ pháp, cao khoảng 16m, thân mặc chiến bào, tay cầm pháp khí.

Đối với người Trung Quốc cổ đại, việc xây dựng một bức tượng Phật có kích thước và tấm vóc to lớn là cách thể hiện sự tôn kính và tín ngưỡng đối với các vị Phật. Vì thế, bức tượng Phật được đặt ở nơi đó với hy vọng thuyền bè qua lại sẽ bình yên vượt qua vùng nước dữ.

Bàn chân của tượng Phật Di Lặc

Có lẽ xuất phát từ tấm lòng tôn kính và chân thành của con người, với hi vọng tượng Phật sẽ bảo hộ cho con người nên mỗi khi có tai nạn to lớn xảy ra, tượng Phật đều rơi lệ. Cụ thể, Lạc Sơn Đại Phật đã bốn lần nhắm mắt và rơi lệ vào những năm 1962, 1963, 1976 và 1994.

Lần thứ nhất năm 1962 – Nạn đói lớn dưới thời Mao Trạch Đông

Lần đầu tiên người ta thấy tượng Phật Di Lạc chảy nước mắt là vào một đêm năm 1962. Đây là năm đỉnh điểm của thời kỳ đói khát, thiếu lương thực trầm trọng, ba năm liền hạn hán tại Trung Quốc do chính sách sai lầm của Mao Trạch Đông. Khắp đường phố, xóm làng đầu đâu cũng thấy người chết, chỉ tính riêng Tứ Xuyên đã có khoảng gần 10 triệu người chết đói. Vì không đủ sức lực để đào mộ chôn cất nên người chết được quấn trong những tấm chiếu và thả trôi sông.

Bức tượng Phật Di Lặc nhắm mắt vào năm 1962, thời điểm xảy ra nạn đói trầm trọng

Chính vào lúc này, những người còn sống lang thang đã chứng kiến hai mí mắt bức tượng Phật nghìn năm tuổi bỗng nhiên khép lại và có vệt đen giống hệt như vệt nước chảy dài từ đôi mắt. Bức tượng Phật nhắm mắt khi hàng ngàn thi thể trôi nổi trên chỗ hợp lưu của ba con sông từ phía thượng nguồn. Một bức ảnh chụp lại khung cảnh này vẫn đang được trưng bày tại hội trường của Triển Lãm Lạc Sơn.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phái một nhóm các nhà khoa học đến điều tra. Họ đã không thể đưa ra câu trả lời nào và cũng không có một báo cáo nào được đưa ra. Sau đó bức tượng Phật đã tự động trở lại trạng thái mở mắt khi xưa.

Lần thứ hai năm 1963 – Cách mạng Văn hóa

Hiện tượng kỳ bí của Lạc Sơn Đại Phật diễn ra lần thứ 2 vào một đêm năm 1963, khi nạn đói tại Trung Quốc và Tứ Xuyên không có dấu hiệu thuyên giảm. Năm 1963 cũng là cột mốc đánh dấu sự bắt đầu của cuộc Cách mạng Văn hóa tàn khốc. Một lần nữa, chính quyền Trung Quốc đã chỉ thị tu sửa lại bức tượng.

Tượng Phật rơi nước mắt vào năm 1963, năm bắt đầu Cách mạng Văn hóa tàn khốc

Điều hết sức kinh ngạc là, mặc dù đã tiêu tốn gần 6,5 triệu đô-la vào cho công việc tu sửa nhưng vệt nước mắt trên gương mặt bức tượng Phật vẫn không thể bị phai mờ.

Lần thứ 3 năm 1976 – Động đất tại Đường Sơn, Tứ Xuyên

Tháng 7 năm 1976, người dân Lạc Sơn lại một lần nữa chứng kiến Lạc Sơn Đại Phật nhắm mắt và rơi lệ khi trận đại địa trấn xảy ra ở Đường Sơn cướp đi sinh mạng của khoảng 650.000 người do thiếu sự cảnh báo từ trước và do chính phủ từ chối viện trợ quốc tế.

Không chỉ hai mắt nhắm lại và chảy nước mắt, bức tượng Phật cũng thể hiện một gương mặt giận dữ.

Lần thứ 4 năm 1994 – Nước mắt biến thành nụ cười

Năm 1994, Lạc Sơn Đại Phật đã trở thành điểm thăm quan thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước. Ngày 7/6 năm đó, du khách đến thăm tượng Phật khi đi thuyền trên sông đều khẳng định đã chứng kiến tượng Phật rơi lệ, nước mắt nối nhau chảy, cả khuôn mặt, cơ hàm và cơ thể dường như cũng rung chuyển.

Tuy nhiên, khi một chiếc thuyền cập bến neo vào bờ, mọi người liền nhìn thấy tượng Phật bắt đầu mỉm cười, mặc dù hàng nước mắt vẫn còn trên khuôn mặt. Trên chiếc thuyển đó là một vị Sư phụ truyền giảng Phật Pháp và một số đệ tử của ông. Khi một trong những đệ tử hỏi Sư phụ tại sao bức tượng Phật lại khóc, Sư phụ đã trả lời: “Bức tượng Phật bảo ta rằng con người ngày nay không còn tôn kính Thần Phật nữa. Ngài ấy đang lo lắng cho con người.”

Có lẽ bức tượng Phật mỉm cười vì ông nhìn thấy rằng hy vọng đang ở ngay trước mắt và con người sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu họ biết nắm bắt hy vọng đó.

Có những vấn đề không thể đột phá nếu chỉ dựa vào khoa học kĩ thuật

Cho đến nay, mặc dù chính quyền Trung Quốc đã phái nhiều nhà khoa học, bỏ ra nhiều thời gian tìm hiểu và nghiên cứu dựa trên công nghệ tiên tiến nhưng vẫn không thể lý giải được những hiện tượng bí ẩn xung quanh Lạc Sơn Đại Phật. Thiết nghĩ có những vấn đề mà nếu chúng ta chỉ dựa vào khoa học kĩ thuật và bài trừ những giá trị tâm linh thì sẽ mãi mãi không thể đột phá đến được.

Nguồn ảnh: Pinterest

Lý Minh