Vào năm 1990, hai nhà tâm lý học người Mỹ là Peter Salovey và John Mayer đã đề xuất một thuật ngữ mới để đánh giá trí lực của con người: Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence). Về cơ bản, trí tuệ cảm xúc biểu thị cho khả năng tự nhận thức bản thân, hiểu rõ cảm xúc của mình và ảnh hưởng của những cảm xúc đó đến người xung quanh.

Ngoài ra, đó còn là khả năng đánh giá cảm xúc của người khác: Khi chúng ta thấu hiểu được cảm xúc của người đối diện, ta có thể kiểm soát tốt hơn những mỗi quan hệ đó. Hiện nay, trí tuệ cảm xúc được nhiều người biết đến với tên chỉ số EQ (Chỉ số cảm xúc- Emotional Quotient).

(Ảnh: Yeutre.vn)

Giáo sư Daniel Goleman thuộc đại học Havard chỉ ra rằng, “90% yếu tố quyết định sự nghiệp của các nhà lãnh đạo lại đến từ trí tuệ cảm xúc”, chỉ số IQ chỉ đứng thứ hai mà thôi

Vậy làm sao để ta biết được mình có phải là người có chỉ số cảm xúc cao, dưới đây là 13 dấu hiệu để bạn tự đánh giá EQ của chính mình.

1. Hiểu rõ bản thân mình

Những người có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao có lối sống rất lạc quan. Họ hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, đồng thời biết cách khống chế cảm xúc của mình và sử dụng nó như một công cụ để giao tiếp với người khác. Đồng thời, họ cũng biết lắng nghe, luôn đón nhận các góp ý và phân tích chúng để tìm ra phương cách tốt nhất nhằm nâng cao hiệu xuất công việc.

2. Trân trọng các mối quan hệ

Những người có trí tuệ cảm xúc mạnh mẽ sẽ có lối sống cởi mở và chân thành, các mối quan hệ xung quanh họ do đó cũng có xu hướng bền vững. Những người này kiên nhẫn và không dễ bỏ cuộc, họ chấp nhận mọi thử thách trong cuộc sống, bất kể nó có nghiệt ngã đến mức nào. Họ hiểu rằng cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, bốc đồng, giận hờn hoặc khinh thường có thể phá vỡ tình cảm gia đình, các mối quan hệ công việc, tình bạn và tình yêu.

Vì vậy họ luôn cố gắng duy trì trạng thái tĩnh lặng. Khi vấn đề xuất hiện, họ nghiền ngẫm và tìm cách giải tỏa khúc mắc trong lòng một cách công bằng và hợp lý. Tất nhiên điều đó không phải là bất chấp việc làm tổn thương những người khác, tất cả vẫn dựa trên cơ sở tránh gây tôn thương và tôn trọng suy nghĩ của những người mà họ yêu quý.

3. Cho đi mà không cầu nhận lại

Những người có trí tuệ cảm xúc cao là những người có lòng trắc ẩn, quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Họ dành thời gian và nguồn lực của bản thân để xây dựng và phát triển các mối quan hệ xã hội. Khi những mâu thuẫn nảy sinh, người có chỉ số EQ cao luôn nhẫn nại, chịu đựng, lắng nghe suy nghĩ của người khác trước khi đưa ra chủ kiến của mình. Đặc biệt hơn, họ cho đi mà không cần nhận lại, sẵn sàng giúp đỡ mọi người mà không so đo hay toan tính thiệt hơn về mình.

4. Không có thái độ căm ghét hay thù hận

(Ảnh: inhatrang.net)

Cơn nóng giận và bực tức hiếm khi bị mất kiểm soát. Họ nhận định rõ ràng được lợi và hại của những hành động thiếu lý trí và tránh để mọi thứ vượt quá khả năng kiểm soát của bản thân. Những người có trí tuệ cảm xúc cao không chỉ là người thấu hiểu cảm xúc của người khác, hơn ai hết họ hiểu rằng, kiểm soát được cảm xúc của bản thân, họ mới có thể đưa ra những quyết định chính xác và đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.

5. Hiểu rõ rằng đâu là giới hạn

Người có chỉ số EQ cao hiểu rằng con người vốn không hoàn hảo, ai cũng có thể mắc sai lầm, và điều quan trọng nhất là họ phải dũng cảm nhận lỗi. Chính vì vậy, khi mắc lỗi, họ nhanh chóng thừa nhận sai lầm, tra xét lại những hành động vừa qua và đặc biệt không bao giờ đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.

6. Tránh tranh cãi với những người tiêu cực

Một người có thái độ sống tiêu cực, bảo thủ luôn là những người khiến chúng ta cạn kiệt năng lượng nhất mỗi khi tiếp xúc với họ. Bởi họ luôn tìm cách để phủ nhận quan điểm của bạn và không bao giờ chấp nhận thất bại. Vì vậy, “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, người có trí tuệ cảm xúc cao thường lựa chọn né tránh đối đầu với kiểu người tiêu cực. Thay vào đó, họ cố gắng thay đổi cách diễn đạt của mình để câu chuyện trở nên tích cực và không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ với những người tiêu cực.

7. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống

(Ảnh: timesoft.vn)

Người có trí tuệ cảm xúc luôn lạc quan và có thái độ sống tốt đẹp. Họ không dành hàng giờ để đọc về những scandal của các ngôi sao trong làng giải trí. Họ cũng ít khi nói chuyện phiếm với bạn bè và tìm kiếm sự ủng hộ thông qua lượt like và bình luận trên các trang mạng xã hội. Thay vào đó, họ chủ động cân bằng giữa lao động và nghỉ ngơi, kết nối trực tiếp với mọi người và có xu hướng chia sẻ các ý tưởng và sự kiện có tính tích cực. 

8. Khả năng thích ứng với môi trường mới

Cuộc sống luôn thay đổi theo chiều hướng bất ngờ, vì vậy khả năng thích ứng lại một lần nữa là điểm mạnh của những người có trí tuệ cảm xúc. Tất nhiên đó không đồng nghĩa với việc nhóm người này thích chạy theo những trào lưu không lành mạnh trong xã hội, thực tế họ luôn có một lập trường rất vững vàng và một nền tảng đạo đức chuẩn mực. Tất cả những điều đó khiến cho một người có trí tuệ cảm xúc tránh xa với các tệ nạn xã hội, không bốc đồng và sống thật với chính mình.

9. Thích khám phá

Người có trí tuệ cảm xúc cao thường sở hữu một tính cách tò mò và không ngừng khám phá. Họ không ngừng mở rộng kiến thức, tìm những phương cách mới để hoàn thành công việc. Và dường như họ không bao giờ hài lòng với những gì mình đã biết, điều này khiến cho những người xung quanh cảm thấy một “sức hút tích cực” khi ở gần cá nhân này. Người có EQ cao là những người nhiệt tình trong việc tìm ra giải pháp cho cả đội nhóm, đồng thời lan truyền động lực đó cho mọi người để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.

10. Quan tâm đến bản thân

Người có EQ cao hiểu rằng yêu thương bản thân cũng là một cách để tận hưởng cuộc sống, họ thường dành thời gian để nghỉ ngơi, rèn luyện và xây dựng một lối sống khoa học. Có thể nói rằng, một cơ thể tràn đầy sức sống luôn là tiền đề để người có EQ cao thích ứng với những biến đổi của môi trường sống xung quanh.

11. Tự khép mình vào kỷ luật và tôn trọng những cam kết

Họ hiểu rõ ràng vai trò của mục tiêu, biết định hướng và lựa chọn ưu tiên công việc. Đôi khi những cảm xúc thường khiến người ta sao nhãng khỏi mục tiêu ban đầu, nhưng người có EQ cao sẵn sàng chế ngự nó để tập trung cao độ hoàn thành nhiệm vụ đúng với cam kết. Và như đã nói đặc điểm quan trọng của người có trí thông minh cảm xúc chính là khả năng đánh giá và tự nhận thức cảm xúc bản thân, vì vậy họ không mấy khi tự mãn với những gì mình đạt được, điều này khiến người thông minh cảm xúc được nhiều người yêu quý.

12. Hiểu rõ nguyên nhân của sự lo lắng và căng thẳng

Bí quyết để kiểm soát cảm xúc bản thân chính là việc hiểu rõ nó, người có chỉ số cảm xúc cao luôn biết lý do của những căng thẳng và lo lắng đó. Vì vậy họ sẵn sàng thay đổi và giải tỏa kịp thời.

13. Kỹ năng giao tiếp tốt

(Ảnh: Pixabay)

Cho dù là bạn bè hay người lạ, người có trí tuệ cảm xúc cao đều biết cách bắt đầu câu chuyện để tạo được ấn tượng tốt nhất. Họ luôn thân thiện, cởi mở với tất cả mọi người nhưng không cố gắng trở thành người trung tâm. Ngược lại, họ tạo cảm giác thoải mái để bất cứ ai cũng cảm thấy rằng mình được tôn trọng và là một phần của câu chuyện.

Trọng Đạt