Hàng ngàn kilomet cáp quang chôn dưới lòng đất kết nối các trung tâm dữ liệu khổng lồ đang đứng trước nguy cơ bị ngập vì nước biển dâng cao.

Cư dân mạng Việt Nam có lẽ chẳng ai còn lạ gì hệ thống cáp quang ngầm dưới đáy biển. Hệ thống này thường xuyên gặp sự cố đứt do cá mập cắn hoặc do thời tiết.

Trên thực tế, Internet không chỉ phụ thuộc vào hệ thống cáp quang ngầm dưới đáy biển mà còn có cả một mạng lưới cáp quang trên cạn (chạy ngầm dưới lòng đất). Mặc dù ít ít gặp sự cố hơn so với hệ thống cáp quang ngầm dưới đáy biển nhưng mạng lưới cáp quang trên cạn đang phải đối mặt với một mối đe dọa cực kỳ lớn đó là nước biển dâng.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều vùng, những nơi mà mạng lưới cáp quang trên cạn đi qua, có nguy cơ bị chìm trong nước biển. Theo tính toán, có ít nhất 6.500 km cáp quang trên cạn sẽ bị ngập trong vòng từ 10 đến 15 năm tới.

Vấn đề là ngay từ khi triển khai lắp đặt, chúng vốn đã không được thiết kế để chịu ngập nước và việc nâng cấp, cải tạo dường như không khả thi.

Không phải hacker, nước biển dâng cao mới là mối nguy hiểm lớn nhất đối với Internet
Đồ họa mạng lưới cáp quang trên cạn tại thành phố New York, Mỹ. Những đường màu xanh lá cây thể hiện các tuyến cáp và vùng màu xanh lam thể hiện những nơi sẽ bị nước biển nhấn chìm vào năm 2033. (Dữ liệu dự báo thể hiện trong ảnh được cung cấp bởi Internet Atlas)

Từ đây khơi dậy câu hỏi chúng ta cần phải làm gì? Có lẽ câu trả lời là những phương án truyền Internet thông qua vệ tinh, máy bay không người lái… Rõ ràng chúng ta cần một hình thức truyền dẫn Internet kiểu mới.

T.Vũ