Theo thống kê về tình hình an toàn thông tin mạng tại Việt Nam của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong tháng 8/2015, có 2.088 trang web và 907 máy chủ ở Việt Nam bị tấn công với mục đích gửi thư rác.

hacker 2Hình để lại của hacker Trung Quốc tấn công website của Việt Nam – (Ảnh: vncert.gov.vn)

Theo tỷ lệ các web bị tấn công, có tới 57% trang web có tên miền “.com”, 25% có tên miền “.vn”, 10% có tên miền “.org”… Một số trang tin điện tử của cơ quan nhà nước bị tấn công như vecita.gov.vn, cpi.khcn-moit.gov.vn, stnmt.gialai.gov.vn, buonmathuot.daklak.gov.vn…

Một tin nhắn lừa người dùng được cho là từ mã độc Kilim
Một tin nhắn lừa người dùng được cho là từ mã độc Kilim

Điểm đáng lưu ý là khoảng 10.000 người dùng ở Việt Nam bị nhiễm mã độc Kilim – theo F-secure đánh giá có số lượng lây nhiễm vượt trội. Mã độc này chủ yếu hoạt động trên Facebook để thực hiện gửi các nội dung bất thường lên trang Facebook hoặc gửi tin nhắn tự động qua Facebook Messenger.

Ngoài ra đầu tháng 8, bộ công cụ mã độc RIG Exploit Kit 3.0 đã lây nhiễm hơn 300 nghìn máy tính tại Việt Nam.

Trong tháng 7, các cuộc tấn công liên quan đến mã độc chiếm 28%, nhưng trong tháng 8 đã tăng lên 52%.

Theo nguồn tin từ Bkav, Việt Nam hiện nằm trong “top 10” quốc gia dẫn đầu về thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin nên cũng được coi là mảnh đất màu mỡ của tội phạm công nghệ cao. Mỗi ngày có thêm 37.000 virus mới xuất hiện trên internet, gần 1 triệu cuộc tấn công vào các hệ thống, các ngân hàng phải vất vả chống đỡ 15.000 cuộc tấn công của Hacker.

Vào ngày 23/9, tập đoàn công nghệ Bkav đã tổ chức cuộc thi an ninh mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix – Global Challenge 2015, dành cho các“hacker mũ trắng”, diễn ra trong 2 ngày 24 và 25, cuộc thi trực tuyến tại địa chỉ whitehatvn.com có 200 đội quốc tế tham gia.

Hacker “mũ trắng” và “mũ đen”

Hacker khởi đầu có vai trò quan trọng và ý nghĩa rất tích cực, là những người bảo vệ hệ thống mạng công nghệ, tìm ra các lỗ hổng để khắc phục, đảm bảo an ninh mạng máy tính. Nhưng trong số ấy, một số đã tách ra đi theo con đường xấu, trở thành hacker “mũ đen”.

Và đến bây giờ, cứ nói đến hacker người ta lại nghĩ ngay đến những “người phá hoại” chuyên lấy cắp thông tin, lan truyền các file, phần mềm chứa mã độc hay tạo ra các cuộc tấn công mạng… nhưng thực tế vẫn có rất nhiều những hacker là chuyên gia công nghệ vẫn ngày đêm tìm ra những lỗi cảnh báo, ngăn chặn mã độc, virus, đảm bảo an toàn cho hệ thống mạng máy tính… đó là những hacker “mũ trắng”.

Theo vneconomy.vn